Nắm bắt nhu cầu này, và cũng để cho học sinh hiểu hơn về các ngành nghề và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của trường, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh đang tổ chức các đoàn công tác về các trường THPT trên địa bàn 4 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình để tư vấn, hướng nghiệp cho các em.
Học sinh vẫn còn nhiều mơ hồ về nghề nghiệp
TS Dương Công Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ Thuật Vinh - người đã nhiều năm theo dõi công tác tuyển sinh cho biết: Các em học sinh ngày càng quan tâm đến vấn đề lựa chọn trường, ngành, nghề để học sau khi tốt nghiệp THPT.
Trong bối cảnh tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường thiếu việc làm như hiện nay điều các em quan tâm nhất là lựa chọn ngành, nghề học tập để có cơ hội việc làm, cơ hội cống hiến và cơ hội thăng tiến tốt nhất. Tuy nhiên, thực tế hiểu biết về ngành nghề đào tạo cũng như các điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ thì thực sự các em còn rất “lơ mơ”, nhiều em lựa chọn theo cảm tính, theo số đông bạn bè, theo trào lưu…
Bởi vậy, việc tư vấn, hướng nghiệp, cho học sinh hiện nay được xác định là việc làm rất quan trọng. Ở đó, cần đến sự hỗ trợ, tác động của không chỉ nhà trường THPT nơi các em theo học, mà còn là sự tiếp sức của các ban ngành khác và đặc biệt là chính các trường ĐH, CĐ, trường nghề.
Năm 2016, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh đã chủ động liên hệ với Sở GD&ĐT các tỉnh và huy động nhân lực của các phòng khoa, để thực hiện chương trình tuyền thông, tư vấn, hướng nghiệp tại: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Dự kiến chương trình sẽ được thực hiện tại khoảng 200 trường THPT trong khoảng thời gian từ 25/3 - 15/4.
Nội dung chương trình tư vấn chủ yếu gồm: Giải đáp những thắc mắc nếu có của học sinh về Kỳ thi THPT quốc gia 2016, giúp các em nắm rõ những thay đổi về quy chế thi và quy chế tuyển sinh mới; Cung cấp thông tin về xu hướng lựa chọn ngành, nghề hiện nay cũng như những ngành, nghề cần sử dụng nhiều nhân lực lao động, cơ hội việc làm, mức thu nhập đối với các ngành, nghề khác nhau. Đồng thời, giới thiệu một bức tranh khá rõ nét về Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật, chương trình đào tạo, chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên và các cơ hội việc làm với các công ty, doanh nghiệp cũng như khả năng làm “ông chủ” của sinh viên sau khi tốt nghiệp tại trường.
“Chúng tôi mong rằng, sẽ để lại dấu ấn đối với các em học sinh, đưa ra cho các em cơ hội lựa chọn một nhà trường mà theo chúng tôi là có uy tín, có chất lượng đào tạo tốt cho các em lập nghiệp sau này”, TS Dương Công Hiệp cho biết.
Việc làm ý nghĩa với học sinh
Thầy Phạm Minh Tâm, Phó phòng Đào tạo, phụ trách công tác tuyển sinh của nhà trường cho biết: Hiện nay, trường bắt đầu nhận được các cuộc gọi của các em học sinh theo đường dây nóng, đặt các câu hỏi cụ thể về các ngành nghề đào tạo của trường, cách thức đăng ký xét tuyển và những vấn đề khác như: Học phí, chỗ ở KTX… “Thời gian tổ chức các đoàn tư vấn tuyển sinh về các trường THPT là đến hết 15/4. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi vẫn tiếp tục chăm sóc thí sinh bằng việc để lại địa chỉ liên lạc, số điện thoại đường dây nóng và sẵn sàng trao đổi, giải đáp bất kỳ câu hỏi nào của các em”.
Trường THPT Lê Viết Thuật năm nay có 353 học sinh lớp 12, trong đó chỉ có 3 em đăng ký thi THPT chỉ để xét tuyển tốt nghiệp. Là một ngôi trường THPT ở thành phố Vinh, chất lượng đầu vào tốt nên hầu hết các em học sinh đều lựa chọn đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sau khi hết lớp 12. Thầy Phan Xuân Phàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhu cầu tìm hiểu thông tin về ngành nghề tương lai của học sinh rất lớn, nên các thầy cô trong trường cũng hết sức quan tâm, tìm hiểu thông tin để cho các em một lời khuyên, định hướng tốt nhất.
Vì thế, việc Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, một ngôi trường có uy tín và chất lượng đào tạo tốt, về hỗ trợ tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh của trường, tôi rất vui mừng ủng hộ. Đặc biệt, trường ở miền Trung, nên chắc chắn sẽ có kế hoạch đào tạo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu lao động của các địa phương trong vùng. Vì thế, đây là một lựa chọn tốt với các em muốn học các ngành nghề kỹ thuật, công nghệ sau khi tốt nghiệp.
Theo thầy Phạm Minh Tâm, các buổi tư vấn được lãnh đạo các trường THPT hết sức tạo điều kiện và các em học sinh rất quan tâm. Điều mà các em quan tâm nhất đó chính là các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với sinh viên là con em người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Nhiều em ở đồng bằng, vùng biển muốn tìm cơ hội học tập những ngành, nghề có nhu cầu xuất khẩu lao động để có thể tham gia lao động ở nước ngoài và thu nhập cao.