Từ ngày mai 25/12, Hà Nội thí điểm mở rộng không gian phố đi bộ

GD&TĐ - UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, từ ngày mai 25/12 sẽ triển khai thử nghiệm việc mở rộng không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội. Dự kiến, từ ngày 1/1/2021, quận sẽ chính thức triển khai hoạt động này.

Từ ngày mai 25/12, Hà Nội thí điểm mở rộng không gian phố đi bộ

UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, từ ngày 25/12/2020 sẽ triển khai thử nghiệm việc mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm. Sau thời gian triển khai thử nghiệm và giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, từ ngày 1/1/2021, quận sẽ chính thức triển khai hoạt động này.

Theo đó, phạm vi không gian đi bộ mở rộng phía Nam khu phố cổ kết nối với phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm gồm 8 phố cụ thể là Hàng Dầu, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Bạc, Đinh Liệt, Gia Ngư, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng (gồm phố Ô Quan Chưởng và khu vực ngã tư Hàng Chiếu - Thanh Hà) và 3 ngõ Cầu Gỗ, Trung Yên, Phất Lộc.

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, kế hoạch dự kiến, thời gian hoạt động khu vực này được tiến hành như tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội, đó là vào 3 tối cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật), từ 19h đến 24h vào mùa hè và từ 18h đến 24h vào mùa đông.

Quận Hoàn Kiếm sẽ cho mở cửa các di tích lịch sử văn hóa trong khu vực để phục vụ khách tham quan các chương trình biểu diễn nghệ thuật vào ban đêm. Cụ thể, tại Ô Quan Chưởng và đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc) có hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống; ngã tư Đinh Liệt - Gia Ngư sẽ biểu diễn âm nhạc đương đại...

Quận Hoàn Kiếm cũng đã có phương án giao thông hợp lý, bảo đảm thuận lợi cho người dân tham gia giao thông, không gây ùn tắc và xung đột giao thông trong những ngày, những múi giờ không gian đi bộ hoạt động.

Cụ thể, quận sẽ tổ chức cấm các phương tiện giao thông hoạt động trên 8 phố: Hàng Dầu, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Bạc, Đinh Liệt, Gia Ngư, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng (gồm phố Ô Quan Chưởng và khu vực ngã tư Hàng Chiếu - Thanh Hà) và 3 ngõ Cầu Gỗ, Trung Yên, Phất Lộc; tổ chức các chốt trực để phân vùng giữa không gian đi bộ và đường giao thông.

Người dân trong không gian đi bộ sẽ được gửi xe miễn phí tại khu vực gầm cầu Chương Dương hoặc được phép dắt xe vào và phải để trong nhà. Đối với du khách sẽ gửi phương tiện tại các điểm trông giữ đã được bố trí.

Không gian đi bộ Hà Nội bắt đầu được tổ chức hoạt động từ năm 2004 với mục tiêu hình thành thói quen đi bộ, nơi sinh hoạt cộng đồng và phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa.

Sau tuyến phố đi bộ đầu tiên gồm trục Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường lên đến chợ Đồng Xuân thì đến năm 2014, 6 tuyến phố đi bộ gồm Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ đã được triển khai.

Từ năm 2016, triển khai không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận với phạm vi tổng cộng khoảng 6,5 km đường dành cho việc đi bộ trên 16 tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Đinh Tiên Hoàng), Hàng Khay, Lê Thái Tổ (một nửa đường), Lò Sũ, Hàng Dầu, khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trần Nguyên Hãn (từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Gai đến Lê Thái Tổ), một phần Bảo Khánh, Tràng Thi, Hàng Trống, Hồ Hoàn Kiếm.   

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.