(GD&TĐ) - Ông Hồ Nghinh sinh năm 1913 trong một gia đình có truyền thống nho học ở xã Duy Trinh (Duy Xuyên, Quảng Nam). Ông là con thứ 5 trong một gia đình có 10 người con. Ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là thông minh và hiếu học, sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông ra Huế học Trường Quốc học, cùng lớp với Võ Nguyên Giáp. Những năm cuối thập kỷ 20 của thế kỷ trước, thành phố Huế trải qua những ngày sôi động, ông sớm đón nhận những hoạt động yêu nước thông qua phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên. Khi đang học năm thứ 3, ông đã tham gia bãi khóa đòi ân xá Phan Bội Châu, truy điệu Phan Châu Trinh nên đã bị bắt và bị kết án tù 2 năm.
Bám đất, bám dân
Cả cuộc đời cách mạng của ông luôn gắn bó với chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, là Bí thư Tỉnh ủy gần như liên tục suốt 19 năm (1963-1982). Trong thời chống Mỹ, Quảng Đà là mặt trận nóng bỏng nhất, là chiến trường trọng điểm của Khu 5. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của ông sâu đậm dấu ấn, ông không chịu lui về núi cho an toàn, không chỉ đạo từ xa mà nhất quyết trụ bám ở nơi ác liệt nhất, đã góp phần tạo ra một phong cách đặc sắc của chiến tranh nhân dân: Dân bám đất, du kích bám địch, Đảng bám dân của ông đã là một mẫu mực của tính cách anh hùng.
Sau Tổng tấn công Mậu Thân 1968, tình hình chiến trường trở nên ác liệt, địch ngăn chặn chi viện của miền Bắc và tiêu diệt bằng được các chi bộ Đảng, đánh bật Đảng ra khỏi dân. Chúng cày trắng các vùng nông thôn, nhiều vùng ở Quảng Đà đã bị chúng cày xới bao lần. Trong lúc nóng bỏng như vậy, ông có quyết sách là đưa Thường vụ Tỉnh ủy về đứng chân ở Gò Nổi - nơi bị đánh phá, cày ủi liên tục ngày đêm. Có người lo ngại đưa cơ quan đầu não của Đảng về đây là rất nguy hiểm, nhưng ông kiên quyết: Lúc này, điều quyết định còn hay mất là mỗi đảng viên phải bám dân. Đúng là đứng chân giữa Gò Nổi là nguy hiểm nhất nhưng hiệu quả nhất. Lúc này, sự có mặt của Bí thư Tỉnh ủy đang ở Gò Nổi - nơi ác liệt nhất dù khó khăn đến mấy không một Bí thư Huyện ủy nào dám bỏ dân chạy. Bí thư xã còn bám trụ thì không bí thư chi bộ hay đảng viên nào bỏ thôn xóm. Đảng viên còn trụ lại thì dân trụ lại, theo đó địa bàn còn thì phong trào còn. Vì vậy, Đảng bộ Quảng Đà đã bám trụ và vượt qua tất cả những gian khó, làm tan vỡ mọi kế hoạch đánh phá thâm độc của kẻ thù.
Chỉ đạo kinh tế tài ba
Không chỉ là người “nhìn xa trông rộng” trong lãnh đạo chiến tranh, theo lời đánh giá của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông là “người đã góp phần làm rõ những nguyên nhân dẫn đến trì trệ trong xây dựng kinh tế do cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp ngự trị quá lâu, cần phải đổi mới toàn diện”. Sau ngày giải phóng, ông Hồ Nghinh làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh sau năm 1975, với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy, ông có công lớn trong việc chỉ đạo cải tạo công thương nghiệp không hoàn toàn rập khuôn, giáo điều như nhiều nơi khác và đã đạt được những thành tích lớn, tạo ra mạng lưới phân phối gồm các cửa hàng, các hợp tác xã thương mại và dịch vụ phục vụ cho đời sống nhân dân. Nổi bật nhất về phát triển công nghiệp hậu chiến là các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã sản xuất mọc lên khắp nơi trong tỉnh, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ cho nhu cầu quốc kế, dân sinh trong tỉnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tiêu biểu ở thành phố Đà Nẵng là các nhà máy ra đời trên khu công nghiệp Hòa Khánh như nhà máy Cơ khí Đà Nẵng, nhà máy Thủy tinh, nhà máy Dưỡng khí, nhà máy Hóa chất, nhà máy dệt Hòa Khánh… Nhiều nhà máy nằm trong lòng thành phố như nhà máy Dệt 29/3, nhà máy Bia Sông Hàn, nhà máy Cơ khí Ô tô, nhà máy Điện cơ, Xí nghiệp Cơ khí 2/9… Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông đã thuyết phục được những người lãnh đạo ngành thủy lợi và những quan chức lãnh đạo kinh tế trung ương cho phép xây dựng đập Phú Ninh để giải quyết vấn đề kinh tế, dân sinh của tỉnh Quảng Nam trong điều kiện khó khăn nguồn vốn. Có thể nói công trình thủy lợi Phú Ninh là công trình điển hình của tuổi trẻ Quảng Nam – Đà Nẵng. Bao lớp thanh niên xung phong lên đường góp công sức xây dựng nên công trình có ý nghĩa lịch sử, biến một vùng đất rộng lớn cằn cỗi ở phía nam, rộng 25.000 ha từ một vụ lúa bấp bênh, năng suất thấp thành cánh đồng lúa hai vụ xanh tươi.
Sau khi có Nghị quyết của Trung ương về cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, ông đã linh hoạt, chủ động triển khai nhiều biện pháp thích hợp, nhờ vậy phong trào sản xuất công thương nghiệp ở Quảng Nam - Đà Nẵng sớm ổn định, phát triển, không gặp khó khăn lúng túng như nhiều nơi khác. Thực tế, sau giải phóng, nhiều ngành nghề thủ công nghiệp, các nghề truyền thống trên quê hương đất Quảng phát triển mạnh mẽ như nghề mành trúc, tranh thêu, mộc kim bồng… ở Hội An; nghề thảm len, mây tre… ở Đà Nẵng, nghề đúc đồng ở Điện Bàn…
Tượng đài trong trái tim dân
Trong lúc đất nước đang trong khó khăn về lương thực, lại xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, nên "Tất cả cho lương thực" là một trong những khẩu hiệu hành động hàng đầu. Vì vậy, các nhà chuyên môn trong ngành thủy lợi ra sức tìm giải pháp tưới tiêu đồng ruộng để "thay trời làm mưa". Tại tỉnh Quảng Nam, cùng với hàng loạt công trình thủy lợi, trong đó có dự án Khe Thẻ. Nhưng công trình này gây ra nhiều tranh cải. Ông Hồ Nghinh chính là người quyết liệt trong việc bác bỏ làm đập Khe Thẻ. Bởi ông hiểu được giá trị văn hóa vô giá của Mỹ Sơn. Nếu không có ông Hồ Nghinh thì phố cổ Hội An cũng đã bị phá tan, vì cán bộ địa phương "quá tả" trong việc đập miếu, phá đình, họ cho là bài trừ văn hóa phong kiến, văn hóa Trung Quốc. May mà, người ta mới đập phá cổng tam quan Khổng Miếu thì ông Hồ Nghinh biết chuyện, liền vội vã vào tận hiện trường ngăn chặn. Và nhờ thế mà phố cổ Hội An tồn tại, rồi kiến trúc sư Kazik góp phần bảo tồn để được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Ghi nhớ công lao người kiến trúc sư Ba Lan, người ta đã đặt tượng Kazik trong một vườn hoa giữa phố cổ Hội An. Còn công lao của ông Hồ Nghinh góp phần làm nên công trình thủy lợi Phú Ninh, giữ lại khu đền tháp Mỹ Sơn và phố cổ Hội An để tổ chức UNESCO công nhận là hai di sản văn hóa thế giới của Việt Nam? Phải chăng, người dân xứ Quảng đã dựng tượng đài ông trong trái tim mình!
Trước lúc qua đời, ông để lại số tiền 1 tỷ đồng để xây dựng Quỹ khuyến khích sáng tạo khoa học và công nghệ Hồ Nghinh để khuyến khích việc nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng khoa học và công nghệ của cán bộ, nhân dân đặc biệt là thành viên, hội viên của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP, Hội Kinh tế TP… góp phần phát triển KTXH.
Hồ Nghinh đã đồng hành cùng cách mạng và dân tộc, từ một người dấn thân cho lý tưởng cách mạng và nhân văn ông trở thành một nhà lãnh đạo, lấy thực tiễn phong phú của cuộc sống làm thước đo chân lý và không ngừng bổ sung những kiến thức đã học tập và trải nghiệm vào kho tàng tri thức của mình để đề ra những quyết sách sát hợp với thực tiễn, đem lại những thành công nhất định trên cương vị công tác của mình. Lịch sử đã trôi qua nhưng những giá trị mà ông mang lại, trong nhiều vấn đề vẫn còn có tính thời sự. Ông là một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, về phẩm chất cách mạng trong sáng, về tư duy trong sự nghiệp đổi mới đất nước với tấm lòng chính trực.n
Huỳnh Viết Tư (Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng)