Từ ôsin thành sinh viên xuất sắc Australia

Sau 7 năm giúp việc, sống lang thang dưới gầm cầu Hà Nội, Đặng Hương may mắn được du học nước ngoài và đạt thành tích đáng tự hào.

Đặng Thị Hương được Thủ hiến bang Victoria Denis Napthine trao chứng nhận danh hiệu Sinh viên quốc tế xuất sắc của năm 2013.
Đặng Thị Hương được Thủ hiến bang Victoria Denis Napthine trao chứng nhận danh hiệu Sinh viên quốc tế xuất sắc của năm 2013.

- Chào chị Đặng Hương! Chị có thể chia sẻ một chút về hoàn cảnh gia đình, lý do chị phải đi giúp việc từ khi còn rất nhỏ?

- Mình sinh ra trong gia đình làm nghề nông ở thôn Bì La, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Bố mất sớm, một mình mẹ phải nuôi 3 anh em trong căn nhà đắp đất. Mỗi lần mưa, mấy mẹ con lại phải chui xuống gầm bàn để tránh tường bị sập. Hết lớp 7, mình phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Năm 1999, mình bắt đầu lên Hà Nội làm người giúp việc lấy tiền giúp mẹ trang trải cuộc sống. 

Khi đó mình chỉ là một cô bé 13 tuổi, cao 1m3,  nặng 27kg, chưa bao giờ phải xa gia đình trong một quãng thời gian dài. Đây là hành trình đầu tiên và cũng là chuyến đi đáng sợ nhất của mình. Nhưng nếu không có sự ra đi này, có thể mình sẽ mãi ở quê và không biết khi nào có cơ hội thay đổi cuộc đời.

- Thời gian đi giúp việc, chị đã phải làm những công việc nào?

- Công việc đầu tiên mình làm là trông một em bé 4 tháng tuổi và làm một số việc nhà từ sáng đến 12 giờ đêm. Toàn bộ số lương 150.000đ/tháng mình gửi về để mẹ chi trả sinh hoạt, đóng học phí cho anh trai, em gái.

Việc hòa nhập cuộc sống đô thị với mình không dễ dàng. Một đứa trẻ 13 tuổi phải học cách làm người lớn, phải đối nhân xử thế sao cho vừa lòng chủ nhà. Mỗi khi gặp phải gia đình không tốt hoặc nhà giàu sang quá, mình rất căng thẳng. Việc bị nhà chủ quát mắng tạo cho mình tính tự ti, lo sợ. Những lần chuyển tới một gia đình mới mình vô cùng mệt mỏi vì không biết ngày mai sẽ ra sao.

- Tháng tiền lương đầu tiên đi giúp việc chị dùng vào việc gì?

- Hồi đó, mẹ xuống Hà Nội lấy tiền lương giúp việc của mình về mua xe đạp cho anh trai đi học. Tuy không được tiêu số tiền này nhưng mình thấy rất hạnh phúc vì có thể giúp mẹ một phần nhỏ.

Mình cũng chẳng thể quên lần cầm 200 nghìn đầu tiên về quê. Khi đó ngồi trên ô tô khách với đủ các thành phần dân lao động, nhìn ai, mình cũng thấy họ giống kẻ gian, trong đầu luôn nghĩ tất cả đều biết mình có tiền trong túi xách. Do bị say xe nên mình càng lo lắng. Đến lúc mệt lử, không giữ nổi túi nữa, trong đầu chỉ còn nỗi sợ bị ai đó lấy mất tiền. Có bác hỏi mình quê quán ở đâu, sao say xe mà đi một mình, mình vội trả lời: “Cháu là sinh viên học ở Hà Nội, hết tiền nên về quê xin bố mẹ”. 

Đặng Thị Hương, sinh viên xuất sắc tại Australia từng làm osin và là trẻ lang thang ở Hà Nội.
Đặng Thị Hương, sinh viên xuất sắc tại Australia từng làm osin và là trẻ lang thang ở Hà Nội. 

- Vì sao đang đi giúp việc, chị lại thành trẻ lang thang sống ở gầm cầu thang Hà Nội?

-  Trong thời gian giúp việc, mình may mắn được một gia sư xin cho học bổ túc trong trung tâm giáo dục thường xuyên. Lúc đó vui lắm vì không nghĩ rằng mình có thể tiếp tục đến trường. Học được 2 tháng, mình thường bị chủ nhà la mắng vì dành thời gian làm bài, học khuya. Khi đề xuất nghỉ việc, họ đuổi ngay mình ra khỏi nhà dù biết mình không có họ hàng, người quen, chỗ ở.

Từ đó, mình thành trẻ lang thang, sống dưới gầm cầu thang khu ổ chuột. Gần 2 năm sống tại đây là khoảng thời gian thật tồi tệ. Khu ổ chuột này hội đủ các thành phần xã hội, từ cửu vạn, nghiện ngập, trộm cắp... Thời gian này, mình phải dậy từ 2 giờ sáng để thổi xôi đi bán, chiều bán bánh ngô, tối học bổ túc xong lại bán bánh tới 11 -12 giờ đêm.

Một số người luôn muốn đuổi mình đi để chiếm chỗ bán hàng. Họ mắng chửi, doạ nạt, thậm chí đổ hết rác lên chỗ mình ngồi. Lúc đó, mình không thể phản ứng gì mà chỉ im lặng chịu đựng. Mỗi ngày, mình đều sợ bị công an xua đuổi, sợ thanh niên trêu trọc, sợ phải ăn mì tôm không... Va vấp nhiều với các tầng lớp xã hội khiến mình càng mất niềm tin ở con người.

- Đã bao giờ chị than trách vì gia đình nghèo khó hay muốn chạy trốn gánh nặng nuôi cả gia đình?

- Mình thường tủi thân và khóc rất nhiều vì bị nghỉ học sớm, phải gồng mình kiếm tiền nuôi gia đình. Tuy nhiên, mình chưa từng than trách bố mẹ nghèo khó. So với nhiều người, có thể mình quá khổ, nhưng với không ít em bé mồ côi, ít nhất mình vẫn có một gia đình với mẹ, anh trai, em gái.

Tình yêu và sự hy sinh của mẹ suốt bao năm vất vả nuôi 3 anh em là động lực giúp mình vượt qua khó khăn, không ngừng cố gắng. Ngoài ra, mình cũng luôn tin rằng chỉ có học hành mới là chìa khóa để thay đổi cuộc sống.

Không đổ lỗi cho hoàn cảnh, luôn cố gắng, có tránh nhiệm với bản thân, yêu thương gia đình là những gì Đặng Thị Hương luôn ghi khắc trong lòng.
Không đổ lỗi cho hoàn cảnh, luôn cố gắng, có tránh nhiệm với bản thân, yêu thương gia đình là những gì Đặng Thị Hương luôn ghi khắc trong lòng. 

- Làm thế nào từ một trẻ lang thang, chị lấy được học bổng du học rồi thành sinh viên xuất sắc tại Australia?

- Năm 2007, sau gần 2 năm sống dưới gầm cầu thang, mình may mắn được nhận vào Koto - một doanh nghiệp xã hội chuyên đào tạo nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn cho trẻ đường phố . Đây là một bước ngoặt lớn nhất thay đổi không chỉ cuộc đời mình mà còn cả gia đình.

Sau khóa học tại Koto, mình xin được việc tại khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake. Do muốn học hỏi các lĩnh vực mới, mình xin nghỉ ở khách sạn, trở lại Koto. Đầu năm 2012, mình may mắn được lựa chọn là 1 trong số hơn 400 học viên tốt nghiệp KOTO, nhận học bổng toàn phần chương trình Quản trị Kinh doanh tại học viện Box Hill. Đây thực sự là một bước ngoặt tuyệt vời, mở thêm cho mình nhiều cơ hội mà bản thân chưa từng nghĩ tới.

Tại đây, mình chăm chỉ học hành, tham gia các hoạt động cộng đồng rồi nhận được danh hiệu sinh viên Việt Nam duy nhất và đầu tiên nhận đúp hai giải thưởng: Sinh viên quốc tế xuất sắc năm 2013 bang Victoria; Sinh viên quốc tế xuất sắc của năm 2013 do Thủ hiến bang Victoria Denis Napthine trao tặng. Được đại diện cho các bạn du học sinh Việt Nam nhận giải thưởng danh giá ấy, mình thấy thật hạnh phúc, nhẹ lòng.

- Nhìn lại chặng đường vất vả và những thành tích đạt được, chị có suy nghĩ gì?

- Chặng đường đã qua giúp mình nghiệm ra cuộc đời mình là một con tàu, chính mình đã lchèo lái nó với tất cả khó khăn, thất vọng, khát vọng, niềm tin và tình yêu thương của mẹ, anh em, bạn bè. Mình nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn có thể tự làm chủ cuộc đời và hoàn toàn có thể thay đổi nếu thực sự muốn. Đói nghèo có thể làm con người ta bỏ cuộc nhưng cũng có thể làm ta kiên cường hơn. Mình tự hào vì được sinh ra trong nghèo đói để có nhiều trải nghiệm và học được hai chữ chia sẻ.

Mình mong rằng các bạn trẻ hãy phấn đấu hết mình, có trách nhiệm với bản thân và nghĩ tới kết quả của từng hành động. Đừng bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh và cuối cùng, xin hãy yêu thương bố mẹ các bạn nhiều hơn, xem họ là hành trang để không bao giờ cho phép mình bỏ cuộc.

Lý lịch trích chéo
Tên cúng cơm: Đặng Thị Hương
Ngày sinh: 10/9/1986

Sinh viên Học viện Box Hill, Australia; tình nguyện viên của Koto Quốc Tế tại Melbourne, Australia; nhân viên Khách Sạn Sofitel Melbourne on Collins.

Thành tích:

- Đại sứ Sinh Viên Quốc Tế 2013 - 2014 của Học Viện Box Hill.

- Sinh viên xuất sắc quốc tế của năm dành cho bậc đại học, bang Victoria, Australia.

- Sinh viên xuất sắc quốc tế của năm tại bang Victoria do thủ hiến bang trao tặng. 
Theo iOne

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ