“Chuyện ở đồi A1” của tác giả Nguyễn Tân để lại nhiều ấn tượng khi tái hiện trận đánh mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là: “Chiếc chìa khóa của Điện Biên Phủ” một cách hào hùng và chân thực.
Ác liệt nhưng gần gũi
Ngay từ trang bìa, độc giả bắt gặp hình tượng người chiến sĩ Điện Biên trong trận đánh đồi A1. Đó là những người lính khoác trên mình áo trấn thủ cùng mũ nan, tay ôm súng len lỏi qua từng chiến hào, bất chấp mưa bom bão đạn, xung trận với quyết tâm cao nhất.
Nối tiếp đó là 140 trang sách được chia làm 6 phần, sắp xếp theo trình tự thời gian của trận đánh tái hiện lại chiến trường đồi A1 của 70 năm trước đầy ác liệt mà vẫn gần gũi với thế hệ độc giả trẻ. Bởi lẽ, khác với những cuốn sách khác hay lấy kể lại câu chuyện lịch sử dưới góc nhìn trực tiếp của người lính ở chiến trường. “Chuyện ở đồi A1” lại là bức thư về những hoài niệm năm xưa mà người ông gửi cho người cháu.
Nhân vật Tuấn Kiệt là một học sinh có ông là cựu chiến binh “thuộc quân số của Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316” từng chiến đấu ở chiến trường A1. Trong một lần cần tìm thông tin cho bài tập Lịch sử, Tuấn Kiệt đã gửi email hỏi ông về trận chiến ở đồi A1. Thế là, câu chuyện chiến đấu dần được ông của Tuấn Kiệt kể lại.
Một điều độc đáo giúp cho tác phẩm trở nên dễ tiếp cận với mọi lứa tuổi chính là xen giữa câu chuyện, ông của Tuấn Kiệt luôn dừng lại để giải thích những từ khó hiểu hay các thuật ngữ được dùng trong quân sự: “Hôm trước cháu có hỏi về cái lô cốt đầu cầu là thế nào. Tiện đây ông giải thích luôn cho”.
Cuốn sách dường như là cuộc trò chuyện thân mật giữa hai ông cháu, vừa giúp người đọc bổ sung thêm được nhiều điều bổ ích vừa khiến cho mạch truyện thêm cuốn hút, dễ theo dõi.
Qua lời kể của ông Tuấn Kiệt, chiến trường A1 ngày từ những ngày đầu tiên đã luôn ác liệt đến nghẹt thở. Trận đánh đồi A1 nằm ở đợt tiến công thứ hai của quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ - “trận công kiên lớn nhất trong lịch sử chiến tranh chống Pháp”. Bởi vì, A1 là ngọn đồi có vị trí rất đặc biệt “ở sát ngay khu trung tâm, khống chế một phạm vi khá rộng” nên trận đánh trở nên rất ý nghĩa với cả ta và địch.
Dường như từng phút từng giây trên chiến trường đồi A1 lúc nào cũng căng thẳng của những hy sinh mất mát, mưa bom bão đạn. Mở màn cuộc chiến, quân ta ngay lập tức gặp phải khó khăn. Những người lính đi đầu đã ngã xuống để mở đường cho đồng đội có thể tiếp tục tiến lên.
Tuy vậy, tưởng chừng trận đánh đang rất thuận lợi thì “bọn địch vừa chống trả quyết liệt ở trước mặt anh bây giờ đã không còn một tên nào. Chúng như có phép tàng hình vậy”. Ngay lập tức quân ta phải đối mặt với đòn phản kích của quân địch. Và cứ thế trận chiến đấu ác liệt diễn ra giằng co, bất phân thắng bại.
Những nụ cười trên đồi A1
Trận chiến ác liệt là thế, sự hy sinh có thể đến bất kì lúc nào nhưng người lính vẫn luôn giữ được sự lạc quan về chiến thắng phía trước. Đó là khi quân ta chống địch phản kích. Tuy phải đối mặt với hai chiếc xe tăng “hai pháo đài bằng thép” nhưng những người lính vẫn bình tĩnh quyết tâm tiêu diệt chúng cho bằng được và đẩy lùi quân địch.
Ngọn lửa bùng lên cùng tiếng hô: “Cháy rồi! Xe tăng cháy rồi anh em ơi!” đã mang đến niềm vui cùng sự phấn chấn cho các chiến sĩ trên toàn chiến trường, tiếp tục vững tay súng: “Mặc dù, trong cuộc hỗn chiến đang tiếp diễn, mỗi người đều cố liếc mắt để được nhìn thấy chiếc xe tăng bị diệt”.
Hay là cả khoảnh khắc anh lính say thuốc lào sau một trận pháo kích của địch khiến cho đơn vị phải đi tìm. Câu chuyện của người chiến sĩ kể để “trả” phạt cho mọi người đem lại niềm vui đến với đồng đội sau những giây phút chiến đấu căng thằng: “Mạng sống của họ ở đây, bất kể lúc nào, cũng có thể bị cướp đi. Ấy thế mà họ vẫn vui vẻ và lạc quan mà chiến đấu”. Bão đạn của kẻ thù đã không thể lấy mất đi nụ cười trên môi của những người lính A1 năm ấy.
“Chuyện ở đồi A1” là tác phẩm đặc sắc và nhiều ý nghĩa; gần gũi và hào hùng. Bằng góc nhìn đa chiều cùng việc được trình bày dưới dạng bức thư khiến cho cuốn sách càng thêm sinh động, thân thuộc.
Trận chiến đồi A1 một lần nữa được sống lại sau 70 năm dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Tân. Ở “Chuyện ở đồi A1” có sự hy sinh mất mát, có tinh thần đoàn kết quyết tâm chiến đấu, có cả những phút giây thư giãn vui vẻ tếu táo của người lính giữa đạn bom ác liệt. Cùng với đó, cuốn sách còn là cầu nối chan chứa tình yêu thương mà thế hệ cha ông gửi gắm cho người trẻ.