Tức anh ách những lý lẽ ngang phè phè

Có rất nhiều cặp vợ chồng trước khi bước vào hôn nhân đã mang theo trong mình những hình mẫu gia đình lý tưởng, có khi từ sách vở, có khi từ những tiêu chuẩn xưa cũ và họ muốn gia đình mình phải giống ý như vậy. 

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Sự cứng nhắc trong việc “làm theo” đó đã gây nên biết bao cảnh dở khóc dở cười.

1. Hồi mới quen biết nhau, chị Hiền luôn làm anh bồ đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác, khi liên tục đưa nhiều “danh ngôn” tình yêu vào thực tế. Bắt đầu từ chuyện “không nên đi ngủ với nỗi ấm ức trong lòng”, nên dù khuya hay sớm, mệt hay khỏe gì, chị cũng bắt anh phải giải quyết rốt ráo những “tồn đọng” giữa hai người rồi mới được ai về nhà nấy.

Khổ nỗi, có những lúc cả hai đều nóng nảy và ương bướng, nên chuyện phân định đúng sai, lỗi phải chẳng dễ dàng gì. Anh bồ nhiều lần bảo, thôi, có gì cả hai về suy nghĩ thêm, chuyện đâu còn có đó, chẳng nhất thiết phải khổ sở mất thời gian như vậy. 

Nhưng chị Hiền khăng khăng cho rằng, đó là lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, mình phải nghe theo. Chị vốn yếu ớt, phải ôm nỗi giận hờn tức bực qua đêm, chị không chịu nổi!

Giờ đã con cái đủ đầy rồi cũng vậy, nhiều khi khuya lắm anh chồng mới xiêu vẹo trở về vì quá chén, chị Hiền cũng không thể nào chờ nổi đến sáng, mà cương quyết “tính sổ” cho xong, để còn cho lũ nhỏ đi ngủ! Chỉ vì vậy, mà cứ hôm nào anh say là nhà anh chị ồn ào tới khuya, bởi phân định mọi việc với người say chẳng dễ dàng gì.

Rồi thì, đọc báo, chị tiếp thu luôn lời ca ngợi ghen tuông là gia vị cho hôn nhân. Chị Hiền liền “thể hiện chủ quyền” với bạn bè, đồng nghiệp khác phái của chồng, khiến anh mất mặt. 

Chưa kể, thỉnh thoảng chị cố tình ăn diện, hành tung mờ ám để chồng… chú ý. Hạnh phúc đâu chưa thấy, mà vợ chồng chị lục đục suốt vì cái tính bóng gió và cách cư xử khó hiểu của chị.

Đến lúc này, được bày rằng vợ chồng phải biết “hâm nóng” hôn nhân. Chị bày chuyện để vợ chồng có dịp hẹn hò riêng tư với nhau, gởi con để cả hai có khoảng không gian bí mật, bất kể lũ con nheo nhóc, người “bị gửi” nhăn nhó phiền hà. 

Anh chồng, vốn tính xuề xòa cũng chẳng hứng thú gì với chiêu “cảnh vẻ” của vợ, chỉ thấy từ buồn cười đến phát oải!

2. Anh Khôi lại là mẫu người đàn ông “cổ điển”. Vợ là phải kín đáo, có chồng rồi còn điệu với ai, ăn diện làm gì cơ chứ! Đàn bà thì phải tứ đức, biết nấu ăn, cắm hoa, chu đáo việc này việc nọ trong nhà, chứ chẳng ai cần một phụ nữ đôn đáo lo chuyện xã hội. 

Từ ngày lấy chồng, vợ anh Khôi chỉ biết một con đường quen thuộc “từ nhà đến trường, từ trường về nhà”. Muốn đi đâu, phải xin phép chồng. Đó là cái chuẩn mực của đàn bà mà anh đặt ra cho chị.

Vợ anh bao lần trách chồng gia trưởng, hay bắt bẻ, cố chấp, nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Ngoài lý luận khăng khăng muốn vợ “xuất giá tòng phu” ra thì anh Khôi là người chồng, người cha tốt. 

Chẳng lẽ ly hôn nhau? Hay cam chịu như thế suốt đời? Câu hỏi quẩn quanh đó, vợ anh bao lần không tự mình trả lời được…

Một gia đình hạnh phúc là không được có tranh cãi. Với anh Khôi, một: chồng luôn luôn đúng. Hai, nếu chồng sai, coi lại điều một. Vợ anh ấm ức, bởi anh vốn ngang phè phè, mà lại luôn giành phần thắng trong mọi vấn đề bằng cách, cấm vợ phát biểu. 

Cãi lại chồng là hỗn hào, là bằng vai phải lứa, là nhà cửa xào xáo, là không có văn hóa gia đình. Những kiểu chụp mũ ấy buộc vợ anh dần chọn cách im lặng cho yên chuyện, dù chất chứa bên trong sự phục tùng giả tạo đó là một cơn bão ngầm, chưa biết đến khi nào thì bùng nổ.

Anh Khôi lại cho rằng, vợ chồng cần phải ở gần bên nhau, từ cơm nước, con cái, cho tới nghỉ ngơi giải trí. Nên tuy chẳng thích coi các chương trình thể thao, vợ vẫn phải miễn cưỡng ngồi cùng chồng, ngán ngẩm vừa ngó các trận đấu vừa ngáp dài. 

Rồi chị có dịp hẹn cà phê với bạn cũ dưới quê lên, anh Khôi cũng “lù lù” đi theo. Chị có cảm giác như, anh không tin mình, hoặc không có chút tự do cá nhân nào khi vợ chồng cứ “dính như sam”, dù thực tâm, chưa chắc cả hai đều cảm thấy thoải mái.

Bởi vậy mới nói, không phải “sách vở” nào cũng đúng, lời khuyên nào cũng đáng để làm theo, đặc biệt là trong đời sống gia đình, mỗi cây mỗi hoa. Hạnh phúc có khi giống nhau, nhưng nỗi buồn vui, bất hòa thì… khác lắm. 

Nhiều khi máy móc quá cũng dễ bị cháy giáo án, tác dụng ngược, khiến cuộc sống chung trở nên ngột ngạt, bức bối, đầy chịu đựng, đến mức bất hòa, tan đàn xẻ nghé như chơi.

Theo VietnamNet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ