Từ phố Thâm Tâm...

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hà Nội vừa chính thức có phố Thâm Tâm - thuộc phường Trung Hòa.

Hà Nội vừa chính thức gắn biển phố Thâm Tâm. Ảnh: Bình Thanh
Hà Nội vừa chính thức gắn biển phố Thâm Tâm. Ảnh: Bình Thanh

Hà Nội vừa chính thức có phố Thâm Tâm - thuộc phường Trung Hòa, đi qua công viên, trường học và gần với phố Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Tú Mỡ, Nguyễn Bá Khoản. Ngày Xuân, dạo bước trên con phố nhỏ xinh này, lòng người lại như thầm nhắc nhớ câu thơ:

“Ngoài phố mưa bay: Xuân bốc rượu,

Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê…”.

Vang vọng…

Đó là hai câu thơ trong bài “Vọng nhân hành” được Thâm Tâm viết và đăng trên “Tiểu thuyết thứ Bảy” - nguyệt san số 2, 1944. Mỗi dịp tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam luôn chọn tuyệt bút ấy để tôn vinh trên Đường thơ tụ hội các tài thơ ở mọi thời đại của đất nước.

Nhất là, Ngày Thơ Việt Nam năm 2010, mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, hai câu thơ này là một trong 50 câu thơ hay được thả lên trời và khắc trên gốm để đưa vào Bảo tàng Văn học Việt Nam lưu niệm.

“Việc gắn biển tên phố các danh nhân là niềm vinh dự, khẳng định trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, chính quyền trong công tác quản lý và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Bởi vậy, cần tăng cường tuyên truyền về truyền thống lịch sử làng Hạ Yên Quyết; thân thế, sự nghiệp, công lao đóng góp của các danh nhân Nguyễn Xuân Nham và Thâm Tâm tới nhân dân, chăm lo cho tuyến phố ngăn nắp sạch đẹp, văn minh, xứng đáng là tuyến đường được mang tên các danh nhân có công lao to lớn trong lịch sử dân tộc và sự phát triển của đất nước”. Bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội

Chẳng những thế, nhiều cây bút viết phê bình văn học cũng lấy hai câu thơ này làm minh chứng cho một hồn thơ Thâm Tâm có: “Cốt cách cổ điển, đẫm khí vị bi phẫn giang hồ của một thời đã xa trong lịch sử ở ta hay ở một chân trời khơi gợi những Tần Hán xa vời.

Giọng thơ rắn rỏi, tức tưởi. (…) Hãy xem nhà thơ lãng mạn Việt Nam thời Thơ mới múa bút bên sông Hồng kiểu Kinh Kha múa gươm bên sông Dịch: “Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch/ Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề”/ Ngoài phố mưa bay: Xuân bốc rượu/ Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê…”, như nhà thơ Vũ Quần Phương từng bình luận.

Rồi từ phố Thâm Tâm, thầm vang trong lòng:

“Đưa người, ta không đưa qua sông,

sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,

sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”.

Đó là những câu thơ thuộc nằm lòng với bao thế hệ học trò, có lẽ phần nhiều cũng đã bước vào U40, U50. Cũng vì, đến thế hệ học sinh học sách giáo khoa thuộc Chương trình GDPT 2006 thì bài thơ này không còn là ngữ liệu trong sách Ngữ văn.

Mới đây, chị Nguyễn Mỹ Trang, cháu nội của nhà thơ Thâm Tâm mừng vui công bố: “Sau nhiều năm dành tâm sức sưu tầm tất cả các cuốn “Tiểu thuyết thứ Bảy”, tuần báo ra đời năm 1934 (sự nỗ lực phi thường của cháu rể cùng bạn bè là các nhà sưu tầm sách trong và ngoài nước), và đến hôm nay “kho báu đã được tìm thấy” - lần đầu tiên gia đình được cầm trên tay hai số báo lịch sử có in bài thơ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm và “Hai sắc hoa “Ti-gôn”…”.

Bình gốm in tuyệt bút của nhà thơ Thâm Tâm được nghệ nhân tặng gia đình ông Nguyễn Tuấn Khoa. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa

Bình gốm in tuyệt bút của nhà thơ Thâm Tâm được nghệ nhân tặng gia đình ông Nguyễn Tuấn Khoa. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa

Ngay sau đó, ông Nguyễn Tuấn Khoa – con trai duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm đưa ra những so sánh về sai khác của “Tống biệt hành” từ bản gốc in trên “Tiểu thuyết thứ Bảy” số 325, ngày 7/9/1940 và bản in sau này (NXB Hội Nhà văn, SGK…) và khổ cuối in trên các tạp chí miền Nam trước 1975, Ngọc Thiên Hoa.

Bên cạnh một số sai khác có thể đã được chính Thâm Tâm đồng ý, ông Khoa đặc biệt lưu tâm về sự sai khác các chữ “ngươi” và “người” ở 2 khổ thơ giữa: “2 khổ đầu dùng chữ “người”, như lời kể về cuộc chia ly của một người khách quan.

Người ở đây là một người nào đó, người ấy, một ly khách… Đến 2 khổ thơ giữa, Thâm Tâm viết “ngươi”, “ta” với “ngươi”, nghĩa là đối thoại giữa 2 người trực tiếp, ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai, có thể hiểu là độc thoại của người đi với lòng mình. Ở khổ thơ cuối không còn “ta” và “ngươi” nữa, chỉ còn tiếng lòng của người đi, của ly khách đã ra đi từ “chiều nao” thôi. Tức là quay về với mạch thơ của 2 khổ đầu”.

Và, thư thái dạo bước trên phố Thâm Tâm, ông Khoa xúc động chia sẻ: “Các lớp con cháu ngày nay phần lớn biết tới Thâm Tâm với bài thơ “Tống biệt hành” và câu chuyện huyền thoại “Hai sắc hoa Ti-gôn”.

Thời gian qua, gia đình đã được mách bảo, động viên và giúp đỡ tìm lại được nhiều di cảo của Thâm Tâm, từ thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch và tranh sáng tác từ 1935 - 1948. Các tác phẩm mô tả thân phận con người trong thời Pháp thuộc, khát vọng thay đổi và ý chí “lên đường”.

Di sản đồ sộ ấy Thâm Tâm đã để lại cho con cháu, cho quê hương, cho Hà Nội, cho nền văn học nghệ thuật nước nhà đúng dịp Thâm Tâm được vinh danh, đặt tên phố ở Hà Nội. Niềm tự hào và vinh dự của con cháu Thâm Tâm như được nhân đôi”.

…đến hôm nay

Bản in bài 'Vọng nhân hành' của nhà thơ Thâm Tâm trên Tiểu thuyết thứ Bảy - nguyệt san số 2, 1944. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa

Bản in bài 'Vọng nhân hành' của nhà thơ Thâm Tâm trên Tiểu thuyết thứ Bảy - nguyệt san số 2, 1944. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa

Lễ gắn biển phố Thâm Tâm được quận Cầu Giấy tổ chức trang trọng cùng với lễ gắn biển phố Nguyễn Xuân Nham, diễn ra vào ngày cuối tuần - thứ Bảy, 20/1. Dịp này, không chỉ gia đình của nhà thơ Thâm Tâm, mà còn có nhiều người yêu mến tài thơ của thi nhân cũng đến dự để được cùng dạo bước trên con phố vinh dự mang tên ông.

Với chị Ngô Thị Hòa, đây là một cơ duyên khi chị được tiếp cận với cháu nội Mỹ Trang và con trai duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm, được tham gia cùng gia đình một số hoạt động tri ân đầy ý nghĩa.

Quá trình này giúp chị hiểu ra nhiều điều, nhất là trên chuyến xe lên Cao Bằng được nghe ông Nguyễn Tuấn Khoa đọc thơ của thi nhân, nói về sự ra đời của bài “Tống biệt hành” và nhắc đến huyền thoại văn chương “Hai sắc hoa Ti-gôn”.

“Tôi được cảm nhận, học thêm và ngày càng yêu những áng thơ đó, thấy mình làm được những việc gì đó rất quý giá. Đến buổi lễ này, tôi rất cảm xúc khi dạo bước trên phố Thâm Tâm thật nhẹ nhàng, tao nhã khi xung quanh là những công viên, trường học và các phố gắn liền với các văn nghệ sĩ như: Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Tú Mỡ, Nguyễn Bá Khoản.

Mong rằng, từ việc Hà Nội có phố Thâm Tâm mọi người sẽ biết nhiều hơn về những bài thơ, bài văn, truyện ngắn của thi nhân”, chị Hòa vừa bày tỏ, vừa nhẩm đọc những câu thơ trong bài “Tống biệt hành” mà chị may mắn đọc được từ bản in gốc trong “Tiểu thuyết thứ Bảy” mà gia đình nhà thơ vừa tìm lại được:

“Ta biết ngươi buồn đêm hôm trước.

bây giờ mùa hạ sen nở nốt,

một chị, hai chị cùng như sen,

khuyên nốt em trai bằng lệ sót…

Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay.

giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,

em nhỏ ngây thơ đôi mắt ướt,

gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...”.

Là một trong những gia đình được gắn biển số nhà trên phố Thâm Tâm, bà giáo Nguyễn Thị Thuận cho biết, đó là niềm vinh hạnh và cảm động. Nhà bà Thuận ở trên khu đất tập thể giáo viên Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp nghề của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngay trên con phố này.

“Khi được ở trên một con phố gắn biển tên người có công đóng góp cho cách mạng từ thuở ban đầu như nhà thơ Thâm Tâm nổi tiếng với bài “Tống biệt hành”, tôi rất xúc động. Cũng bởi lẽ, để có được độc lập tự do, có được sự yên lành như bây giờ chúng ta luôn biết ơn và cần tri ân tới các bậc lão thành cách mạng như ông – một thế hệ đã không quản ngại gian khó, hy sinh để giành độc lập cho đất nước”, bà Thuận nói.

Thầy giáo Thái Vĩnh Hiển (nguyên giảng viên Đại học Bách khoa) cũng bày tỏ niềm tự hào khi được sống trên con phố mang tên nhà thơ Thâm Tâm. Ông Hiển chia sẻ bản thân biết về thi nhân từ thời học phổ thông, qua bài thơ nổi tiếng “Tống biệt hành”.

Bản chụp so sánh của ông Nguyễn Tuấn Khoa về sai khác của 'Tống biệt hành' từ bản gốc in trên Tiểu thuyết thứ Bảy số 325, ngày 7/9/1940 và bản in sau này. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa
Bản chụp so sánh của ông Nguyễn Tuấn Khoa về sai khác của 'Tống biệt hành' từ bản gốc in trên Tiểu thuyết thứ Bảy số 325, ngày 7/9/1940 và bản in sau này. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa

Từ đó, ông đã tìm hiểu và biết được từ xuất xứ, gốc gác đến quá trình hoạt động cách mạng của thi sĩ, chiến sĩ Thâm Tâm - người trai trẻ tham gia nhập ngũ và mất ở Cao Bằng khi mới 33 tuổi nhưng để lại cho đời nhiều trang thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết.

Nhiều tác phẩm của Thâm Tâm sau này được người con trai Nguyễn Tuấn Khoa dành nhiều tâm sức sưu tầm, tìm hiểu, thu thập và tập hợp thành các tuyển tập… Nhờ thế mà người đọc hôm nay được tiếp cận và thấy được một Thâm Tâm dù tuổi còn trẻ nhưng rất có ý chí, một lòng vì dân, vì nước. Các tác phẩm đó cũng mang lại cho thế hệ sau những bài học kinh nghiệm cuộc sống rất sâu sắc.

“Khi được sống ở ngôi nhà nằm trên phố Thâm Tâm tôi thấy rất tự hào và thêm quý trọng nhà thơ. Ở tuổi chúng tôi có thể hình dung được song đến con cái dù đã trưởng thành, ngoài 40 - 50 tuổi nhưng vẫn không thể hiểu và biết được gốc gác của các vị tiền bối này.

Vì vậy, chúng tôi cần làm công tác tư tưởng cho con cháu, cho bà con lối xóm xung quanh hiểu được thêm lối sống, sự nghiệp của nhà thơ Thâm Tâm nói riêng và nhiều nhà thơ chiến sĩ khác nói chung, từ đó phục vụ đời sống tinh thần tốt hơn.

Ngoài ra, tuyến phố này hiện nay còn có nhiều đoạn cho đỗ ô tô bên đường, cần được quản lý tốt hơn. Tôi mong cơ quan chức năng động viên, hoặc chỉ đạo sát sao hơn để môi trường của đường phố sạch đẹp hơn”, thầy Hiển nhấn mạnh.

“Để vinh danh những cống hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật và đóng góp hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, năm 2004, Hải Dương, quê hương, nơi Thâm Tâm sinh ra và lớn lên, đã đặt tên phố Nguyễn Tuấn Trình (Thâm Tâm).

Năm ngoái, Cao Bằng, nơi Thâm Tâm hy sinh trong chiến dịch Biên giới năm 1950, đã đưa tên Thâm Tâm vào ngân hàng tên phố để chuẩn bị phê duyệt.

Hà Nội là nơi Thâm Tâm trưởng thành, bắt đầu các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật; cũng là nơi Thâm Tâm tham gia Văn hóa Cứu quốc, Cách mạng tháng Tám và kháng chiến; là nơi cả dòng họ đã về sinh sống từ đầu những năm 30 thế kỷ trước. Việc đặt tên phố Thâm Tâm ở Hà Nội ghi nhận sự vinh danh Thâm Tâm đối với Thủ đô, với đất nước.

Thưa cha!

Vào một ngày mùa Đông năm 1946, cha đã rời Hà Nội ra đi kháng chiến. Và hôm nay, các con cháu và cả dòng họ, đã cùng với nhân dân Hà Nội đón cha về!”.

(Trích lời phát biểu tại lễ gắn biển phố Thâm Tâm của ông Nguyễn Tuấn Khoa, con trai nhà thơ Thâm Tâm)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ