Tương lai thuộc về giáo dục Online

GD&TĐ - Từ ngày 30/8 đến 2/9/2018, tại Moskva, đã diễn ra Hội nghị quốc tế “Thành phố giáo dục” với sự tham gia của 400 chuyên gia giáo dục từ 50 nước khác nhau. Nhân dịp này chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của ông Allan Kjaer Andersen, Hiệu trưởng Trường Trung học Ørestad ở Đan Mạch, được coi là trường phổ thông xuất sắc nhất ở bán đảo Scandinavie năm 2007.  

Trường Trung học Ørestad nhìn bên ngoài như một khối thủy tinh khổng lồ
Trường Trung học Ørestad nhìn bên ngoài như một khối thủy tinh khổng lồ

- Năm 2007, trường của ông được coi là một cuộc cách mạng trong giáo dục. Từ đó đến nay đã hơn 10 năm trôi qua. Quan điểm của ông về giáo dục có thay đổi không?

Tôi đã ngộ ra nhiều điều. Mà chủ yếu là cần phải hình dung thật rõ vì sao phải thay đổi giáo dục. Khi mới thành lập trường, chúng tôi có nhiều lý thuyết giáo dục: Học sinh phải giao tiếp và học các môn học thông qua việc giải bài tập và với sự trợ giúp của các công nghệ hiện đại.

13 năm nay (trường hoạt động từ năm 2005), chúng tôi thường xuyên bàn luận về việc nhà trường thế kỷ XXI phải như thế nào. Và chúng tôi hiểu ra rằng mục đích chính hiện nay là biến học sinh thành con người năng động để có thể tự mình thay đổi thế giới. Chúng tôi đào tạo ra những công dân dám đương đầu với những thách thức toàn cầu và sẵn sàng hành động.

Hiệu trưởng Allan Kjaer Andersen
Hiệu trưởng Allan Kjaer Andersen

- Vậy cần phải dạy cho học sinh điều gì?

Tất cả những kỹ năng cần thiết trong thế kỷ XXI. Một trong những phẩm chất quan trọng bậc nhất là nhân cách mạnh mẽ, nổi bật. Anh ta cần biết mình là ai, từ đâu đến, anh ta cần phải tự xác định bản sắc của mình. Thế giới thay đổi nhanh đến mức anh ta cần phải biết gốc gác của mình.

Tiếp theo là sự thấu cảm và kỹ năng làm việc đồng đội. Không chỉ ở cấp độ nhà trường hay công việc, mà nói chung. Cái đó gọi là “thấu cảm toàn cầu”. Nghĩa là, kỹ năng xã hội đóng vai trò hàng đầu.

Tư tưởng về sự thay đổi của thế giới là quan điểm mới về giáo dục, nhà trường không còn là nơi bạn học những kiến thức hàn lâm nữa. Quan trọng hơn nhiều là biết áp dụng các kiến thức hàn lâm này vào thực tế. Và tất nhiên, cần phải có các kỹ năng công nghệ và sáng tạo.

- Nhìn vào tất cả những thay đổi đó, ông nghĩ gì về nền giáo dục châu Âu hiện nay? Nó có đáp ứng những yêu cầu của thời đại không?

Không. Hiện nay giáo dục Singapore và Hàn Quốc là mạnh nhất. Các trường phổ thông và đại học châu Âu đang hướng tầm mắt về phía họ và muốn áp dụng tư tưởng của họ. Nhưng vấn đề ở chỗ, ở châu Á, cũng như Nga, nhà trường hàn lâm rất mạnh.

- Ông cho rằng nhà trường phổ thông Nga mạnh ư?

Vâng, tất nhiên! Mạnh nhất thế giới. Nhưng là về mặt hàn lâm, là hard skills - toán, khoa học. Nhược điểm của nó là nhà trường không chuẩn bị cho cuộc sống, cho tương lai vốn đã đến rồi. Vì rằng nhà trường vẫn còn quá khác biệt với thế giới, trong đó con em của chúng ta sẽ sống.

Chúng ta phải hợp thức hóa những truyền thống giáo dục châu Âu trong các khuôn khổ mới. Dạy học phải kích thích năng lực phát hiện và giải quyết những vấn đề, làm nảy sinh những ý tưởng mới và thực hiện chúng, thích nghi với những thay đổi.

Cần phải thay đổi bản thân hệ thống tổ chức nhà trường và thời gian ở trường. Học sinh không nên ngồi trên lớp 6 tiếng mỗi ngày, các em phải có thời gian nhiều hơn để thảo luận và xây dựng các dự án.

Trường nổi ở làng Kompong Luong, Campuchia

Trường nổi ở làng Kompong Luong, Campuchia

- Ông có cho rằng tương lai thuộc về giáo dục online không? Hay hình thức truyền thống còn tồn tại lâu dài?

Tôi ủng hộ cả hai. Thiếu giáo dục offline, trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng không đi đến đâu. Tại vì học sinh phải học với nhau và ở bên cạnh người lớn. Bạn không thể dạy học sinh sự thấu cảm, phát triển năng lực giao tiếp của các em nếu thiếu sự tiếp xúc cá nhân. Nhưng nhờ có công nghệ mà chúng ta có thể làm cho quá trình dạy học mang tính cá nhân và hiệu quả hơn. Đó là cách thức giao tiếp với những người trẻ bằng ngôn ngữ của họ.

- Nhưng cho đến nay các bậc phụ huynh vẫn sợ công nghệ, đặc biệt trong giáo dục. Họ không hiểu công nghệ và sợ đánh mất sự kiểm soát. Những nỗi sợ này có hợp lý không?

Đây là những nỗi sợ rất tự nhiên, và là nguyên nhân thôi thúc chúng ta áp dụng công nghệ vào giáo dục. Nếu bạn không dạy học sinh sử dụng công nghệ trong học tập, các em sẽ không bao giờ học được điều đó. Các thiết bị xung quanh chúng ta phục vụ cho việc giải trí và trò chơi, mà chưa được sử dụng cho việc học tập. Nhiệm vụ của chúng ta là phát hiện ra các khía cạnh khác của văn hóa số. Các bậc phụ huynh muốn hạn chế thời gian trẻ em sử dụng các thiết bị, nhưng hiện nay không thể làm điều đó, vì vậy điều quan trọng là thay đổi véc-tơ hứng thú của các em.

- Ở đây chúng ta vấp phải vấn đề giáo viên. Như vậy, giáo viên phải kiểm soát công nghệ phải không? Ở nước Nga, cho đến nay đây là một khó khăn lớn?

Ở trường “Ørestad”, chúng tôi cũng vấp phải vấn đề này. Các giáo viên của chúng tôi không phải là những người giỏi công nghệ khi họ đến làm việc ở trường chúng tôi. Nhưng họ muốn học tập. Vấn đề ở chỗ, học sinh đã dạy họ, vì các em sử dụng các thiết bị công nghệ giỏi hơn. Đó là chìa khóa làm việc đồng đội.

Giáo viên không bắt buộc phải là chuyên gia công nghệ thông tin, nhưng họ phải biết sử dụng chúng cho việc dạy học. Vì vậy, điều quan trong nhất khi tuyển dụng giáo viên là anh ta phải thích học. Bạn hoàn toàn không cần phải trở thành chuyên gia IT để làm giáo viên trong nhà trường hiện nay. Ở đây chúng ta lại vấp phải vấn đề: Vì sao hiện nay chúng ta cần nhà trường? Vì chúng ta đào tạo con người cho cuộc sống ở thế kỷ XXI.

- Nhưng hiện nay chúng ta đâu có biết tương lai sẽ như thế nào? Tất cả thay đổi ngay trước mắt.

Vấn đề là ở chỗ đó. Chúng ta đào tạo học sinh không phải cho một tương lai cụ thể nào, mà là cho những thay đổi. Các em phải trở thành những con người sẵn sàng thay đổi với thế giới. 10 năm trước chưa có iPhone, thế nhưng hiện nay nó đã thay đổi văn hóa của cả một thế hệ.

- Theo ông, những dự án giáo dục nào được coi là tiến bộ nhất thế giới hiện nay?

Theo tôi, ví dụ thú vị nhất hiện nay là chương trình Hundred của Phần Lan. Đó là sự hợp tác giữa khu vực tư và công trong giáo dục. Mục đích là nghiên cứu xem cần thay đổi giáo dục như thế nào để nó trở nên cấp thiết và thú vị trong 100 năm tiếp theo.

Họ muốn tìm được 100 ý tưởng mới có thể áp dụng vào nhà trường phổ thông và đại học, sưu tầm những ví dụ tốt nhất từ khắp thế giới và áp dụng vào Phần Lan.

Nếu nói về những đơn vị cụ thể thì tôi có thể đơn cử mạng lưới trường phổ thông ở San Diego ở Mỹ, được gọi là High Tech High, nó kết hợp các mặt khác nhau của giáo dục kỹ thuật và giáo dục hàn lâm. Tất cả việc dạy học được xây dựng trên công việc dự án và tích hợp các môn học. Ví dụ, vẽ tích hợp với sinh học, còn các môn nhân văn - với toán. Nhưng điều chủ yếu mà họ đang làm là dạy các giáo viên.

Thêm một ví dụ nữa là trường nổi Luong ở Campuchia. Trường này tập hợp những trẻ em tài năng từ khắp nơi trong nước để đào tạo các em thành các nhà lãnh đạo đất nước trong tương lai. Học sinh tìm hiểu những vấn đề thực tế đang diễn ra ở Campuchia và tìm cách giải quyết chúng.

Và ví dụ thứ ba là Trường Xanh ở Bali nằm ngay trong rừng nhiệt đới. Toàn bộ trường được làm bằng tre.

Điểm chủ yếu liên kết tất cả các sáng kiến nói trên là sự kết hợp hoạt động của các trường tư với các nhà đầu tư và nhà nước. Nói chung, chỉ có nhà nước mới thay đổi được giáo dục, nhưng về bản chất, nhà nước là bảo thủ và chậm chạp. Vì vậy sáng kiến phải bắt nguồn từ phía dưới, từ các nhà đầu tư tư nhân, các công ty, bố mẹ học sinh.

Theo Báo Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ