Từ trang sách: Trong trẻo tình bà cháu

GD&TĐ - Trong kho tàng văn học thế giới, có nhiều tác phẩm đặc sắc về tình cảm gia đình, đặc biệt là tình bà cháu.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong kho tàng văn học thế giới, có nhiều tác phẩm đặc sắc về tình cảm gia đình, đặc biệt là tình bà cháu. Trong số đó, “Bà ngoại trên cây táo” của tác giả Mira Lobe để lại nhiều ấn tượng và ghi dấu ấn bởi sự nhẹ nhàng, trong trẻo và cảm động về cậu bé Andi trên hành trình đi tìm người bà của mình.

Ước mơ trong trẻo

Khác với rất nhiều bạn đồng trang lứa, cậu bé Andi có một mơ ước thật kì lạ: Được gặp, chơi đùa với bà. Cũng đúng thôi bởi vì “đứa trẻ nào ở khu phố này cũng có bà. Có đứa thậm chí còn có hai bà nữa cơ. Chỉ mình Andi là không có bà nên cậu bé thấy khó chịu vô cùng”.

Điều này tưởng chừng như rất dễ hiểu với người lớn nhưng với một đứa trẻ như Andi, câu chuyện không có bà lại trở nên rất nghiêm túc: “Nhiều khi mới tinh mơ mở mắt, cậu bé đã suy ngẫm về việc này. Hôm nay cũng không ngoại lệ”.

tu trang sach trong treo tinh cam ba chau (1).jpg
'Bà ngoại trên cây táo' đồng hành cùng rất nhiều thế hệ trẻ em thế giới. Ảnh: Anh Sơn.

Thật buồn làm sao khi hai đứa bạn thân không thể qua chơi với Andi được vì cả hai đều dành thời gian bên bà. “Câu nói của Gerhard như cây kim đâm nhói lòng Andi”, “Lòng Andi lại như đau nhói”.

Độc giả có thể thấy được khát khao có bà cháy bỏng của cậu bé Andi, khi cậu càng cố gắng bù đắp vào khoảng trống trong lòng thì niềm mơ ước ấy của cậu lại càng trỗi dậy mãnh liệt hơn. Có lẽ, ban đầu ước mơ của cậu bé chỉ đơn giản bắt đầu từ sự ghen tị, hơn thua của trẻ con.

Thế nhưng, càng ngày, tình yêu, nỗi nhớ của Andi dành cho bà của mình, càng lớn dần lên, hằng ngày hiện hữu trong tim cậu bé. Và thế là, cậu bé Andi đã nghĩ ra cách để hiện thực hóa ước mơ sau khi cậu được “gặp” bà ngoại của mình qua bức ảnh cũ: “Bà đội một cái mũ gắn lông vũ siêu to trên đầu, những lọn tóc nhỏ, trắng nhô ra ngoài cái mũ, tay bà cầm một cái túi cũ, và dưới viền váy thò ra lớp quần ren trắng”.

Sở dĩ, bà ngoại của cậu “trông rất hài hước” như vậy là do bức ảnh được chụp ở “một lễ hội hóa trang” và theo như mẹ Andi kể thì: “Bà ngoại con khi ấy đã hóa trang thành một bà ngoại đấy!”. Cậu nhóc Andi “vui sướng vì giờ đã biết bà ngoại trông ra sao và ghi nhớ mọi đặc điểm của bà”.

Thay vì chỉ gặp bà qua bức tranh cũ, cậu bé đã quyết định được gặp bà ở một nơi thú vị hơn nhiều, cây táo của Andi. Từ nơi đây, hành trình gặp gỡ, vui đùa với nhau của hai bà cháu bắt đầu.

Tình bà cháu cảm động

“Bà ngoại trên cây táo” không chỉ gây ấn tượng với độc giả bởi sự trong trẻo của tác phẩm, mà còn khắc họa được tình cảm thiêng liêng giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là tình bà cháu. Tình cảm của Andi dành cho người bà của mình cùng với khát khao được gặp bà luôn da diết trong lòng.

Ngay khi nhìn thấy bức ảnh người bà của mình, cậu bé đã có thể trèo lên cây táo để “gặp” bà ngoại. Dưới góc nhìn của người lớn, thì chỉ đơn giản là Andi đang chơi với một người bà mà cậu bé tưởng tượng ra. Thế nhưng với Andi, người bà trên cây táo là người bà thật sự của cậu.

Bà ngoại của Andi có mọi thứ mà Andi muốn, bà biết cưỡi ngựa như chị Christl, chiến đấu với bọn cướp biển giống như trong câu chuyện mà anh Jorg kể, bà còn có cả “hai viên kẹo Mĩ chính hiệu”. Vì tất nhiên rồi, bà ngoại trên cây táo chính là người bà của tình yêu thương và sự mong nhớ của Andi.

tu trang sach trong treo tinh cam ba chau (2).jpg
Minh họa phóng khoáng, nhẹ nhàng trong 'Bà ngoại trên cây táo' từ họa sĩ Susi Weigel. Ảnh: Anh Sơn.

Có một chi tiết thật sự rất độc đáo và ý nghĩa đã được tác giả Mira Lobe gửi gắm trong cuốn sách nhỏ chính là việc hai người bà thật, ảo xuất hiện song hành. Và tình cảm của Andi dành cho hai người, tuy khác biệt nhưng lại nuôi dưỡng lẫn nhau.

Thật tuyệt vời khi người bà trên cây táo đã giúp cho Andi biết thêm yêu thương, giúp đỡ người xung quanh. Vì điều này, vô tình, cậu bé đã làm quen, trở nên thân thiết với bà hàng xóm Fink tốt bụng.

Và bà Fink, thay vì xem nhẹ tình cảm mà Andi dành cho người bà trên cây táo, bà lại đề nghị cậu: “Mà bà cũng sẽ rất vui nếu thi thoảng con kể chuyện bà ngoại cho bà nghe đấy”.

Từ một cậu bé không có bà, bây giờ Andi lại cảm thấy thật may mắn vì “giờ mình có những hai bà, lại còn kể chuyện về bà ngoại cho bà nội nghe nữa chứ”. Khát khao, tình yêu thương và tình cảm giữa bà và cháu đã giúp Andi tự mình mở lòng và tìm thấy người bà của mình.

“Bà ngoại trên cây táo” là một tác phẩm tiêu biểu của tác giả Mira Lobe. Những nét minh họa phóng khoáng, nhẹ nhàng từ họa sĩ Susi Weigel cũng giúp cho tác phẩm thêm phần sinh động, gần gũi.

Một điều nữa làm nên tên tuổi của Mira Lobe cũng như “Bà ngoại trên cây táo” chính là thông điệp ý nghĩa gửi đến không chỉ cho độc giả nhỏ tuổi mà với cả người lớn: “Như vậy để thấy những ước mơ, khát khao của trẻ nhỏ sẽ đưa các em đến với cuộc sống tươi đẹp hơn, nhân văn hơn. Chúng ta, những người lớn, những bậc cha mẹ nên trân trọng và gìn giữ điều đó”.

“Bà ngoại trên cây táo” là một tác phẩm đặc sắc của nhà văn Mira Lobe. Với cách kể chuyện giản dị, dễ hiểu nhưng đầy ý nghĩa, cuốn sách đã đồng hành cùng rất nhiều thế hệ trẻ em trên toàn thế giới. 144 trang sách là câu chuyện “kể về nỗi khát khao có một người bà của cậu bé Andi”. Và thật tuyệt vời khi “nỗi khát khao ấy đưa cậu đến với những trò chơi tuyệt đẹp, hiện thực hóa giấc mơ và gắn kết cậu với một người bà có thực”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng cùng người dân Yên Bái xuyên đêm canh lũ.

Người dân Yên Bái trắng đêm canh lũ

GD&TĐ - Tính đến sáng 9/9, bão số 3 đã làm 3 người chết, 4 người bị thương, nước sông dâng cao liên tục khiến người dân Yên Bái trắng đêm canh lũ.

Khắp Firozabad, đâu đâu cũng có người bán vòng tay thủy tinh. Ảnh: Bbc.com

Độc đáo nghề lọc vàng từ rác

GD&TĐ - Firozabad (Ấn Độ), 'kinh đô buôn bán vòng tay thủy tinh', xuất hiện một nghề không ai ngờ tới là lọc vàng từ rác sản xuất vòng tay.