Thầy giáo người Tày đa tài ở xã biên giới

GD&TĐ - 10 năm thầy giáo Lộc Văn Vệ đã xây dựng nhiều hoạt động bổ ích cho các học trò dân tộc S’tiêng, Mnông vùng biên giới xã Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Một tiết học của thầy Vệ và học trò. Ảnh NVCC.
Một tiết học của thầy Vệ và học trò. Ảnh NVCC.

Thầy Lộc Văn Vệ là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Lên đường vào Nam

Trên những con đường đất đỏ bazan xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) 10 năm qua luôn ghi dấu chân cần mẫn của thầy Lộc Văn Vệ hàng ngày đến trường. Thế nhưng ít ai biết được, thầy là người ở ngoài Bắc vào đây công tác.

Thầy Vệ tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đã mơ ước trở thành một giáo viên, vừa để có công việc ổn định vì tôi là con út trong gia đình 4 anh chị em nghèo, cha mất sớm, vừa để thỏa mãn ước mơ đứng trên bục giảng”.

Ý thức sớm về hoàn cảnh gia đình, tuổi thơ thầy gần như gắn với việc đồng áng phụ giúp gia đình sau những buổi học trên lớp, tối đến lại tự học.

Nhờ quyết tâm đó năm 2012, thầy tốt nghiệp hệ Cao đẳng, ngành Sư phạm Thể dục Thể thao - Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên nhưng mãi năm 2014, tình cờ được đồng nghiệp giới thiệu về tình hình thiếu giáo viên ở một số huyện tỉnh Bình Phước. Theo đó, thầy Vệ đã viết đơn xin tình nguyện về dạy và được phân công về Trường Tiểu học Đăk Á (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước).

“Khi biết tin tôi sẽ vào Nam giảng dạy, gia đình tôi khá lo lắng. Vì vậy trước khi đi, tôi nhắn nhủ với mẹ và gia đình không cần phải quá lo cho tôi, đã là công việc thì xa hay gần cũng như nhau, quan trọng là đam mê với nghề thì cuộc sống sẽ ổn định”, thầy Vệ trải lòng.

Vậy là, vượt hơn 2000km từ Tuyên Quang về Trường Tiểu học Đăk Á nhận quyết định công tác, thầy Lộc Văn Vệ được giao làm Tổng phụ trách Đội từ đó đến nay. Trường nằm ở xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Bình Phước, cơ sở vật chất còn thiếu thốn.

“Chưa kể, mùa mưa đến, đường đất đỏ bùn lầy khiến xe máy không thể đi được, mùa hè thì lại bụi đất đến mức phải mặc áo mưa giữa trời nắng, không thì quần áo bẩn hết cả”, thầy Vệ kể.

Khi mới vào nhận công tác, thầy Vệ chưa am hiểu về ngôn ngữ, văn hoá, cuộc sống của các học trò người S’tiêng, Mnông nơi đây. Do đó công tác vận động được các em đi học là bài toán khó khăn. Thêm vào đó, nhiều các em có cha mẹ làm công việc cạo mủ cao su, có khi cha mẹ đi từ 1, 2 giờ sáng, chủ yếu do ông bà chăm sóc.

Để giải quyết vấn đề đó, thầy giáo trẻ đã tự học tiếng dân tộc để gần gũi với học trò, người dân nơi đây quá trình vận động học sinh đến trường cũng thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó là giáo viên Tổng phụ trách Đội, thầy tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, thể thao với phương châm “xây dựng trường học như ngôi nhà thứ 2” từ đó vừa lôi cuốn học trò chủ động đến trường. Dần dà, thầy ngày càng được phụ huynh tin tưởng và các trò quý mến.

“Bản thân tôi cũng là người dân tộc vùng khó khăn nên luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh trong quá trình vận động các em đi học, thấu hiểu điều đó giúp tôi càng có thêm động lực bám trường, bám lớp”, thầy tâm sự.

5939220b4e83f6ddaf92.jpg
Thầy Vệ hướng dẫn học sinh các nghi thức đội. Ảnh NVCC.

“Nghề nào thầy cũng làm được”

Đó là câu cửa miệng của nhiều học trò dành cho thầy Vệ. Trong mắt những cô cậu học trò nhỏ Trường Tiểu học Đăk A đã không còn xa lạ với hình ảnh thầy giáo Vệ tự tay sắm sửa bộ đồ nghề kéo cắt, lược, tông đơ đến trường để cắt tóc cho học trò; hay có những lúc lại bắt gặp thầy kiêm “nghề xe ôm” trên những con đường đất đỏ đầy dốc cao.

Chia sẻ về câu chuyện dí dỏm ấy, thầy Vệ nói: “Các em học sinh của tôi nhiều em gia đình rất khó khăn đến tiền cắt tóc cũng không có, chứng kiến đầu tóc các em cứ bù xù khiến tôi không thể yên lòng.Do đó, tôi đi tìm mua những dụng cụ để về mày mò tự làm cho các em. Hay có những em bố mẹ không đưa đón được, thân thể các em lại khiếm khuyết vì vậy tôi hỗ trợ đưa đón các em tới trường”.

Trong đó, có một “khách hàng” đặc biệt khiến thầy không khỏi trăn trở khi mỗi khi nhắc đến. Đó là em Điểu Sét, người S’tiêng hiện đang học lớp 5A. Từ nhỏ em đã mồ côi bố, mẹ đi làm xa nên em ở với bà ngoại. Hoàn cảnh lúc đó rất khó khăn, bà em không có nhà cửa, không có việc làm phải nuôi 5 đứa cháu trong đó có em.

“Tưởng đã đủ éo le thì Sét bị bệnh bẩm sinh không có hậu môn, vừa qua lại mới mổ thận phải đeo bỉm ở bên hông, hoàn cảnh đó khiến tôi không khỏi xót xa. Những con đường xa hàng cây số toàn những con dốc đến xe máy cũng phải đầu hàng. Thế mà em phải tự đi bộ, thấy vậy nên trong năm học qua tôi đã cố gắng vào đưa đón em đi học, ngày nào mưa hai thầy trò cùng đi bộ”, thầy tâm sự.

Dẫu nhiều khi thời tiết khó khăn, lại thêm gánh nặng bệnh tật khiến em nhiều hôm phải nghỉ học, nhưng người học trò nhỏ vẫn khát khao được đến lớp và năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.

Thầy Tô Văn Hoàng, nhân viên văn thư, y tế tại Trường Tiểu học Đăk A chia sẻ: “Thầy Vệ là người năng nổ, nhiệt huyết. Từ quê hương tới tận đây lập nghiệp mà không có gia đình, bạn bè hỗ trợ nhưng vẫn luôn cố gắng hết mình trong công việc với đồng nghiệp, với học trò thực sự là tấm gương đáng nể”.

Thầy giáo Lộc Văn Vệ là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.