Tây Ban Nha: Chuẩn mực của giáo dục châu Âu

GD&TĐ - Hiện nay, Tây Ban Nha là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới thu hút nhiều du học sinh từ  châu Âu, châu Mỹ, chỉ đứng sau Anh (trên 36% là sinh viên đến từ các nước thuộc địa châu Mỹ, 31% từ châu Mỹ - Latinh). 

Tây Ban Nha: Chuẩn mực của giáo dục châu Âu

Hệ thống giáo dục Tây Ban Nha được đánh giá như một hệ thống tiêu biểu cho nền giáo dục châu Âu. Sự kết hợp giữa những trường đại học có từ thời trung cổ và các chương trình học hợp lý, thực dụng, nặng tính hướng nghiệp chính là nét điển hình của quốc gia này.

Giáo dục của Tây Ban Nha được chia thành các bậc chính: tiểu học dành cho HS từ 6 – 12 tuổi; trung học (bao gồm trung học bắt buộc) cho HS từ 12 – 18 tuổi và bậc ĐH, trên ĐH. Luật Giáo dục sửa đổi của Tây Ban Nha năm 1990 quy định giáo dục phổ thông được phổ cập toàn quốc và miễn hoàn toàn học phí. Đối tượng HS tham gia học phổ cập được mở rộng đến 16 tuổi. Tôn giáo được giảng dạy trong tất cả các trường học nhưng trên tinh thần tự nguyện. Giáo dục nghệ thuật, ngôn ngữ được xếp riêng thành một hệ thống đặc biệt.

Ở cấp học THCS, HS Tây Ban Nha sẽ phải tham gia các khoá học bắt buộc bao gồm chương trình đào tạo nghề. Chương trình giáo dục bắt buộc kéo dài trong vòng 4 năm (12-16 tuổi). Những HS nào đạt tiêu chuẩn tốt nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ cho phép họ có thể vào một trong 4 loại hình giáo dục chuyên sâu hoặc đào tạo nghề sau đó. Những HS không đạt yêu cầu sẽ được chứng nhận là đã tham gia chương trình phổ cập và có học những môn theo yêu cầu.

Dựa trên kết quả này, các chương trình bảo đảm xã hội được xây dựng, phục vụ cho những nhóm HS này thông qua các khoá đào tạo nghề cơ bản, các lớp học khác… Chương trình học chính quy được tiếp tục sau khi HS hoàn thành bậc học phổ cập. Cuối cấp học chính quy này, HS sẽ nhận được bằng dựa trên bảng điểm của mình. Để tiếp tục học lên ĐH, HS sẽ phải có bằng tốt nghiệp cấp học chính quy và tiếp tục qua được kỳ thi đầu vào của các trường ĐH.

Giáo dục đại học

Hệ thống ĐH của Tây Ban Nha đã có từ thời trung cổ nên nước này có nhiều trường có thâm niên và bề dày kinh nghiệm trong đào tạo. Tây Ban Nha có 77 trường đại học, 51 trường trong số đó là trường công. Trong số các trường ĐH kể trên, có những trường công tại Tây Ban Nha có hàng nghìn năm tuổi. Đáng kể nhất là trường Salamanca được xây dựng từ năm 1218. Trường được biết đến với số lượng tập thể giáo sư, tiến sỹ đầu ngành từ hơn 30 quốc gia trên thế giới về đây giảng dạy, nghiên cứu.

Giáo dục sau đại học

Rất nhiều sinh viên các nước chọn Tây Ban Nha làm điểm đến cho việc nghiên cứu và học tập sau đại học. Hầu hết các trường ĐH công và tư Tây Ban Nha đều đào tạo các khóa học sau đại học. Đầu vào các trường này tương đối dễ dàng. Bạn chỉ cần có bằng ĐH tại Việt Nam, tiếp tục học chuyên ngành mà bạn học tại đại học Việt Nam trong khóa thạc sỹ tại Tây Ban Nha. 

Đối với sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ, bạn có thể xin vào học bất kỳ chuyên ngành nào trong khóa học thạc sỹ tại Tây Ban Nha trừ những khóa học chuyên ngành như kiến trúc, xây dựng, y khoa…. Bạn có cơ hội lựa chọn học sau đại học bằng tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha. Nếu học bằng tiếng Anh, bạn sẽ phải đóng học phí từ 2.000-3.000 euros/năm khi học tại trường công lập. Nếu học bằng tiếng Tây Ban Nha, bạn được miễn phí. Chỉ phải đóng một khoản phí hành chính nhỏ trước khi vào học.

Giá trị của những tấm bằng

Là nền giáo dục điển hình của châu Âu, bằng cấp tại các trường ĐH Tây Ban Nha được công nhận ở 23 quốc gia châu Âu và rất nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn...  Cơ hội việc làm rộng mở đối với tất cả các bạn sinh viên tốt nghiệp từ ĐH ra. Tại Việt Nam, ĐH Hà Nội là nơi đầu tiên được tiến hành đào tạo tiếng Tây Ban Nha cho sinh viên.

Số lượng sinh viên ra trường sau hai khóa đào tạo tại trường đều có công việc 100% với thu nhập gấp 2-4,5 lần sinh viên tốt nghiệp tiếng Anh. Những nơi mà sinh viên tốt nghiệp ĐH khoa Tây Ban Nha có thể xin làm là văn phòng đối ngoại của các tập đoàn lớn, tổ chức phi chính phủ châu Âu, Singapore… nơi rất nhiều nhà đầu tư châu Âu, châu Mỹ đang đầu tư và thịnh vượng. Sắp tới, Việt Nam và Tây Ban Nha đang xúc tiến một số dự án về lĩnh vực du lịch, năng lượng, công nghệ… và điều này hứa hẹn những cơ hội việc làm tốt cho những sinh viên học tập từ Tây Ban Nha trở về.

Theo Spanish

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...