Từ trang sách: Một cách khám phá chữ Quốc ngữ

GD&TĐ - Khi nói về lịch sử chữ Quốc ngữ, nhiều người nghĩ ngay đến giáo sĩ Alexandre de Rhodes.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Song có lẽ ít ai tường tận về sự gặp gỡ đặc biệt giữa tiếng Việt với chữ Latinh như thế nào. Cũng bởi, đây là câu chuyện dài và phức tạp, thường gắn liền với những cuốn sách dày nghìn trang dành cho nhà nghiên cứu…

Tuy nhiên, khi đọc “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” do NXB Kim Đồng ấn hành và vừa được giới thiệu tại Triển lãm Sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) thì dường như những trở ngại ấy giảm bớt phần nào vì cuốn sách đem đến cách khám phá đơn giản, mới mẻ…

Dễ tiếp cận

Dù kể về hành trình dài đến hàng trăm năm (từ đầu thế 17 đến thế kỷ 20) nhưng cuốn sách “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” chỉ gói gọn trong 120 trang, khổ 17cm x 24cm. Độ “ngắn gọn” này còn được giới hạn hơn khi hình thức kể chuyện mà tác giả sử dụng không phải các trang viết kín chữ mà là những trang truyện tranh sinh động, kiệm lời.

“Cuốn “Từ điển Việt - Bồ - La” là một công trình tập thể của các linh mục dòng Tên. Vì Đắc Lộ là người tổng hợp và chịu trách nhiệm in ấn tại Roma cho nên nó đứng tên Alexandre de Rhodes. Có người cho rằng cha không xứng đáng là tác giả của công trình này, nhưng thời đó chưa có Luật Sở hữu trí tuệ và nhiều tác giả cũng không muốn để tên mình mà chỉ ghi A.M.D.G (Ad Majorem Dei Gloriam), tức là để vinh danh Thiên Chúa”… Theo “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ”.

Thế nhưng, khi mở trang sách ra, độc giả vẫn có thể hình dung, hiểu thêm về lịch sử hình thành chữ viết của người Việt. Cũng bởi, bộ đôi tác giả Phạm Thị Kiều Ly (viết lời) và Tạ Huy Long (vẽ tranh) đã khôn khéo chọn lối viết ký sự và dành ngôi dẫn chuyện cho các nhân vật tham gia vào quá trình đó cũng như thể hiện qua những bức tranh được vẽ “bằng việc lý giải những phần mờ tối của lịch sử, nhưng may thay phần nhiều tôi vẽ bằng sự tưởng tượng” (như chia sẻ của họa sĩ).

Thêm nữa, chưa khi nào câu chuyện về nguồn gốc chữ Quốc ngữ là đơn giản, trái lại nó luôn phức tạp vì liên quan đến nhiều vị giáo sĩ đến từ phương Tây thuở đó chứ không riêng gì Alexandre de Rhodes.

Vậy nhưng, ở phần I, bằng cách tổ chức câu chuyện mạch lạc, vừa bằng lời thoại gọn ghẽ, nhẹ nhàng, gần gũi, đôi khi hài hước đến bật cười song luôn chứa từ khóa quan trọng; vừa được đặt trong những bức tranh có nội dung nằm ngoài lời kể nên độc giả không khó để tiếp nhận, kể cả với độc giả nhỏ tuổi.

Đến phần II: “Chữ Quốc ngữ ký sự”, dù có lượng chữ nhiều hơn và lời kể do nhiều nhân vật đóng vai mang tính thống kê các sự kiện, nhân vật chính liên quan như: Thành lập chủng viện tại Đàng Ngoài, sự kiện 1685, vai trò của Pierre-Joseph Pigneaux de Beshaine (Bỉ Nhu Bá Đa Lộc) và Jean – Louis Taberd đối với chữ Quốc ngữ, chữ Quốc ngữ giữa biến thiên thời thế… nhưng vẫn có sức hút riêng, nhất là với những người muốn khám phá sâu hơn về các chặng đường khác của chữ Quốc ngữ, được nối tiếp từ thời điểm Alexandre de Rhodes qua đời cho đến khi trở thành văn tự chính thức của Việt Nam (1945).

Không chỉ thế, tác giả còn mở những phụ lục mang tính tra cứu hữu ích như: “Vài giải thích về từ điển Việt - Bồ - La và chính tả tiếng Việt”, “Niên biểu Alexandre de Rhodes và chữ Quốc ngữ”, “Từ vựng”.

Riêng bài “Hỏi chuyện Pina, Rhodes và Amaral” (đối thoại giả tưởng) đem đến cho độc giả không ít hào hứng bởi phần nào giải đáp những thắc mắc của hậu thế được thể hiện (theo góc nhìn của tác giả cuốn sách) một cách nhẹ nhàng, vui vẻ mà cũng có không ít câu hỏi xoáy đáp xoay...

tu-trang-sach-mot-cach-kham-pha-chu-quoc-ngu-4-459.jpg
Vai trò của người Việt đối với lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ được gợi mở trong cuốn sách 'Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ'. Ảnh: Bình Thanh.

Một cách lý giải

Cuốn sách “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” còn đưa ra cách luận giải về những vấn đề trước nay còn gây nhiều tranh cãi. Đáng chú ý, dù chọn Alexandre de Rhodes là người trực tiếp dẫn chuyện song lời kể của giáo sĩ luôn thể hiện thái độ trung thực về công sức của mỗi giáo sĩ lúc bấy giờ đối với chữ Quốc ngữ chứ không phải tự tâng công của riêng ông.

Khi kể chuyện về những nỗ lực học tiếng Việt cũng như việc nhận thấy cần ghi âm và thể hiện ngôn ngữ này bằng chữ viết để truyền giáo hiệu quả của bản thân khi ở Đàng Trong rồi Đàng Ngoài xứ An Nam, Alexandre de Rhodes luôn nhắc đến vai trò của những người đi trước.

Ông đặc biệt lưu tâm trước những phát hiện của các cha về đặc điểm tiếng người An Nam như: “Tiếng Đàng Trong rất dễ học vì không có chia động từ, không có biến cách” (Cristoforo Borri); “Tiếng người Đàng Ngoài có 6 cung giọng” – “Nhờ được tiếp xúc với tiếng Đàng Ngoài có 6 thanh điệu nên cha đã ghi đủ hết các dấu thanh sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và thanh không” (Antónjo de Fontes); “Đây là một ngôn ngữ có thanh điệu như một dàn xướng âm, cần phải biết xướng âm đã rồi mới học chữ” (Francisco de Pina).

Bản thân Alexandre de Rhodes cũng cảm nhận thấy: “Nghe người Đàng Trong nói chuyện, đặc biệt là khi nghe phụ nữ nói, tôi có cảm giác như mình nghe tiếng chim hót”. Từ đó, giáo sĩ rút ra cho mình kết luận: “Học ngôn ngữ này như thể học nhạc”… để từ đó luôn quyết tâm vượt khó học tiếng Việt, “tiếp tục cùng các giáo sĩ hoàn thiện chữ viết Latinh ghi âm của tiếng Việt và soạn các cẩm nang, từ điển của ngôn ngữ này”.

Cùng với đó, khi lo việc in ấn 2 cuốn “Từ điển Việt - Bồ - La” (có kèm 31 trang ngữ pháp do ông viết) và “Phép giảng tám ngày” tại nhà in Bộ Truyền giáo ở La Mã, Alexandre de Rhodes thông tin về việc cả 2 cuốn sách đó đều để tác giả là tên ông - yếu tố gây ra không ít tranh cãi sau này.

Tuy nhiên, giáo sĩ đã chia sẻ về sự biết ơn: “Tôi sẽ không thể cho in được cuốn “Từ điển Việt - Bồ - La” nếu không được thầy Francisco de Pina dạy dỗ. Ngoài ra, tôi cũng sử dụng công trình của các cha khác cùng hội dòng, đặc biệt là hai cha Gaspar do Amaral và António Barbosa, mỗi ông biên soạn một cuốn từ điển: Ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ Đào Nha, nhưng cả hai đều sớm về với chúa. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng Latinh theo gợi ý của các vị hồng y đáng kính để giúp cho người bản xứ học tiếng Latinh…”.

Như vậy, bằng cách để giáo sĩ Alexandre de Rhodes kể chuyện, tác giả Phạm Thị Kiều Ly thúc đẩy nhân vật xây dựng theo kiểu bán hư cấu này bộc lộ những tâm sự, suy nghĩ của mình, qua đó góp phần đưa ra cách lý giải của người thời nay trước những tranh cãi bấy lâu về công trạng thực sự của vị giáo sĩ với chữ Quốc ngữ và ông có xứng đáng được tôn vinh hay không.

Những kiến giải này được đưa ra theo chiều hướng có cơ sở khoa học vì nó được dựa vào luận án Tiến sĩ “Lịch sử ngữ pháp và chữ viết Latinh của tiếng Việt” của Phạm Thị Kiều Ly mà viết ra.

tu-trang-sach-mot-cach-kham-pha-chu-quoc-ngu-3-5867.jpg
Cuốn sách 'Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ' có lời kể ngắn gọn đặt trong những bức tranh sinh động. Ảnh: Bình Thanh.

Gợi mở về vai trò của người Việt

Dù dành số trang khiêm tốn nhưng cuốn sách “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” bước đầu gợi mở về vai trò của người Việt trong việc hình thành chữ Quốc ngữ.

“Chúng ta đã nói rất nhiều về các công trình ngữ học do các linh mục phương Tây biên soạn, thế nhưng, cũng cần nói thêm rằng, nếu không có người Việt giúp sức, các vị linh mục phương Tây không thể học tiếng được chứ chưa nói đến việc biên soạn từ điển hay dịch sách.

Tuy nhiên, cũng do thời đó các linh mục chỉ chú tâm đến thành quả công việc mà ít quan tâm đến việc ghi hết tên những người đã tham gia biên soạn, thành ra ta có cảm giác rằng đóng góp của người Việt quá ít ỏi. Chẳng hạn, tập sách chữ Nôm lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Pháp hiện đề tên là linh mục Majorica (người Ý) nhưng thực ra do thầy Phao, trợ tá của Majorica biên soạn”, tác giả Kiều Ly nhận định tại trang 78.

Điều này ở phần I của cuốn sách đã được thể hiện tại những trang giáo sĩ Alexandre de Rhodes kể lại chuyện ông học tiếng người bản xứ với các em nhỏ Đàng Trong. Và, nó càng trở nên rõ ràng hơn khi đọc đến phần II, nhất là khi được giám mục Bỉ Nhu Bá Đa Lộc ghi nhận bằng tài liệu quan trọng (cũng trở thành người kể chuyện).

Với vai trò làm người điều phối, nhưng vị giám mục khẳng định cũng như các thừa sai khác, một mình ông không thể làm hai cuốn từ điển: “Từ điển An Nam - Latinh” và “Từ điển Hán - Latinh”.

tu-trang-sach-mot-cach-kham-pha-chu-quoc-ngu-2-2247.jpg
Cuốn sách 'Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ' thể hiện thái độ khách quan khi lên tiếng luận giải về những vấn đề vốn gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Bình Thanh.

“Nếu tìm trong văn khố của Hội Thừa sai Paris, các bạn sẽ thấy một báo cáo tôi gửi cho Bề trên, trong đó tôi ghi rõ: “Sau mười tháng làm việc với sự trợ giúp của tám người Đàng Trong, con vừa hoàn thành sáu bản cuốn từ điển gồm tất cả các chữ và các từ theo thứ tự alphabet””, lời kể của Bỉ Nhu Bá Đa Lộc.

Đến lời kể về chuyến đi châu Âu của linh mục Fillippe Bỉnh lại là những tháng ngày ông cùng các cộng sự như thầy Quỳnh Nhân, thầy Ngần, thầy Trung sao chép cuốn “Từ điển Việt - Bồ - La” và cả cuốn “Phép giảng tám ngày” một cách trung thành theo cuốn gốc của Alexandre de Rhodes.

Tuy nhiên, trong quá trình sao chép, có bản các thầy ký tên, có bản không. Còn linh mục Fillippe Bỉnh thì có “chỉnh lý đôi chút phần phụ âm đầu. Ví dụ, cha Đắc Lộ biên là “tlứng” thì lúc đó chúng tôi lại nói là “trứng”… Ngoài ra, tôi cũng tự soạn thêm vài trăm trang phần Bồ - Việt gắn vào sau phần Việt - Bồ…”, linh mục Fillippe Bỉnh kể.

Cùng với đó, thầy Bỉnh còn gửi lời nhắn nhủ: “Thư viện Vatican lưu giữ hết bản thảo của mấy thầy trò chúng tôi. Thầy Nhân, thầy Ngần và thầy Trung mất trước tôi. Tôi chạnh lòng nghĩ đến số phận của mấy thầy trò chúng tôi. Không biết sau này có ai biết đến chúng tôi…” .

“Tôi cũng đã trải qua một hành trình dài đi tìm tài liệu trong các văn khố ở Lisboa, Vatican, Roma, Madrid, Avila, Paris, Lyon, Hà Nội với mong muốn phác thảo lại một cách trọn vẹn nhất có thể về “Lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt (1615 - 1919)”. Đó chính là đề tài luận án Tiến sĩ mà tôi bảo vệ tại Đại học Sorbonne nouvelle (Paris, 2018)” - Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: INT

Vòi trứng và các bệnh lý liên quan

GD&TĐ - Vòi trứng còn có các tên gọi khác là vòi tử cung hay ống dẫn trứng. Đây là một tổ chức hình ống, lòng rỗng, có cấu tạo 3 lớp.

Binh sĩ Ukraine vận hành UAV PQ-20 Puma.

UAV RQ-20 của Mỹ không còn là bí mật

GD&TĐ - Các chuyên gia và kỹ sư Nga đã thu được các mẫu thiết bị quân sự phương Tây độc đáo, nghiên cứu và tìm kiếm các điểm yếu của chúng.