Từ vụ vận chuyển trái phép 1 triệu USD, được mang bao nhiêu tiền ra nước ngoài?

GD&TĐ - Từ vụ vận chuyển trái phép 1 triệu USD,  độc giả băn khoăn được vận chuyển bao nhiêu tiền ra nước ngoài để không vi phạm pháp luật?

Số ngoại tệ nhuộm đen của 2 hành khách bị phát hiện. Ảnh: hcmcpv.org.vn
Số ngoại tệ nhuộm đen của 2 hành khách bị phát hiện. Ảnh: hcmcpv.org.vn

Mới đây, Cục Hải quan TPHCM đã tiến hành kiểm tra và ngăn chặn kịp thời 2 hành khách xuất cảnh vận chuyển trái phép ngoại tệ ra nước ngoài với thủ đoạn hết sức tinh vi, tạm giữ tang vật là ngoại tệ với số lượng lên đến 1 triệu USD.

Tiến hành kiểm tra thực tế sau khi phát hiện nghi vấn, cơ quan Hải quan đã phát hiện mỗi hành khách mang theo 01 vali, trong mỗi vali có 06 cọc giấy phủ bằng hóa chất đen nhằm qua mặt quá trình soi chiếu của cơ quan Hải quan, bên trong ẩn chứa hình ảnh tờ tiền mệnh giá 100 USD, không nhìn thấy được số sê-ri, được bọc nilon bên ngoài. Tổng số tang vật là ngoại tệ mệnh giá hơn 1 triệu USD.

Từ vụ việc trên, dư luận đưa ra thắc mắc không biết người dân khi ra nước ngoài được mang bao nhiêu tiền mặt? Nếu mang quá thì bị xử lý thế nào?

Trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, nhu cầu sử dụng tiền mặt khi ra nước ngoài là cần thiết. Tuy nhiên, việc mang số lượng bao nhiêu phải tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành để cơ quan nhà nước có thể kiểm soát lượng tiền chảy ra nước ngoài, ngăn ngừa các hành vi phạm tội, bởi hiện nay không ít các đối tượng lợi dụng sơ hở của pháp luật để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Căn cứ theo quy định pháp luật, luật sư Tiền cho biết, mức đồng Việt Nam tiền mặt phải khai báo Hải quan cửa khẩu khi xuất cảnh đã được quy định rõ tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 15/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, cá nhân khi xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định dưới đây phải khai báo Hải quan cửa khẩu: 5.000 USD (Năm nghìn Đôla Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương, 15.000.000 VNĐ (Mười lăm triệu đồng Việt Nam).

Luật sư Trần Xuân Tiền.

Luật sư Trần Xuân Tiền.

Trường hợp cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn mức 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ tiền mặt này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng được phép), cũng phải khai báo Hải quan cửa khẩu.

Tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt mang vào là cơ sở để tổ chức tín dụng được phép cho gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản thanh toán.

Như vậy, nếu như mang trên 15 triệu đồng hoặc trên 5.000 USD ra nước ngoài, cá nhân phải xin giấy xác nhận của ngân hàng, sau đó xuất trình giấy này để làm thủ tục khai báo với hải quan theo quy định tại Công văn 6521/NHNN-QLNH như giấy xác nhận mang tiền mặt là ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài do ngân hàng được phép cấp phù hợp với quy định về quản lý ngoại hối và Văn bản chấp thuận cho cá nhân mang tiền mặt là ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp.

Trong trường hợp mang quá số tiền mặt theo như quy định trên nhưng không khai báo với hải quan thì người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về khai hải quan của người xuất cảnh, nhập cảnh đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý khác, đá quý theo quy định tại Điều 10 Nghị định 128/2020/NĐ - CP.

Theo đó, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, nếu số ngoại tệ có nguồn gốc hợp pháp thì được trả lại, trường hợp không có nguồn gốc hợp pháp thì tịch thu sung công quỹ.

Với trường hợp, nếu xuất cảnh mang theo ngoại tệ vượt quá mức quy định cho phép có giá trị lớn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới theo Điều 189 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, cá nhân thực hiện hành vi phạm tội có thể đối diện với mức phạt tù thấp nhất là 3 tháng và cao nhất là 10 năm. Tổ chức thực hiện hành vi vi phạm sẽ phạt tiền thấp nhất là 200 triệu đồng, cao nhất là 5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm, thậm chí là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài ra, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Cơ quan chức năng thu giữ số lượng lớn tiền mệnh giá 100 USD bị nhuộm đen bằng hóa chất. Ảnh: hcmcpv.org.vn

Cơ quan chức năng thu giữ số lượng lớn tiền mệnh giá 100 USD bị nhuộm đen bằng hóa chất. Ảnh: hcmcpv.org.vn

Phân tích cụ thể trong trường hợp này, luật sư Tiền cho rằng, người thực hiện hành vi mang 1 triệu USD từ Sân Bay Tân Sơn Nhất sang BangKok Thái Lan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” theo khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó người này có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Nếu có căn cứ chứng minh người này có hành vi buôn lậu ngoại tệ thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm Tội buôn lậu theo khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự, với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

“Bên cạnh đó, đối tượng sẽ bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, riêng tội buôn lậu có thể bị áp dụng tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Ở vụ việc số ngoại tệ bị nhuộm đen, nếu số tiền thật không khôi phục được thì hành vi nhuộm đen được xem là hành vi hủy hoại tiền và không có giá trị sử dụng. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành thì mới quy định việc xử lý đối với tiền Việt Nam còn với đồng USD thì xem phải căn cứ Việt Nam có ký với Mỹ tương trợ tư pháp hay không, như vậy mới xử lý được theo luật pháp của Mỹ” – luật sư Tiền phân tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ