Bởi vì một mặt, nó là hành động chứng minh sự thủy chung tuyệt đối và mặt khác, nó cho thấy định kiến trọng nam cực đoan, bạo ngược đến mức tước nốt cả sinh mệnh của góa phụ vốn đã rất đáng thương.
Xuất xứ và lạm dụng
Sati là tập tục tôn giáo Hindu lấy tên Nữ thần Sati. Thần thoại Hindu kể rằng, Sati là nữ thần đã bất tuân ý cha để kết hôn với Thần Shiva. Vì bị cha khinh rẻ chồng nên trong cơn giận dữ, nàng tự thiêu nhằm chống đối và trước khi bước vào ngọn lửa, nàng khẩn cầu kiếp sau vẫn được làm vợ Thần Shiva.
Lời nguyện được đáp ứng, nàng tái sinh thành Parvati nối tiếp duyên vợ chồng với Thần Shiva. Người theo đạo Hindu vô cùng ngưỡng mộ sự thủy chung của Sati nên học theo hành động tự thiêu của nàng. Khi người chồng qua đời, người vợ sẽ không sống kiếp góa phụ mà tình nguyện theo sang thế giới bên kia để tiếp tục đời sống có đôi.
Thời điểm thực hành Sati vẫn còn chưa được xác định nhưng ghi chép sớm nhất về nó thì có lẽ là vào thế kỷ IV trước Công nguyên. Sử gia Hy Lạp đáng kính, Aristobulus của Cassandreia (375 - 301 trước Công nguyên), trong chuyến đi tới Ấn Độ cùng Alexander Đại đế (356 - 323 trước Công nguyên) vào năm 327 trước Công nguyên đã kể lại tập tục này. Các sử gia khác cùng thời như Cicero, Nicolaus của Damascus, Diodorus… cũng để lại tư liệu tương tự.
Theo suy đoán của các nhà sử học thì ban đầu, Sati chỉ được thực hiện ở một số vùng vì ngoài các sử gia kể trên, các sử gia khác cũng đến Ấn Độ thăm thú không hề nhắc đến tập tục này. Phải đến khoảng năm 400 – 500 sau Công nguyên, nó mới phổ biến và từ năm 1000 trở đi thì chiếm lĩnh toàn bộ đời sống tín ngưỡng Ấn Độ.
Xã hội Ấn Độ chia 4 tầng lớp, Brahmins (tu sĩ), Kshatriyas (vương công quý tộc, chiến binh), Vaishyas (thợ thủ công, thương nhân, nông dân) và Shudras (nô lệ). Tầng lớp đầu tiên thực hành Sati có lẽ là Kshatriyas và họ thực hiện nó như gương cho thế tục.
Một số nhà sử học còn cho rằng, Sati được kết hợp với Jauhar, tập tục tự vẫn để giữ uy nghiêm, tiết hạnh của phụ nữ thượng lưu. Vì kết hợp với Jauhar, hành vi tự thiêu theo chồng của nó cũng biến đổi ý nghĩa, từ “hành động dũng cảm” thành “hành động đức hạnh” và “hành động nên làm”.
Dưới ý nghĩa “hành động nên làm”, Sati mang cả 2 sắc thái: Tình nguyện và cưỡng chế. Nếu góa phụ không tự nguyện tự thiêu để chết theo chồng thì sẽ bị xã hội cưỡng chế phải tự thiêu. Có khá nhiều phương thức Sati nhưng phổ biến nhất là góa phụ ngồi hoặc nằm bên cạnh thi thể của chồng trên giàn hỏa thiêu, chấp nhận bị thiêu chết.
Suy tàn và không chết hẳn
Khác với lý do tôn giáo đầy hoa mỹ, nguyên nhân thực tế của Sati rất đắng chát. Trong xã hội Hindu, phụ nữ không được trao cho bất cứ vai trò, vị thế nào mà còn bị xem là gánh nặng.
Vì không muốn mang tiếng là vứt bỏ họ, Sati mới xuất hiện, giải quyết bằng cách trực tiếp và triệt để nhất. Thường thì, góa phụ phải thực hiện Sati là những người chưa có con. Sati có nguyên tắc cấm góa phụ đang mang thai hoặc chăm sóc con nhỏ thực hiện. Nó cũng miễn trừ cho phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu.
Người đầu tiên thấy Sati tàn bạo và muốn chấm dứt nó là Akbar Đại đế (1542 – 1605), vị vua thứ 3 của Nhà Mogul (1526 – 1857). Ông tôn trọng ý nguyện sẵn lòng theo chồng sang cả thế giới bên kia của phụ nữ nhưng phản đối tự thiêu và cảm thấy đây là cách thức không đúng để thể hiện tấm lòng sắt son. Năm 1582, Akbar hạ lệnh cấm Sati.
Mặc dù cấm Sati nhưng Hoàng đế Akbar chưa đi xa đến mức áp luật. Phải đến năm 1663, dưới sự chỉ đạo của Hoàng đế Aurangzeb (1618 - 1707), Sati mới bị cấm thật sự. Trong mắt các cường quốc thuộc địa Ấn Độ, Sati cũng là hủ tục và họ cố gắng chấm dứt nó.
Năm 1798, Anh ban lệnh cấm nhưng chỉ hữu hiệu trong khu vực Calcutta. Đầu thế kỷ XIX, trong nỗ lực cải đạo người Ấn Độ, họ huy động nhiều chiến dịch cấm Sati và vấp phải tác dụng ngược không ngờ. Từ năm 1815 – 1818, số lượng các vụ Sati đột ngột tăng gấp đôi. Nguyên nhân là vì người Hindu lạm dụng nó để thể hiện thái độ phản đối với cải đạo.
Năm 1828, Thống đốc Ấn Độ vừa lên chức, Lord Willian Bentinck (1774 – 1839) kiên quyết áp luật cấm Sati, phạt tù giam đối với cá nhân, tập thể thực hiện. Sati giảm xuống nhưng không chết hẳn và vẫn được nhiều vùng “mắt nhắm mắt mở bỏ qua”. Mãi đến năm 1861, luật cấm Sati mới hiệu lực trên toàn Ấn Độ.
Năm 1947, Ấn Độ giành lại độc lập. Kể từ lúc này, cả chính phủ lẫn toàn dân đều phản đối Sati nhưng, vào năm 1987, Roop Kanwar, góa phụ trẻ mới 18 tuổi ở làng Deorala đã bị cưỡng chế Sati cùng chồng 24 tuổi.
Hàng ngàn người tụ tập xem và khen ngợi, khiến dư luận Ấn Độ bùng nổ giận dữ. Chính phủ Ấn Độ phải ban hành sắc lệnh phòng ngừa Sati, sau đó nhanh chóng thông qua luật cấm Sati mới, áp dụng hình phạt tối đa là tù chung thân và tử hình.
Bất chấp luật pháp và sự tuyên truyền, nâng cao dân trí, Sati vẫn bám rễ trong một góc tâm linh Ấn Độ. Thỉnh thoảng, nó lại được thực hiện và chỉ cần không điều tra ra có sự cưỡng chế, luật pháp không thể thi hành.
Thế kỷ XVII, du khách người Pháp tên Jean Baptiste Tavernier đến Ấn Độ và kể lại thấy người ta dựng túp lều nhỏ, khiêng xác người chồng và dẫn góa phụ vào trong, đóng cửa lại rồi mới thiêu. Một vài du khách khác thì kể thấy người ta đào hố, xếp đầy vật liệu dễ cháy vào rồi mới đặt xác người chồng và thả góa phụ xuống, châm lửa đốt. Cả lều lẫn hố đều cùng một tác dụng là ngăn cản góa phụ bỏ chạy, làm gián đoạn nghi thức Sati. Ngoài ra, góa phụ còn được phép uống thuốc độc, để rắn độc cắn hoặc tự sát trước bằng dao.