Tự chủ trong giáo dục được đẩy mạnh

GD&TĐ - Trên cơ sở Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017, Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH công lập và Đề án tự chủ giáo dục ĐH.

Tự chủ trong giáo dục được đẩy mạnh

Năm học vừa qua, tự chủ được đẩy mạnh ở các cơ sở giáo dục đại học khi triển khai Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, đã giao quyền tự chủ toàn diện hơn trong các lĩnh vực hoạt động (tự chủ về học thuật, chuyên môn, tài chính, nhân sự, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế...).

Đến nay, đã có 21 cơ sở giáo dục đại học công lập được giao thí điểm tự chủ đổi mới cơ chế hoạt động theo quy định của Nghị quyết này , trong đó, Trường Đại học Trà Vinh là trường đầu tiên trực thuộc địa phương thực hiện tự chủ đại học.

Về phía các địa phương, đã tăng cường phân cấp, giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục nhà trường bước đầu đạt hiệu quả: Giao quyền chủ động và hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông xây dựng kế hoạch dạy học/giáo dục theo khung kế hoạch thời gian năm học; tăng quyền chủ động của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục gắn với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường của đội ngũ cán bộ quản lý.

Việc thực hiện việc phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục ở địa phương theo Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ được đẩy mạnh; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy và tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ; giám sát việc thực hiện Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình với xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo chưa cao; việc xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục ở các nhà trường còn hạn chế.

Cơ chế, chính sách về tự chủ còn thiếu và chưa đồng bộ; việc giao quyền tự chủ đối với cơ sở giáo dục đại học mới chỉ thực hiện thí điểm, chưa trở thành nhu cầu nội tại của các trường; điều kiện tự chủ mới chỉ tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính; chưa tính đến năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức quản lý của các cơ sở đào tạo.

Tự chủ đại học chưa gắn liền với đổi mới quản trị nhà trường. Trong quá trình thực hiện, nhiều cơ sở đào tạo chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tự chủ.

Một số cơ sở giáo dục đại học chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng nên lúng túng trong thực hiện; một số cơ sở còn dựa vào lợi thế ngành để chú trọng tăng học phí và tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo là mục đích chính của tự chủ đại học. Đặc biệt, các trường đại học trực thuộc địa phương hầu như chưa sẵn sàng chuẩn bị tự chủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ