Với ký ức thâu nạp trong từng chuyến đi, họa sĩ Vũ Đình Lương đã biến hóa vào tranh màu nước và tranh sơn mài. Từ đó, anh mở rộng không gian với các vùng miền trong và ngoài nước: Cảnh chùa Hàn Sơn nổi tiếng bóng nắng ban trưa, ngõ nhỏ Thượng Hải, Thạp Luổng nước Lào hay cảm tác đền đài xứ Miên…
Tiếng chuông vọng lại
Năm 2018, công chúng từng biết đến triển lãm “Từ làng ra phố”, với 36 tác phẩm (18 màu nước tranh giấy, 9 sơn mài, 9 sơn dầu, acrylic). Câu chuyện làng và phố được họa sĩ Vũ Đình Lương kể hồn nhiên giản dị như những trải nghiệm của chính tác giả - một người từ làng ra phố.
Họa sĩ quê Hà Nội, nhưng anh có cả tuổi thơ sống tại vùng ngoại thành. Ký ức về làng và phố luôn song hành, thôi thúc và lớn dần để anh gửi gắm vào trong tranh những thao thiết một thời trước cái phũ phàng của thời gian.
Làng Quỳnh Lôi (quê nội) hay làng Giáp Nhị (quê ngoại), cả hai làng cổ kính qua nhiều thăng trầm đã thành phố Quỳnh, phố Giáp Nhị. Hồn cốt của làng hầu như không còn, giờ tất cả đã bê tông nhà ống, chen chúc nhấp nhô. Những mương nước, những hồ ao, vườn rau xanh… chỉ còn là dĩ vãng. Mỗi bức tranh của Vũ Đình Lương là một câu chuyện nhỏ, một cảm xúc bất chợt.
Là họa sĩ làm báo, đi và quan sát, không gian làng và phố của anh được mở ra qua rất nhiều vùng miền từ Bắc tới Nam. Những cảnh rất quen thuộc như cánh đồng không trồng cấy, khu tập thể cũ mà anh đã vẽ, và biết rằng một mai nó sẽ không còn nữa. Đô thị hóa sẽ tràn về, lấy đất lấy ruộng làm chung cư, nhà xưởng. Biệt thự cũ bị biến thành khu tập thể rồi mai đây sẽ bị thôn tính và xây lại.
Họa sĩ muốn lưu giữ hình ảnh những năm đầu thế kỷ 21 với những thay đổi cũ mới đan xen trong đời sống làng và phố. Anh đã sử dụng sơn mài như một chất liệu phù hợp với phong cảnh nông thôn, để chuyển tải câu chuyện làng và văn hóa làng bằng tranh.
Tranh của Vũ Đình Lương gợi nhiều hơn tả, ấn tượng chủ nghĩa cả trong sơn mài. Tranh màu nước nhẹ nhàng, đôi chỗ bảng lảng mây nước cây lá. Tranh sơn dầu, acrylic mạnh mẽ, ấn tượng rõ hơn. Với triển lãm đầu tay được ví “rộn ràng như tiếng pháo” bằng cả 3 chất liệu tung tẩy - “Từ làng ra phố” đã trình làng một cuộc chơi đa chất đầy táo bạo nhưng cũng hồn nhiên. Để rồi bốn năm sau, “Miền ký ức” tràn về như một tiếng chuông vọng lại từ thời xa vắng.
Họa sĩ Vũ Đình Lương sáng tạo trên nhiều chất liệu khác nhau. |
Đối lập chất liệu
Họa sĩ Vũ Đình Lương (1972), tốt nghiệp Khoa Tạo dáng công nghiệp (DESIGN) - Viện Đại học Mở Hà Nội. Họa sĩ hoạt động trong lĩnh vực thiết kế đồ họa và xuất bản tại Hà Nội, vẽ tranh nhiều chất liệu: Sơn mài, sơn dầu, màu nước, phấn màu...
Bộ sưu tập mới với hơn 20 bức sơn mài các cỡ, cùng hơn chục bức màu nước và các thể loại khác. “Miền ký ức” sẽ ra mắt công chúng vào ngày 6/8 tới đây tại Nhà triển lãm Mỹ thuật Ngô Quyền (Hà Nội).
Tranh sơn tĩnh vật rực rỡ, ngõ quê góc phố bình lặng nao lòng. Ấn tượng hơn cả là các tranh chất liệu sơn mài vẽ quê hương đất nước con người Việt Nam mà Vũ Đình Lương đã say sưa tìm đề tài và cách thể hiện.
Một ngày tháng 6 nắng chói chang, không gian đường quê tĩnh lặng có cảm giác xuyên không mấy trăm năm. Nét cổ xưa làng Việt vùng Bắc Bộ với cổng chính đi vào ngôi từ đường có 3 chữ “Đồng nhân cát” - ý muốn ai qua cổng đều tốt như lời chúc.
Bên phải cổng nhà ông Lý cựu xưa, ông Lý chức trưởng làng dân bầu lo việc làng việc nước không nằm trong ngạch viên chức, trên cổng nhà có chữ “Thanh phong minh nguyệt” tỏ cái ý trăng thanh gió mát vào nhà.
Từ tranh thiếu nữ, hoa sen, phong cảnh, tôn giáo, sinh hoạt… với những gam màu đằm thắm và sắc thái khác nhau. Vũ Đình Lương muốn mang cả không gian Việt và tình cảm Việt vào tranh. Mỗi bức sơn mài là cả một miền sáng tạo và khám phá chất liệu.
Trong các tác phẩm, họa sĩ dùng các thủ pháp và kỹ thuật khác nhau, cùng là cách vẽ không gian ước lệ đồ họa hai chiều, một số ít có kết hợp không gian 3 chiều, cho người xem thấy cách kể chuyện bằng hình khá phong phú đa đạng.
Xem tranh không quá tân kỳ phô diễn kỹ thuật, không quá ẩn ý khó hiểu, công chúng thấy một sự bình lặng tĩnh tại đằm thắm, dày chất lắng gợi không gian và suy tưởng. Sen là đề tài yêu thích có sự khác biệt đến ngỡ ngàng về sáng tác và cảm thụ.
Vẫn là vàng son trai trứng, cùng là ánh trai biến ảo thành không gian sáng sau thân người thiếu nữ - có khi biến hóa trong tấm áo dài hoa nhiều màu, những ngõ quê xôn xao. Họa sĩ đã dày công cảm nhận và biến hóa chất liệu trong sơn mài đa chất và đa diện.
Lấy cảm hứng từ sự tích sư Vô Úy xin sư Vô Trấp được vân du thiên hạ mở rộng sự học và đường tu. Vũ Đình Lương “xin chép lại” bài “Cư trần lạc đạo phú” theo thể khải thư chân phương thành bức tranh mang đậm chất Đông phương. Nhà sư và con hổ ở rừng trúc, với chất liệu sơn mài huyền bí đã khiến cả cảnh vật và thơ đều trở nên tĩnh mịch và ảo diệu hơn.
Nhiều người lần đầu ngắm tranh của Vũ Đình Lương sẽ có chút ngỡ ngàng, không biết đây là một cá nhân hay một nhóm tác giả - khi thấy trong một triển lãm có cả màu nước và sơn mài. Sự đối lập về chất liệu cùng cực, màu nước nhẹ nhàng phóng túng, sơn mài thì đanh dày chất khí. Tất cả những điều này lại được dung nạp ở một tác giả.
Trong lúc mài tranh sơn mài vất vả của một việc thổ mộc lại có sự bay bổng và bảng lảng của màu nước. Dưới lớp nước, sơn mài được cảm thụ thành tầng thành lớp và thành chất của sơn mài lạc vào vùng trời mây trôi.