Đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp cho học sinh

GD&TĐ - Những ngày này, các trường THPT trên cả nước đang bắt tay vào công tác tuyển sinh đại học. Trước đó và trong thời điểm trước khi nộp hồ sơ, học sinh cuối cấp có nhiều sự băn khoăn, do dự, thậm chí khó khăn trong việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, lựa chọn trường đại học mình sẽ học để lập nghiệp.

Đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp cho học sinh

Không chỉ học sinh mà còn cả phụ huynh cũng lo lắng, thậm chí lúng túng khi quyết định cho con em mình học nghề gì, trường gì. Vì thế, trước khi nộp hồ sơ thi đại học, các nhà trường cần đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp để học sinh có được sự lựa chọn và quyết định đúng đắn cho mình.

Trên thực tế, khi chọn nghề, chọn trường, nhiều học sinh và gia đình các em phải đứng trước nhiều áp lực. Đó không chỉ là áp lực đầu vào mà còn nặng nề hơn với đầu ra. Nhiều học sinh ấp ủ ngành nghề trong tương lai ngay từ khi bước chân vào trường THPT và phấn đấu học tập, rèn luyện tốt để đạt được ước mơ ấy. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, tình trạng cử nhân, thạc sỹ tốt nghiệp không có việc làm chiếm tỷ lệ cao ở hầu hết các địa phương. Tâm lí không xin được việc, không vào được biên chế Nhà nước đè nặng sự lựa chọn của người học và gia đình.

Từ thực tế đó, các nhà trường THPT, các trung tâm hướng nghiệp, giáo dục thường xuyên cần coi công tác tư vấn hướng nghiệp là hoạt động thường xuyên và đẩy mạnh vào thời điểm trước kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Cần coi trọng chất lượng, mục đích của hoạt động tư vấn hơn là phong trào hay tuyên truyền. Trước thực trạng thừa nhân lực như hiện nay, trong khi tư vấn, các nhà trường cần đi sâu tư vấn về các con đường lập nghiệp, giúp các em và phụ huynh xóa bỏ tâm lí và cách nghĩ phải vào đại học mới lập nghiệp được hay phải vào được biên chế Nhà nước mới tốt…

Rồi tỷ lệ học sinh có suy nghĩ học đại học theo trào lưu cũng không phải là ít. Vì thế, nếu trước đây, các nhà trường thường khuyến khích các em học sinh học tập thật tốt để thi đỗ đại học, thì giờ đây, nhiều trường căn cứ vào lực học, thực tế nhu cầu nhân lực để khuyên các em không nên học đại học mà chỉ đi học nghề thôi.

Khi tư vấn cần chỉ ra cho học sinh về thực tiễn nhu cầu nhân lực ở địa phương, cơ hội có việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng hay trường nghề. Cần nói rõ để học sinh hiểu về điều kiện đào tạo khi ra làm việc không nhất thiết phải qua đại học mà chỉ cần trình độ trung cấp hay cao đẳng. Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học lại phải đi học trung cấp mới xin được việc làm hay chuyển sang học ngành nghề khác mới đáp ứng được nhu cầu ở địa phương.

Bên cạnh đó, các nhà trường cần tư vấn cho học sinh về con đường học nghề sau đó như lập nghiệp bằng con đường du học hay xuất khẩu lao động, làm tự do theo hình thức kinh doanh, cơ khí, trang trại… để tự kiếm sống ngay tại địa phương. Nên cho học sinh tìm hiểu về những thế mạnh của địa phương mình để các em có định hướng chọn nghề và nắm được cơ hội việc làm sau học nghề.

Công tác tư vấn, hướng nghiệp cần được tổ chức thường xuyên tại các nhà trường dưới nhiều hình thức. Cần phát huy vai trò của các thầy cô giáo, Đoàn Thanh niên, giáo viên chủ nhiệm và các tổ tư vấn của nhà trường. Ngoài đối tượng được tư vấn là học sinh thì cần tổ chức tư vấn cho phụ huynh học sinh, bởi đây là lực lượng quan trọng trong việc quyết định lựa chọn ngành nghề của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.