Từ trang sách: Hiểu thêm về vua chúa Việt

GD&TĐ - Ngày đầu Thu, tôi nhận được quà tặng của học trò cũ. Đó là cuốn sách 'Vua chúa Việt và những điều chưa biết' của nhà báo Lê Tiên Long.

Từ trang sách: Hiểu thêm về vua chúa Việt

Nhà báo Lê Tiên Long nguyên là học sinh lớp chuyên Toán – Tin, Trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa khóa 1991 - 1995.

Cuốn sách gồm 240 trang, do NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, ra mắt đầu tháng 9. Thực ra, nội dung cuốn sách không có nhiều điều mới, bởi những vấn đề thuộc về thông sử, dã sử và các câu chuyện truyền miệng đã được các sách khác đề cập đến. Điều muốn nói ở đây, tác giả là người có công tập hợp lại thành từng chủ đề, nhóm vấn đề theo một trình tự logic nhất định.

Mỗi câu chuyện đều thông báo xuất xứ, chứng cứ, và có phân tích đánh giá. Với cách viết dí dỏm, hành văn mạch lạc, tác giả dẫn dắt người đọc đi từ câu chuyện hấp dẫn này đến câu chuyện hấp dẫn khác. Mỗi một đề mục chỉ trình bày gọn từ 3 đến 7 trang mà vẫn đủ thông tin thú vị.

Cuốn sách không đi vào kể lại các trận đánh lớn, cũng không trình bày cách cai trị thiên hạ của vua chúa như thế nào, vì những nội dung đó hầu như mọi người đều đã biết trong chính sử. Tác giả tập trung kể lại chuyện: Vua học như thế nào, đọc sách ra làm sao; vua ăn uống, đi lại, ngủ, nghỉ, rèn luyện thể thao và sinh hoạt như thế nào… Những chuyện đó lâu nay được coi là “chuyện bếp núc” ít người quan tâm và cũng ít sách đề cập đến.

Tác giả khai thác và đưa vào tác phẩm của mình “những điều chưa biết” của các bậc vua chúa, đem lại cái nhìn tổng thể chân dung của một đấng minh quân, làm cho câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn. Chẳng hạn, vua Lê Hoàn hiển hách khi “phá Tống, bình Chiêm” nhưng có nhiều tính cách “lạ”.

Vua từng cưỡi ngựa ra ngoại thành tiếp sứ giả nước Tống, mở tiệc chiêu đãi sứ thần ngay tại bãi sông để chủ và khách vừa ăn yến, vừa xem múa hát, lấy trò bắt cá làm vui. Vua đích thân tự cởi mũ áo, bỏ giầy, đi chân không lội xuống nước đâm cá. Vua còn cho người khiêng một con trăn lớn, dài vài trượng đến sứ quán, nói với sứ giả rằng: “Nếu ăn được, sẽ làm cỗ để mời”, làm sứ Tống khiếp sợ không dám nhận.

Khi vua Lê Hoàn chiến thắng quân Tống dong thuyền trở về, hoàng hậu Dương Vân Nga đã quây màn, kê giường bên sông để tiếp giá, từ đó sông có tên là Vân Sàng. Mà sông Vân Sàng chỉ cách kinh đô Hoa Lư vài dặm đường, thế mới lạ! Lê Đại Hành cũng là ông vua đầu tiên tịch điền.

tu-trang-sach-hoi-them-ve-vua-chua-viet-2.jpg

Vua Lê Thánh Tông (trị vì từ 1460 - 1497) một vị vua anh minh nhất trong triều đại nhà Lê sơ. Vua có tư chất thông minh lại là người nhân hậu, có nhiều công trạng cho đất nước.

Bên cạnh việc lập Tao Đàn, Lê Thánh Tông cũng rất quan tâm đến võ bị, giữ gìn an ninh đất nước, mở mang bờ cõi với câu nói nổi tiếng: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của vua Thái tổ để lại”.

Nhưng điều ít người nói đến của vị vua này là… “vua nhiều phi tần quá, nên mắc bệnh nặng”. Vua mất ở tuổi 55, cái chết của vua để lại nhiều nghi vấn cho hậu thế.

Hay với chúa Nguyễn Ánh tức vua Gia Long (1802 - 1819) là nhân vật lịch sử còn có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Ở đây, tác giả không nêu ý kiến đánh giá mà chỉ kể lại một vài mẩu chuyện có lẽ đa số độc giả chưa được biết.

Như lúc chúa Nguyễn Ánh còn đang đánh nhau với Tây Sơn, khi bị truy đuổi, đêm quá mệt mỏi đã gối đầu lên đùi viên tướng thân tín Nguyễn Huỳnh Đức để ngủ say sưa. Vua Gia Long là người rất tiết kiệm. Vì ghét uống rượu, vua đã ban hành lệnh trong quân không được đánh bạc, uống rượu. Vua Gia Long cũng rất mực tôn kính thầy học của mình là Thị học Nguyễn Doãn Thống.

Còn vua Lê Long Đĩnh, hay sử đời sau gọi là Lê Ngọa Triều (1005 - 1009), miêu tả nhà vua “say đắm tửu sắc” nên mắc bệnh trĩ, mất năm 1009, khi mới 24 tuổi. Nhưng trước đó 4 tháng, đích thân nhà vua vẫn tự đem quân đi đánh châu Hoan Đường, Thạch Hà (vùng đất Nghệ An ngày nay) chứng tỏ sức khỏe của nhà vua rất tốt. Thành thử câu chuyện về vua Lê Long Đĩnh và cái chết của nhà vua vẫn còn là một nghi vấn lịch sử.

Cuốn sách cũng lược từ sử sách, cho độc giả thấy Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm (1767 - 1782) là vị chúa văn võ song toàn. Dưới thời chúa Trịnh Sâm, đất Đàng Ngoài kéo dài từ Bắc vào tới tận Phú Xuân (Huế). Nhưng chúa Trinh Sâm lại mắc bệnh sợ nắng gió, suốt ngày phải ở trong cung kín không dám ra ngoài, trong cung chỉ đốt nến chứ không có ánh sáng mặt trời.

Hoặc nhân vật nổi tiếng trong sử sách cũng như được khai thác nhiều trong văn học, nghệ thuật là Nguyên phi Ỷ Lan (sau này là Linh Nhân Hoàng thái hậu), được sử sách mô tả là một người thông minh, hiếu học và rất có công với nhà Lý. Trong thời kỳ Lý Nhân Tông (1072 - 1127) trị vì, bà đã giúp nhà vua rất nhiều trong việc cai trị.

Nhưng Thái phi lại là người có tính hay ghen ghét, thấy bà Dương Thái hậu giữ quyền, trong bụng không yên, bèn xui vua bắt Dương Thái hậu và 76 người thị nữ bỏ ngục tối, rồi đem giết cả. Sau này Thái hậu Ỷ Lan có hối hận, nhưng sự kiện đó đã trở thành vết nhơ cuối đời của bà.

Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung cũng là một nhân vật lịch sử đặc biệt. Bà là hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông, mẹ của Nữ vương Lý Chiêu Hoàng, mẹ vợ của vua Trần Thái Tông (1225 - 1258), sau này lại là vợ của Thái sư Trần Thủ Độ. Bà là người đóng vai trò quan trọng cùng với Trần Thủ Độ đưa Trần Cảnh lên ngôi, mở đầu cho triều đại nhà Trần.

Chính bà đã đứng ra dàn xếp giữa Trần Liễu và vua Trần Thái Tông (cả hai đều là con rể bà) và là người có công lớn trong việc giúp nội trị của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất. Cho nên các sử quan đời sau đã nhận xét: “Thế mới biết trời sinh ra bà Linh Từ để mở mang cơ nghiệp cho nhà Trần vậy”.

Còn rất nhiều câu chuyện lý thú, hấp dẫn và đặc sắc khác, xin được dành cho bạn đọc trực tiếp tìm hiểu thông qua đọc tác phẩm.

Cuốn sách thật bổ ích cho các giáo viên dạy các môn khoa học xã hội (nhất là Sử và Văn học) để các thầy cô làm phong phú thêm bài giảng; bổ ích đối với các hướng dẫn viên du lịch khi thuyết minh, kể chuyện với các quý khách về các vấn đề liên quan đến lịch sử. Và cuốn sách cũng rất phù hợp với độc giả cao tuổi đọc để giải trí, đọc rồi kể chuyện cho cháu chắt nghe….

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ