Ninh Bình đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện ngành giáo dục

GD&TĐ - Xây dựng nền giáo dục thông minh là mục tiêu ngành GD&ĐT Ninh Bình đang hướng tới.

Mô hình lớp học thông minh tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông.
Mô hình lớp học thông minh tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông.

Hòa cùng không khí thi đua sôi nổi hướng về Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VIII, ngành Giáo dục tỉnh Ninh Bình đang từng bước khẳng định tinh thần đổi mới, sáng tạo và quyết tâm chuyển đổi số toàn diện.

Mô hình lớp học thông minh

Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (Đông A, Ninh Bình) là một trong những đơn vị tiên phong năng động triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong dạy học và quản lý.

Hiện trường đã triển khai 2 lớp học thông minh ở khối lớp 2 và lớp 3 với đầy đủ thiết bị hiện đại như bảng tương tác, máy chiếu, máy tính bảng cho học sinh, cùng mạng internet tốc độ cao.

“Giáo viên được nhà trường lựa chọn dạy lớp thông minh đều có trình độ sư phạm, chuyên môn nghiệp vụ vững, có khả năng ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin, các thiết bị thông minh trong giảng dạy. Đồng thời thường xuyên đổi mới hình thức dạy và học, sử dụng các phương pháp học mở”, bà Hoàng Thanh Bình, hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông nhấn mạnh.

Tại lớp học thông minh, mỗi học sinh sẽ có một thiết bị học tập là chiếc máy tính bảng, chứa các nội dung học tập được số hóa. Giáo viên có thể tương tác với học sinh thông qua máy tính hoặc một tấm bảng thông minh.

“Thông qua hệ thống thiết bị học thông minh, câu trả lời của các em được đồng bộ lên bảng. Nhờ vậy, giáo viên sẽ ngay lập tức nắm bắt được tiến độ hoàn thành và chất lượng câu trả lời của cả lớp. Giáo viên cũng có thể chữa bài từ xa, hoặc chủ động chọn bài làm của một học sinh, trình chiếu lên bảng để chữa bài. Trong cùng một tiết học, giáo viên cũng có thể xây dựng được lộ trình học cá nhân hóa, khác nhau đối với từng học sinh”, cô Phạm Thị Yến, giáo viên Trường Tiểu học Trần Nhân Tông cho biết.

Hay tại Trường THCS Trần Bích San (Nam Định, Ninh Bình), học sinh giờ đây không quá xa lạ với những tiết dạy học xuyên biên giới kết nối với học sinh các trường học quốc gia khác và vùng lãnh thổ trên thế giới.

“Công nghệ đã xóa khoảng cách địa lý. Qua tiết học xuyên biên giới, học sinh được rèn luyện nhiều nhất về khả năng nghe - nói Tiếng Anh, tự tin trong giao tiếp. Những giờ học trực tuyến đã tạo ra không gian học tập sôi động, nơi học sinh các nước cùng nhau khám phá những điều mới lạ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp và mở rộng hiểu biết về văn hóa của đất nước”, cô Nguyễn Thị Thanh Hoa, giáo viên Trường THCS Trần Bích San chia sẻ.

Mô hình lớp học thông minh được kỳ vọng tạo những đột phá trong giáo dục đào tạo, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục căn bản, toàn diện.

Đẩy mạnh “số hóa” toàn diện các lĩnh vực giáo dục

Tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, nhiệm vụ quen thuộc đối với các em học sinh trước khi bắt đầu lên lớp, thay vì đếm sĩ số lớp học, các em sẽ trực tiếp điểm danh bằng vân tay hoặc thẻ học sinh tại 1 trong 8 máy điểm danh thông minh được lắp đặt trong trường. Thông tin về sĩ số của từng lớp sẽ được cập nhật ngay lập tức, giúp Ban giám hiệu có thể quản lý, giám sát học sinh một cách hiệu quả.

“Thay vì hàng ngày, nhà trường phải có bộ phận văn phòng đi đến từng lớp để kiểm kê sĩ số thì bây giờ nhà trường có thể nắm được sĩ số của học chỉ trong một thao tác, thậm chí là học sinh đến trường vào giờ nào thì bố mẹ các em cũng nhận được tin thông báo ngay sau khi các em điểm danh bằng thẻ hay bằng vân tay. Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng đều có thể tổng hợp ngay về mặt sĩ số, kết quả này cũng sẽ tự đồng bộ vào Sổ theo dõi chất lượng giáo dục, đồng bộ vào học bạ của học sinh” - bà Hoàng Thanh Bình, hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông phân tích.

Cũng như vậy, trước đây mỗi lần lên lớp, các cô giáo Trường THCS Trần Bích San lại mang rất nhiều tài liệu, giáo án, sổ sách. Giờ đây 100% giáo viên nhà trường sử dụng giáo án điện tử và ký số; hoạt động quản lý, dạy học của giáo viên chủ yếu thao tác trên phần mềm. Không chỉ tiết kiệm giấy mực in, thời gian, những phần mềm có nhiều tính năng nổi trội đã giúp việc dạy, quản lý học sinh của giáo viên dễ dàng và hiệu quả hơn.

z5987872923158-ebf915b87b19ecf4bf2e5ffee9a787e3.jpg
Ứng dụng CNTT trong tiết học Tiếng Anh tại Trường THCS Trần Bích San.

Em Đinh Tuấn Trung, lớp 7A1, Trường THCS Trần Bích San bày tỏ, khi được học các tiết học có ứng dụng công nghệ thông tin, chúng em cảm thấy rất hứng thú, mỗi giờ học trở nên thú vị hơn. Những hình ảnh, video, âm thanh sống động chân thực, kích thích sự hứng thú học tập và tư duy sáng tạo, khiến những vấn đề trừu tượng trở nên dễ hiểu hơn. Nhờ đó, việc tiếp thu bài học dễ dàng hơn.

Bà Hoàng Thị Minh Nguyệt, hiệu trưởng Trường THCS Trần Bích San khẳng định, ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin giúp nhà trường từng bước xây dựng trường học thông minh phục vụ cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, quản lý học sinh. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà công tác quản lý, dạy học được thực hiện khoa học, bài bản hơn, từ đó nâng cao hiệu quả công tác giáo dục.

Với những bước đi chủ động, sáng tạo và đồng bộ trong quá trình chuyển đổi số, ngành Giáo dục Ninh Bình đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nền giáo dục thông minh, hiện đại, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ