Cùng Báo Giáo dục và Thời đại trò chuyện về sự nghiệp trồng người của thầy Thìn - người con ở vùng đất: “Một giỏ sinh đồ, một bồ ông Cống, một đống Trạng nguyên, một thuyền Tiến sĩ, một bị Thám hoa, một nhà Bảng nhãn”.
- Thưa thầy, thầy có thể chia sẻ về cơ duyên đến với nghề giáo của mình?
- Nghề giáo đến với tôi rất tình cờ. Mùa Hè năm 1958, tôi tốt nghiệp cấp 2 Trường Hàn Thuyên - trường phổ thông đầu tiên của đất khoa bảng Bắc Ninh. Trở về làng, tôi được giao phụ trách thiếu nhi thôn. Tôi biết thổi kèn Ác-mô-ni-ca, biết thổi sáo, hát múa và kể chuyện… Ngày ngày, tôi chỉ bảo các em việc học, việc nhà và phong trào thiếu nhi.
Các em càng lúc càng chăm ngoan khiến tôi vô cùng phấn khởi. Thấy tôi mến trẻ và trẻ cũng mến tôi, các đồng chí chính quyền liền giao cho tôi làm phó ban phụ trách thiếu nhi xã và Tổ trưởng Tổ giáo viên Mẫu giáo Vỡ lòng. Tôi được cử học lớp bồi dưỡng Sư phạm Mầm non (5 ngày) rồi chính thức trở thành thầy giáo.
“Thầy Thìn” – hai tiếng ấy được người làng và các em thơ gọi tôi, nghe thật thiêng liêng, cao quý. Ngay từ đây, tôi nhận rõ trọng trách: Không có lớp Vỡ lòng, không có trường Đại học.
Lớp Vỡ lòng là nền móng của những bậc học tiếp theo. Không thể coi nhẹ. Tôi dạy các em trong lớp, chỉ bảo các em ngoài đời bằng nhiệt huyết của chàng trai mười tám. Thật vui và hạnh phúc! Thuở trước, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm thầy giáo. Nhưng khi điều đó đến, tôi rất nâng niu, trân trọng. Nghề giáo chọn tôi bất ngờ như thế.
- Trong hoàn cảnh đất nước đang chiến tranh, thầy đã vượt khó và sáng tạo như thế nào khi dạy học?
- Chiến tranh tàn phá trường lớp, tôi dạy các em tại nhà. Hàng ngày, tôi lấy cánh cửa làm bảng, lấy phản làm bàn, tự đóng ghế cho các em. Các em rất thích học và tiến bộ rất nhanh. Buổi sáng, tôi dạy Vỡ lòng cho các em.
Buổi trưa, tôi dạy Vỡ lòng cho người lớn. Lúc không dạy học, tôi tranh thủ cày, bừa, cấy, gặt ba sào ruộng để tự lo cuộc sống cho mình. Thân phụ tôi đã mất. Thân mẫu tôi vào Sài Gòn cùng chị dâu tôi và chưa thể trở lại quê hương. Các anh chị tôi đã lập gia đình. Buổi tối, tôi đọc phát thanh rồi về nhà tự học, đọc sách.
Tôi khát khao học chương trình phổ thông cấp 3 để có ích hơn cho xã hội. Thầy giáo tốt là người không ngừng học, không ngừng phát triển trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, phẩm chất... Chính tay tôi từng viết khẩu hiệu trên tường làng câu nói của Lê Nin: “Học, học nữa, học mãi”.
Tôi đăng kí học Bổ túc văn hóa vào buổi tối tại Trường Nguyễn Gia Thiều bên Gia Lâm. Tuần ba buổi, có khi đi xe đạp, có khi đi tàu, có khi cuốc bộ hơn mười cây số. Đêm tối, đường dài, mưa bão, một mình… kể ra cũng có lúc buồn nhưng điều đó chẳng khiến tôi nản bước.
Tôi quyết học để xây đắp tương lai. Tương lai cho các em thiếu nhi do tôi dạy và phụ trách. Tương lai cho bản thân tôi và rộng hơn là tương lai Tổ quốc. Xây đắp Tổ quốc là quyền lợi và trách nhiệm của từng công dân. Ai đứng ngoài cuộc, tôi cho rằng con người đó đã bị tha hóa, hoặc có thể gọi là tầm thường.
Năm 1959, Trường cấp 3 Từ Sơn (nay là Trường THPT Lý Thái Tổ - Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới) được xây dựng. Trường cũng mở hệ Bổ túc văn hóa chương trình cấp 3. Tôi xin về học gần nhà để tiện đi lại và công tác.
Khai giảng năm học 1959 – 1960, tôi được điều chuyển làm giáo viên Trường cấp 1 Đình Bảng. Lương dạy học đủ sống, tôi trả ruộng cho Hợp tác xã để chuyên tâm yêu nghề mến trẻ. Trường thiếu giáo viên, mình tôi dạy hai lớp. Sáng, dạy lớp ba, 55 học sinh. Chiều, dạy lớp một, 58 học sinh. Ngoài giờ lên lớp, tôi vẫn phụ trách thiếu nhi xã.
Công tác thiếu nhi đối với tôi luôn là công việc đầy hứng thú, phục vụ đắc lực cho hoạt động dạy và học trong lớp. Tôi coi trọng việc quan tâm, theo dõi để nắm bắt chỗ yếu chỗ mạnh của từng em. Một vườn hoa bao giờ cũng nhiều vẻ. Người trồng hoa phải biết chăm, biết quý mọi loài hoa.
Trồng người càng phải biết quý trọng mọi con người. Tuyệt đối không phân biệt, không thành kiến. Mỗi hoa một hương sắc. Mỗi người một giá trị. Hoa người đẹp hơn hoa. Ông trời sinh ra ai, tất có chỗ dùng. Quan trọng là giáo dục làm sao để người đó hữu dụng nhất.
Hè năm 1961, tôi được cử học trung cấp tại Trường Bồi dưỡng Sư phạm Bắc Ninh, lớp Khoa học Xã hội. Năm học 1961 – 1962, tôi được điều chuyển đến Trường cấp 2 Liên Sơn (sau này đổi tên thành Trường cấp 2 Tam Sơn). Trường Tam Sơn cách làng tôi hơn năm cây số. Từ đây, tôi đã là thầy giáo cấp 2, dạy Khoa học Xã hội.
Với tư cách là Bí thư Chi đoàn trong nhà trường, tôi phát động phong trào: “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự”. Nội dung cụ thể: Mỗi đội viên cần chăm học, chăm đọc, lao động tiết kiệm (nuôi gà, bắt cua, trồng rau…) để lấy tiền mua sách báo, sưu tầm và kể chuyện về đồng chí Ngô Gia Tự - người thầy, người chiến sĩ Cộng sản lỗi lạc của Đảng ta, người con của Tam Sơn lộng gió…
Đội viên nào dẫn đầu thi đua (điểm tốt, việc tốt) sẽ được kéo Quốc kỳ trong lễ chào cờ sáng thứ Hai. Sau một năm học, thành tích, phong trào Đoàn - Đội Trường cấp 2 Tam Sơn được ghi nhận trên trang nhất của báo Thiếu niên Tiền phong. Tôi càng tích cực hơn trong hoạt động dạy và phụ trách Đoàn - Đội.
- Phong trào “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự” có mối liên hệ như thế nào với phong trào “Nghìn việc tốt”, thưa thầy?
- Khi bạn bè các nơi bắt tay thi đua cùng trường tôi, tôi muốn mở rộng phong trào “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự” để phù hợp với tình hình mới. Dựa trên 5 điều Bác Hồ dạy Thiếu niên và Nhi đồng, tôi đề xuất phong trào mới là “Nghìn việc tốt”. “Nghìn” viết bằng chữ để chỉ sự vô hạn, vô cùng, vô biên.
Phong trào “Nghìn việc tốt” được khởi xướng đúng vào mùa Xuân, ngày 24/3/1963. Cốt lõi của phong trào này là bốn phép tính cuộc đời: “Làm nghìn việc tốt/ Cùng trừ việc xấu/ Cộng nhân yêu thương/ Chia niềm thông cảm”. Với tôi, 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi cũng là dạy cho mình. Tôi vẫn còn trẻ con lắm, tôi mới bước vào đời mà đời thì thật rộng lớn, mênh mông.
Hơn một tháng sau, báo Thiếu niên Tiền phong loan báo tin vui với hàng chữ đỏ: “Phong trào Nghìn việc tốt đã phát triển khắp nơi”. Tôi không thể ngờ rằng, chỉ một sáng kiến nhỏ mà sau hơn một tháng đã lan tỏa khắp miền Bắc lúc bấy giờ.
Một tia lửa đúng lúc, đúng chỗ, đúng việc được thổi bùng thành ngọn đuốc như vậy đấy. Không khí học tập và lao động ở Trường cấp 2 Tam Sơn những ngày đó, sôi nổi, hào hứng biết chừng nào! Có thể nói, nơi nào có Liên đội Thiếu niên Tiền phong, nơi đó có phong trào “Nghìn việc tốt”.
Phong trào “Nghìn việc tốt” được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ khen ngợi tại các Hội nghị lớn của đất nước. Ngày 15/5/1966, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam, Trung ương Đảng đã trao cho thiếu nhi Việt Nam cờ đỏ thêu những chữ vàng: “Vâng lời Bác dạy/ Làm Nghìn việc tốt/ Chống Mỹ cứu nước/ Thiếu niên sẵn sàng!”.
Ngày mồng một Tết Đinh Mùi (9/2/1967), Bác Hồ về chúc tết nhân dân, bộ đội, cán bộ tỉnh Hà Bắc tại Tam Sơn. Lúc Bác đến sân trường, các em thiếu nhi ríu rít xung quanh Bác. Bác vẫy tay cho các em ngồi xuống rồi ân cần dặn: “Các cháu đã làm Nghìn việc tốt, thế là tốt. Các cháu cần phát huy thành truyền thống. Các cháu hãy đoàn kết, giúp nhau thi đua học tập tốt, lao động tốt, cùng làm Nghìn việc tốt chống Mỹ cứu nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Bác mong năm mới các cháu đều tiến bộ hơn năm qua…”.
Quê hương của phong trào “Nghìn việc tốt” vinh dự được đón Bác, được nghe Bác căn dặn bao điều quý giá. Để từ đây thiếu nhi các trường càng ra sức thi đua làm theo lời Bác. Các thầy giáo, cô giáo - những chiến sĩ trên mặt trận Giáo dục càng tận tâm, sáng tạo trong sự nghiệp trồng người.
Tôi cảm thấy rõ rệt, trong phong trào này, ngoài những kết quả vật chất còn có kết quả tinh thần không gì đong đếm được. Các em thân ái, yêu thương, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Các em biết giúp người già qua đường, giúp đẩy xe lên dốc giữa trời nắng… Tình thương của các em lay động sang người lớn. Phụ huynh thân nhau hơn. Tình người nồng ấm hơn. Thật tuyệt vời!
Năm 1969, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn chọn Tam Sơn là nơi xây dựng thí điểm phong trào Giáo dục toàn diện của miền Bắc. Những việc làm, thành quả của Tam Sơn được nhân điển hình đến các trường bạn.
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước - đồng chí Trường Chinh; Trưởng Ban Thiếu nhi Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh - đồng chí Vũ Hữu Loan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đồng chí Nguyễn Thị Bình và một số đồng chí lãnh đạo cấp cao đã nồng nhiệt cổ vũ, biểu dương phong trào “Nghìn việc tốt” khiến tôi rất đỗi tự hào!
- Phong trào “Nghìn việc tốt” không chỉ phát triển sâu rộng, góp phần tạo bước chuyển mình cho giáo dục Việt Nam mà còn vinh dự sánh vai cùng bạn bè quốc tế. Hành trình hội nhập cùng các nước năm châu của phong trào “Nghìn việc tốt” diễn ra như thế nào, thưa thầy?
- Hè năm 1971, tôi được cử làm Phụ trách dẫn Đoàn đại biểu Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh dự trại hè thiếu nhi quốc tế Vim-hem-pích ở A-ten-hốp, nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Ngày 20/7/1971, phía bạn tổ chức hoạt động “Ngày Việt Nam”.
Cờ đỏ sao vàng và cờ giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên song song. Chúng tôi hát “Quốc ca” và “Giải phóng miền Nam” căng lồng ngực. Chúng tôi chiếu phim hoạt hình “Bài ca trên vách núi” nói lên ý chí kiên cường của Việt Nam trong chiến tranh. Một trăm thiếu nhi Đức mặc quần áo các dân tộc Việt Nam múa bài “Chiếc đèn ông sao”.
Chúng tôi ngỡ ngàng, cảm động, hát theo. Đến lượt đoàn Việt Nam lên sân khấu, Võ Thị Liên và tập thể múa hát bài “Thiếu nhi thế giới liên hoan”, “Chiếc mũ rơm”. Hôm sau là buổi Hội thảo quốc tế về Giáo dục thiếu nhi. Tôi đọc bài báo cáo có chủ đề: “Thiếu nhi Việt Nam với phong trào Nghìn việc tốt, thực hiện năm điều Bác Hồ dạy, phấn đấu là cháu ngoan Bác Hồ”.
Nghe xong, đại biểu Đức, Nga, Anh, Pháp, Cu-ba, Pa-let-tin, Bồ Đào Nha, Ghi-nê… đã bày tỏ ngay sự đồng tình ủng hộ rằng: “Chúng tôi cũng làm Nghìn việc tốt. Chúng tôi cũng muốn được là cháu ngoan Bác Hồ. Chúng tôi bắt tay thi đua với các bạn Việt Nam”.
Năm 1973, Berlin tổ chức Liên hoan thanh niên sinh viên thế giới lần thứ 10. Trường Tam Sơn được vinh dự chọn một đội viên - đó là Nguyễn Kim Cúc, học sinh giỏi, đồng thời là Liên đội trưởng của trường - một tấm gương làm Nghìn việc tốt. Qua đợt liên hoan, các em thiếu nhi Quốc tế được biết các bạn mình ở Việt Nam có phong trào thi đua sôi nổi là phong trào Nghìn việc tốt.
Năm 1975 tôi được cử làm Trưởng đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đến dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền phong Xu-khê-ba-to tại U-lan-ba-to, nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Nhân dịp này, các Đoàn thanh niên các nước Xã hội chủ nghĩa tổ chức Hội nghị về Giáo dục lao động cho thiếu nhi.
Trong Hội nghị, tôi báo cáo chủ đề: “Phong trào Nghìn việc tốt của thiếu nhi Việt Nam”. Tiến sĩ Phê-đu-nô-va, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lê-nin, Chủ tịch Hội đồng phụ trách thiếu nhi Liên Xô phát biểu tổng kết Hội nghị. Bài phát biểu có đoạn: “Giáo dục lao động cho thiếu nhi là một công tác khoa học đầy tính giáo dục và sáng tạo. Phong trào Nghìn việc tốt của thiếu nhi Việt Nam được thực hiện thắng lợi chính là một hoạt động giáo dục lao động tốt, trước hết vì nó tự giác theo tinh thần nhân ái, lao động Cộng sản chủ nghĩa”.
Năm 1988, tôi là đoàn viên trong Đoàn đại biểu Anh hùng Việt Nam thăm nước bạn Lào. Bộ Giáo dục và Đào tạo Lào mời tôi đến trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia Giáo dục Lào. Chủ đề tôi chia sẻ là: “Tổ chức giáo dục thiếu nhi trong nhà trường và phong trào Nghìn việc tốt”. Tôi nói nhiệt tình vì đó là máu tim của tôi.
Nhiều nhà giáo Lào đề nghị tôi ký tên lưu niệm vào sổ tay. Đó là một nét văn hóa, trân trọng gìn giữ tình bạn thiêng liêng. Tôi càng thấm thía lời Bác Hồ: “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”.
Những ngày tháng “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” đó sẽ mãi là ấn tượng khó phai trong tôi. Tôi được mở rộng tầm mắt, được học hỏi và chia sẻ về phong trào “Nghìn việc tốt”, về khát vọng Việt Nam. Ngôn ngữ giao tiếp có thể bất đồng nhưng ngôn ngữ của tình hữu nghị, lòng nhân ái thì luôn có điểm chung và chạm đến trái tim nhau.
- Giờ đây, niềm vui trong cuộc sống thường ngày của thầy là gì?
- Tôi đọc sách báo, viết sách báo, thuyết minh di tích lịch sử - văn hóa đền Đô cho du khách bốn phương, chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết của mình cho các em thiếu nhi, học sinh, sinh viên…
Tôi vui vì bản thân vẫn có thể cống hiến, giúp ích cho đời. Bác Hồ của chúng ta đã nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Ở đoạn đời nào, tôi cũng tự thi đua với chính mình để không hoài phí thời gian. Bạn thấy đấy, bàn tay tôi bị co cứng do di chứng của bệnh phong khi tôi ba mươi chín tuổi, mắt trái tôi chỉ còn thị lực 1/10, mắt phải thị lực 3/10.
Nghỉ hưu, tôi có thời gian nhiều hơn để làm thơ, viết văn. Tôi dùng kẽ tay điều khiển bút, gõ bút trên bàn phím máy tính khi viết văn. Còn làm thơ, tôi dùng đốt ngón tay gõ trên điện thoại. Tích góp theo năm tháng, đến nay, tôi in được 25 đầu sách với tổng hơn 5.000 trang.
Trong đó, cuốn sách “Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô”, “60 năm Nghìn việc tốt nở hoa” của tôi được dâng báo công tại đền thờ Bác Hồ ở Cà Mau và Cao Bằng trong chương trình lớn của Đài truyền hình Việt Nam. Cuốn “Chuyện cuộc đời” khi vừa xuất bản đã được cùng tôi vào Phủ Chủ tịch để trò chuyện và tặng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, năm 2007.
Năm 2023, cuốn sách được tái bản lần thứ chín. Sách lưu giữ những năm tháng khổ đau và hạnh phúc, vất vả và vinh quang của tôi, gia đình tôi, bạn bè tôi, đồng chí tôi, đồng nghiệp tôi, quê hương tôi...
Cùng với việc sáng tác, tôi còn làm công việc yêu thích khác là miệt mài kể chuyện quê hương, thuyết minh tại đền Đô để kết nối du khách hôm nay với truyền thống dân tộc hôm qua; lan tỏa bản sắc, vẻ đẹp của đất, của người Kinh Bắc - Bắc Ninh với bạn bè trong nước và quốc tế.
Đó cũng là việc tốt. Lứa tuổi nào, hoàn cảnh nào cũng có thể làm việc tốt, thành người tốt nếu chúng ta có lý tưởng, có tấm lòng và sẵn sàng hành động vì cộng đồng, xã hội. Tôi nghĩ thế.
- Trân trọng cảm ơn thầy!
Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn là người Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, sinh năm 1940 trong gia đình nông dân, đồng thời làm nghề nhuộm vải và buôn bán. Thuở nhỏ, thầy tích cực tham gia Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng chống giặc Pháp. Đội được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc tặng lá cờ “Thiếu niên anh dũng” (1955); Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới tặng cờ “Tuổi trẻ vì hòa bình” (1956)…