Chiến tranh đã đi qua nhưng sự ác liệt và những vết thương mà nó để lại thì không thể nào đong đếm.
Đề tài này đã được đề cập trong nhiều tác phẩm điện ảnh, mỗi tác phẩm một cách kể, một cách tiếp cận khác nhau, đều mang đến cho người xem nhiều cảm xúc.
“Đường thư” - câu chuyện mới mẻ được mang tới từ những người trẻ
“Đường thư” chọn kể câu chuyện nhỏ giản dị về những người chiến sĩ quân bưu, nhưng trong mỗi lá thư nhỏ ấy, có những câu chuyện cảm động và có cả sự khốc liệt, mất mát, hy sinh của chiến tranh.
Nhân vật chính trong phim “Đường thư” là Tân và An, được cấp trên giao nhiệm vụ chuyển một bức thư hỏa tốc cùng thư từ ở hậu phương lên cho anh em trên cao điểm 861 đang bị địch vây hãm bốn phía.
Vượt qua những bãi mìn, những ổ phục kích, chứng kiến những mất mát hy sinh của đồng đội, cuối cùng hai chiến sĩ quân bưu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sự thay đổi trong suy nghĩ của chàng lính trẻ tên An, cùng hình ảnh người chiến sĩ tên Tân đã nói lên tinh thần chiến đấu cao cả dù trên bất cứ đâu của anh bộ đội cụ Hồ.
Một đề tài hoàn toàn mới, chưa từng xuất hiện trong phim điện ảnh đã được mang tới bởi một ekip làm phim rất trẻ lúc bấy giờ. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khi ấy mới ngoài 30, còn diễn viên Tuấn Tú, lúc ấy vừa nhập học trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, chưa từng có kinh nghiệm diễn xuất.

Kể về dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của mình, diễn viên Tuấn Tú vẫn còn nhớ như in mối lương duyên giúp anh vào vai chính - chiến sĩ Hoàng An.
Khi ấy Tuấn Tú là sinh viên năm nhất, đang học quân sự tại trường thì đạo diễn Bùi Tuấn Dũng tới chọn diễn viên. Ngay khoảnh khắc thấy Tuấn Tú phóng xe máy qua, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã khẳng định “Đây chính là Hoàng An”.
Và chính người đạo diễn “hiền nhất, nhẹ nhàng nhất mà Tuấn Tú từng làm việc cùng” đã giúp anh tỏa sáng cùng vai diễn trong Đường thư.
Những sự thật đến giờ mới kể về phim điện ảnh “Đường thư”
20 năm đã trôi qua, ekip làm phim Đường thư, từ những người trẻ tuổi, thậm chí có người lần đầu chạm ngõ điện ảnh, giờ cũng đã trở thành những nhà làm phim, những diễn viên để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Thế nhưng quay ngược thời gian, những ký ức về buổi làm phim ban đầu ấy vẫn hiện lên rất rõ.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống tham gia quân đội, vì vậy phim Đường thư có một ý nghĩa rất lớn với anh.
Bức thư mà người anh trai liệt sĩ từng gửi về cho gia đình cũng được anh sử dụng trong phim và hình ảnh người mẹ đợi con được anh lấy ý tưởng từ chính mẹ của mình.

Dù kinh phí sản xuất phim hạn hẹp, nhưng vượt lên những khó khăn, ekip làm phim đã mang đến những hình ảnh chân thực nhất, phản ánh sự khốc liệt của chiến tranh.
Với quay phim Vũ Đức Tùng, phân đoạn khiến anh nhớ nhất chính là khi một chiến sĩ đang hấp hối, nghe các đồng đội đọc thư mà vợ con gửi đến. Ngay chính anh khi quay cảnh đó cũng đã khóc.
Còn với diễn viên Tuấn Tú, anh nhớ lại kỷ niệm suýt bị một hòn đá rơi trúng khi quay cảnh 2 chiến sĩ Tân và An chiến đấu với quân địch. Thế nhưng bất ngờ là sau 20 năm, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã bật mí, viên đá tưởng suýt rơi trúng mặt Tuấn Tú ấy, thực ra lại là… bánh mỳ.
Đội ngũ họa sĩ của phim đã khéo léo phun sơn lên bánh mỳ để tạo hiệu ứng hình ảnh như thật. Cũng có lẽ vì thế mà phản ứng sợ hãi của Hoàng An trong “Đường thư” mới chân thực đến thế.

Lần đầu mang hình ảnh người chiến sĩ quân bưu lên màn ảnh, chọn một cách kể không rườm rà, không triết lý, Đường thư ghi dấu bằng sự mộc mạc, giản dị và đầy xúc động như chính những dòng thư trong thời chiến.
Có lẽ cũng chính vì thế mà sau 20 năm, phim điện ảnh Đường thư vẫn luôn được khán giả đón nhận, yêu mến.