Từng bị chồng ghen vì làm công tác dân số

GD&TĐ - Hơn 20 năm làm công tác dân số ở địa phương, bà Khương Thị Hà (53 tuổi) – cán bộ dân số xã Hoa Lư (Đông Hưng, Thái Bình) từng bị chồng ghen vì nhiều lần đi làm đến 7 -8 giờ tối mới về nhà.

Bà Khương Thị Hà: Tôi học được chữ Nhẫn từ công tác dân số
Bà Khương Thị Hà: Tôi học được chữ Nhẫn từ công tác dân số

Từng bị cho là “hâm”

Bà Hà kể lại: Những năm đầu của thập niên 90, điều kiện kinh tế khó khăn, mỗi lần đi vận động kế hoạch hóa gia đình, bà phải đi bộ. Hiệu quả nhất là vận động vào buổi chiều tối, lúc đó các thành viên trong gia đình mới có mặt ở nhà.

“Khổ nỗi, ngày ấy bác Chủ tịch xã rất tâm huyết, nhiệt tình với công tác dân số. Cứ hết giờ làm việc là tôi và bác ấy lại “cuốc bộ” đi làm nhiệm vụ - đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng.

Nhiều hôm, phải 7-8 giờ tối mới về đến nhà. Một, hai lần thì không sao nhưng nhiều lần như vậy khiến ông xã nghi ngờ và có thái độ ghen tuông vì cho rằng tôi ngoại tình.

Sau này, ông xã cũng hiểu, rồi thông cảm và rất ủng hộ công việc của tôi. Nghĩ lại, đó cũng là một thời để nhớ, để vợ chồng thêm thương yêu, gắn bó xây dựng gia đình hạnh phúc” – bà Khương Thị Hà bộc bạch.

Cũng theo bà Hà, những năm đầu bà làm công tác dân số, tiền phụ cấp được vài chục nghìn. Gia đình, người thân bảo bà là “hâm” đi “vác tù và hàng tổng”. “Có người còn nói khó nghe hơn, họ bảo tôi thích chọc ngoáy vào gia đình người khác” – bà Hà chia sẻ.

Bà Hà kể lại: Bà từng bị người ta xua đuổi, trách mắng. Có lần, bà đến một gia đình sinh con một bề là gái để vận động không sinh con thứ 3. Lần đầu đến họ còn tiếp đón lịch sự, nhưng nhiều lần đến nhà thì họ thấy phiền, họ không những không tiếp mà còn có những lời nói xúc phạm.

“Với trường hợp này, không thể nóng vội mà phải sử dụng biện pháp “mưa dầm thấm lâu”. Tôi đã gặp gỡ người thân của họ để tiếp cận, rủ rỉ chuyện trò và nêu gương một số gia đình chỉ có con gái ngay trong thôn làng của gia đình đấy, nhưng họ vẫn sống rất hạnh phúc, kinh tế, khá giả, con cái học giỏi, chăm ngoan. Cuối cùng họ cũng nhận ra và quyết định đi làm kế hoạch hóa gia đình.

Ngày đó, xe máy không có, ô tô thì không có tiền để đi. Tôi và vợ đồng chí ấy phải chở nhau lên huyện bằng chiếc xe đạp, không phanh, không “gác - đờ - bu”. Cuối cùng hai chị em về nhà an toàn và kết quả như mong muốn. Đến nay gia đình họ sống rất êm ấm, hạnh phúc” – bà Hà kể lại.

Làm công tác dân số được nhiều hơn mất

Theo bà Hà, vận động các cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch gia đình đã khó, nhưng để họ giữ vững lập trường càng khó hơn. Để làm được điều này, bà và các cộng tác viên dân số thường xuyên đến các gia đình đó để gắn kết tình thân. Đồng thời sẵn sàng hỗ trợ nếu họ cần. Đó cũng chính là cách để làm dân vận trong lĩnh vực dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Sau bao khó khăn, vất vả giờ đây bà Hà đã được vào biên chế và là một viên chức năng nổ, nhiệt tình của ngành dân số. Hiện bà còn là một trong những báo cáo viên về công tác dân số, kê hoạch hóa gia đình của ngành Dân số huyện Đông Hưng.

Khi được hỏi, đã bao giờ bà có ý định từ bỏ công việc dân số hay chưa? Bà Hà quả quyết: “Chưa bao giờ tôi có ý định bỏ công việc này.

Ngày trước khó khăn là thế mà tôi vẫn quyết bám trụ, bởi làm công việc này cho tôi được nhiều hơn mất. Ít nhất là đi đâu cũng được bà con gọi vui là “Bà Hà Dân số”. Song quan trọng nhất là tôi đã học được chữ “Nhẫn”. Bởi làm làm công việc này nếu không kiên nhẫn, mềm mỏng thì sẽ thất bại”.

Bà  Hà cho biết: Trước đây, bà từng được cử đi học chuyên ngành khác để chuyển nghề, nhưng bà không đi mà vẫn tình nguyện làm công tác dân số cho đến bây giờ. Bởi với bà, được làm dân số cũng là một cơ duyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.