Điều mà giới phân tích quan tâm là Liên minh châu Âu ở đâu trong cơn đại dịch và tương lai nào cho tổ chức lớn nhất, mạnh nhất hành tinh này?
Những con số giật mình
Theo thống kê, số người nhiễm dịch Covid-19 trên thế giới đã vượt quá cột mốc 1 triệu ca, gần 60 nghìn ca tử vong (tính đến ngày 5/4). Riêng ở châu Âu, số ca nhiễm đã chiếm một nửa, số người chết còn khủng khiếp hơn và tiếp tục tăng.
Điều đáng nói là những nước nhỏ như Bỉ, Hà Lan với dân số hơn chục triệu người nhưng mỗi nước đã có hàng nghìn ca tử vong do Sars-CoV-2. Ở nhiều nước châu Âu, đại dịch vẫn chưa đạt đỉnh nên con số nhiễm bệnh và tử vong tăng chóng mặt.
Ở góc độ khác, sản xuất đình trệ, thương mại đóng băng, châu Âu “bế quan tỏa cảng”, gồng mình chống dịch. Điều dễ hiểu rằng, dịch giã sẽ qua đi, để lại một châu Âu xác xơ trong khủng hoảng kinh tế thời hậu dịch.
EU ở đâu?
Các chính trị gia người Ý từ các phân khúc chính trị đa dạng nhất đã khẳng định rằng, bây giờ là lúc đặt câu hỏi một cách nghiêm túc: Hoặc Đức (cùng các đồng minh) cấp tiền cho tất cả mọi người trong Liên minh châu Âu thời dịch bệnh, hoặc Liên minh châu Âu đơn giản sẽ không tồn tại sau dịch bệnh này.
Theo quan điểm của những người ủng hộ hội nhập châu Âu bằng mọi giá, đây gần như là một vụ tống tiền vào thời điểm không thuận lợi nhất. Còn theo quan điểm của những người chống lại liên minh, giờ là lúc cần phải làm rõ cái giá (tính bằng tỷ euro) của tất cả các cuộc rao giảng về tình đoàn kết châu Âu.
Liên minh châu Âu là một gia đình mà tất cả các thành viên đều quan tâm đến nhau, đặc biệt là trong các điều kiện cùng chung mối đe dọa chết người. EU ở đâu trong vòng xoáy đại dịch, đến nỗi Ý phải cầu cứu Trung Quốc?
Theo tờ The Telegraph của Anh, một nhóm các chính trị gia người Ý, bao gồm các thành viên của Quốc hội và các thị trưởng từ các đảng phái chính trị khác nhau đã mua một số lượng lớn ấn phẩm của tờ báo uy tín nước Đức - Frankfurter Allgemeine Zeitung để thúc giục giới tinh hoa chính trị Đức ngừng “chống lại các chương trình tài chính của châu Âu, nhằm khôi phục kinh tế của các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.
Các tác giả của kháng cáo kêu gọi sự đoàn kết châu Âu, với lịch sử chung của thế giới phương Tây và nhắc nhở người Đức rằng sau năm 1945, các nước khác cũng đã sẵn lòng giúp Đức.
Kháng cáo cũng bóng gió về thực tế là EU với tư cách là một cấu trúc có thể không tồn tại sau dịch bệnh nếu trong điều kiện khủng hoảng trầm trọng như hiện nay bởi một số quốc gia thể hiện lập trường ích kỷ.
“Các bạn Đức thân mến! Với Covid-19, thế giới phương Tây một lần nữa chiếm vị trí trung tâm trên sân khấu. Ngày nay, Liên minh châu Âu không có phương tiện để đối phó với khủng hoảng như một mặt trận thống nhất.
Nếu Liên minh châu Âu không chứng minh điều đó (một mặt trận thống nhất), chính nó sẽ chấm dứt sự tồn tại” - cụm từ này có thể được coi là lời trách móc chính của Roma gửi đến Berlin.
Nhìn chung, cuộc xung đột giữa miền Bắc và miền Nam (giàu và nghèo hơn) của Liên minh châu Âu đặt ra một câu hỏi duy nhất: Ai sẽ cung cấp tiền và sẽ cung cấp bao nhiêu để bảo đảm rằng toàn bộ nền kinh tế của khu vực đồng euro sẽ vượt qua khủng hoảng sâu sắc khi dịch bệnh kết thúc?
Điều đáng nhấn mạnh là trong mọi trường hợp (theo các chính trị gia Ý), ai đã “treo” các khoản tiền được huy động để cứu các nền kinh tế châu Âu?
Trên thực tế, định dạng “nhà nào lo nhà ấy” là có thể, nhưng rất khó thực hiện đối với hầu hết các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, ngoại trừ Đức, Áo, Hà Lan, Luxembourg, Đan Mạch và có thể cả Thụy Điển và Phần Lan.
Có thể hạ bệ một đế chế
Tất nhiên, châu Âu sẽ sống sót sau đại dịch, nhưng Liên minh châu Âu liệu có tiếp tục tồn tại?
Đối với các nước như: Ý, Tây Ban Nha, Pháp hoặc Bồ Đào Nha, đến các thị trường chứng khoán toàn cầu với một chiếc mũ trong tay run rẩy vì giá lạnh sẽ không phải là giải pháp tốt nhất. Vấn đề ở chỗ, những con cá mập tài chính sẽ nhìn họ với sự hoài nghi về triển vọng kinh tế của các quốc gia này sau khi dịch bệnh và kiểm dịch kết thúc. Và như vậy, việc cung cấp cho họ số tiền để “lấp lỗ hổng tài chính” và khôi phục nền kinh tế khủng hoảng là không hề đơn giản.
Như ấn phẩm Politico của Mỹ nhấn mạnh, do hậu quả của xung đột, các nhà lãnh đạo EU đang đứng trước sự sụp đổ chính trị. Điều này chỉ được ngăn chặn nhờ thỏa thuận của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel với các nhà lãnh đạo của các nước EU. Các nhà lãnh đạo EU sẽ trở lại cuộc tranh luận sau một tuần nữa khi họ xem xét các đề xuất chính thức của các Bộ trưởng Tài chính eurozone.
Tuy nhiên, cuộc họp của các nhà lãnh đạo lần này chỉ nhằm chứng minh sự thống nhất của khối (EU), thay vì chỉ đề cập đến những bất đồng cay đắng xảy ra trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro cách đây một thập kỷ. Cuộc họp này cũng giống như cơn thịnh nộ gần đây của Ý về việc các nước EU khác không sẵn lòng giúp đỡ thiết bị y tế cho Roma.
Theo Politico, dù cuộc khủng hoảng có được giải quyết như thế nào thì một kết cục tốt cho Liên minh châu Âu khó có thể xảy ra.
Thứ nhất, nếu không có tiền hỗ trợ thì trong cuộc bầu cử tiếp theo ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 sẽ có những động thái thù địch đối với Brussels và Berlin.
Thứ hai, nếu Cordobond (Quỹ hỗ trợ khủng hoảng Covid-19) được ban hành theo đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoặc các chính trị gia người Ý, thì không ít vấn đề sẽ nảy sinh ở các nước giàu hơn của Liên minh châu Âu.
Cụ thể, cử tri có thể ủng hộ các chính trị gia từ chối lấy tiền nộp thuế của dân nước họ để trợ giúp cho người Ý. Không còn bất kỳ giải pháp lý tưởng nào mà không có hậu quả tiêu cực. Thỏa hiệp quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo hàng đầu của EU là phải xuất phát từ yêu cầu để EU không trở thành nạn nhân chính của dịch bệnh. Tuy nhiên, EU - nạn nhân chính của Covid-19 đã quá rõ ràng.