Từ trang sách: Tiếng Việt muôn màu

GD&TĐ - Bởi sự thông dụng mà đôi khi khiến ta lại quên mất mình không phải lúc nào cũng sử dụng tiếng Việt đúng cách, hợp lí và hay.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Bởi sự thông dụng mà đôi khi khiến ta lại quên mất mình không phải lúc nào cũng sử dụng tiếng Việt đúng cách, hợp lí và hay. Với tác phẩm “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu những nét đẹp, độc đáo của tiếng Việt thông qua các câu thành ngữ, tục ngữ.

Tài tình, tinh tế

Cuốn sách mở đầu với tựa đề “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” cùng hình ảnh bìa mang đậm nét dân gian. Có lẽ đối với độc giả Việt, chẳng ai còn xa lạ gì với câu tục ngữ nhấn mạnh tình cảm của hàng xóm láng giềng luôn sâu đậm hơn tình cảm anh em họ hàng xa xôi này. Không chỉ thế, từ hình ảnh bìa, độc giả có thể dễ dàng hình dung về những bức tranh dân gian, có thể là: “Đàn lợn âm dương”, “Cá chép trông trăng”, “Chăn trâu thổi sáo”…

Từ bìa sách gây ấn tượng mạnh mẽ đó, độc giả tiếp tục lật mở những trang sách, đọc những câu thành ngữ, tục ngữ để thấy được sự tài tình, tinh tế của ông cha ta trong việc sử dụng tiếng Việt giữa cuộc sống thường ngày.

Như câu “Cầm cân nảy mực” với ý nghĩa chỉ “(người) có trách nhiệm và có nghĩa vụ đảm bảo sự đúng đắn, công bằng, hợp lí trong một cộng đồng nào đó”. Tuy nhiên, xuất xứ của câu tục ngữ này lại được lý giải rất thú vị khi dựa trên hành động của… các bác phó mộc: “Chả là, khi xẻ gỗ ra thành lát để gia công theo ý muốn, bác thợ cả phải dùng một cuộn dây tẩm mực tàu căng dài theo thân cây gỗ lớn.

tu-trang-sach-tieng-viet-muon-mau-1-7375-914.jpg
Cuốn sách 'Bán anh em xa, mua láng giềng gần' giúp người đọc hiểu thêm về vẻ đẹp của tiếng Việt. Ảnh: Tấn Quyết

Một đầu dây bác giữ, đầu kia có thể do một thợ khác cầm hoặc được buộc vào một quả kim loại (như quả cân) cố định ở vị trí cần thiết. Sau khi ướm đúng cữ gỗ, bác cả liền cầm dây bật cho nảy lên nảy xuống đôi lần, để mực ăn vào mặt gỗ. […] Hết cây gỗ này đến cây gỗ khác đều được pha thành nhiều tấm dày mỏng “ngon lành” nhờ sự nảy mực chính xác của bác cả tài ba”.

Hẳn không ít độc giả sẽ cảm thấy thích thú khi đọc những thông tin lý giải việc lấy sự chính xác trong công việc thợ mộc làm cơ sở vừa giản đơn nhưng lại rất độc đáo để người đời tạo nên câu tục ngữ trên.

Hay với câu thành ngữ “Đánh trống bỏ dùi”, tác giả cũng đem tới độc giả một cách giải thích khác mà ít người biết tới. Có lẽ, phần lớn người Việt chúng ta vẫn hiểu rằng “Đánh trống bỏ dùi” có nghĩa là “đánh trống xong lại vô ý vứt dùi đi”.

Nhưng chữ “dùi” ở đây không chỉ hiểu theo nghĩa là “dụng cụ để đánh trống”: “Nhưng phương ngữ ở vùng thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh người ta lại nói ba hồi chín dùi, một hồi ba dùi… (dùi = tiếng)”. Từ đó, câu “Đánh trống bỏ dùi” còn có thể giải nghĩa là: “Ngày xưa, ở các làng xã, khi có đám (lễ hội, ma chay, rước, họp làng, họp vạ…) chủ trò phải đánh trống ra hiệu lệnh mời làng nước ra.

Hoặc có khi, nhiều dân vệ được cắt cử trực đêm ở đình làng và nhiệm vụ của họ là cứ một lúc phải đánh trống cầm canh (báo sang canh). Có người vì mệt mỏi, lại đang ngái ngủ nên cẩu thả chỉ đánh chiếu lệ cho đủ hồi, còn mấy dùi lẻ họ không đánh (bỏ dùi)”.

Nhưng dù theo cách giải nghĩa như thế nào, câu thành ngữ vẫn được sinh ra nhằm mục đích phê phán những ai “làm việc không đến nơi đến chốn, bỏ dở dang, thiếu trách nhiệm”.

Giữ gìn bản sắc

tu-trang-sach-tieng-viet-muon-mau-2-3785-792.jpg
Câu 'Cầm cân nảy mực' được bắt nguồn từ công việc hết sức dân dã của… các bác phó mộc. Ảnh: Tấn Quyết

Thông qua các câu thành ngữ, tục ngữ xuất hiện trong cuốn sách, độc giả có thể phần nào hình dung ra đời sống xa xưa, cũng như cách sử dụng tiếng Việt đầy tinh tế và sáng tạo của ông cha ta. Để rồi từ đó, mỗi người có thể đặt ra câu hỏi cho chính mình về trách nhiệm giữ gìn sự độc đáo, sáng tạo vốn có của tiếng Việt.

Có thể dễ dàng nhận thấy, văn học dân gian nói chung và ca dao, thành ngữ, tục ngữ nói riêng chủ yếu được sáng tác dựa trên hoạt động hàng ngày của con người. Tưởng chừng phải diễn giải rất dài dòng nhưng thực tế thì ông cha ta khéo léo “tóm tắt” chúng chỉ bằng một vài từ ngữ.

Không chỉ thế, sự “tóm tắt” ấy rất tài tình đưa ý nghĩa của chúng vượt xa ra khỏi khuôn khổ miêu tả hành động mà trở thành những giá trị đạo đức cốt lõi, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Thật khâm phục khi người xưa sử dụng tiếng Việt một cách thật ngắn gọn, dễ nhớ, nhưng lại không hề mất đi giá trị muốn truyền tải.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, đôi khi chính mỗi người vẫn sử dụng tiếng Việt không được tinh tế, khiến cho ý nghĩa của điều muốn truyền tải đến người nghe không thể diễn đạt trọn vẹn. Đó là khi sử dụng những từ, cụm từ cao siêu, hay các câu văn rất dài chỉ để diễn đạt điều đơn giản.

Hay trong giới trẻ hiện nay, tình trạng sử dụng các từ ngữ viết tắt, từ nước ngoài trong cuộc sống hàng ngày một cách tùy tiện ngày càng trở nên phổ biến. Tuy một số từ viết tắt rất ngắn gọn, thuận tiện, nhưng không như cha ông ta, chúng lại vô tình “rút gọn” cả về mặt ngữ nghĩa, thông điệp muốn truyền tải. Những từ ngữ nước ngoài nếu bị lạm dụng không chỉ gây ra sự khó chịu cho người nghe, mà còn khiến tiếng Việt đánh mất đi vẻ đẹp vốn có.

Với tác phẩm “Bán anh em xa, mua láng giếng gần”, tác giả Phạm Văn Tình đã giúp độc giả có cơ hội được hiểu sâu hơn về ý nghĩa, cũng như nguồn gốc của những câu thành ngữ, câu tục ngữ thường được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, tác phẩm cũng như một lời nhắc nhở tới tất cả độc giả về trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng, độc đáo của tiếng Việt giữa cuộc sống hàng ngày.

“Bán anh em xa, mua láng giềng gần” của tác giả Phạm Văn Tình nằm trong bộ sách “Tiếng Việt yêu thương”. Cuốn sách gồm 27 chương, giới thiệu những cái hay, cái đẹp, nét độc đáo của tiếng Việt trong những câu thành ngữ, tục ngữ dân gian tới độc giả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.