Trong đó, tập trung nhiều hơn ở các môn Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Giáo dục công dân ở THCS, các môn học ở THPT và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở THCS, THPT.
Từ tiểu học đến THCS, giáo dục hướng nghiệp thể hiện qua việc giúp học sinh từng bước có nhận thức về nghề nghiệp và lựa chọn nghề nghiệp, có hiểu biết về các nghề nghiệp trong xã hội, mối quan hệ giữa các môn học trong nhà trường với những nghề nghiệp đó. Học sinh cũng được khám phá sở thích và năng lực của mình để biết được những nghề nghiệp nào sẽ phù hợp với sở thích và năng lực đó.
Nhờ vậy, đến cuối cấp THCS, học sinh có thể xác định được hướng phát triển phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân: học tiếp lên THPT, học nghề hay tham gia vào cuộc sống lao động.
Ở THPT, học sinh được phân hóa ngay từ lớp 10 theo định hướng nghề nghiệp. Ngoài một số môn học bắt buộc, học sinh được lựa chọn môn học phù hợp, tạo điều kiện để phát triển năng lực theo định hướng nghề nghiệp của mình.
Chủ động, sáng tạo thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp
Bộ GD&ĐT ghi nhận nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác định hướng phân luồng học sinh phổ thông, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông năm học 2016 - 2017
Theo đó, một số địa phương đã chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp theo hướng tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động dã ngoại, tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương.
Tiêu biểu, một số trường trung học tại Bắc Ninh, Hưng Yên đã liên kết với các khu công nghiệp trên địa bàn để học sinh đến tham quan, học tập và trải nghiệm; một số trường tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hòa Bình… có chương trình trải nghiệm cho học sinh tại các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống.
Các Sở GD&ĐT cũng chủ động phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề, các nghệ nhân, doanh nhân tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khá hiệu quả; lồng ghép các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh; cung cấp thông tin về thị trường lao động cho học sinh để các em lựa chọn ngành, nghề phù hợp.
Triển khai thí điểm mô hình nhà trường gắn với sản xuất kinh doanh tại địa phương, mở ra một phương thức giáo dục hướng nghiệp mới. Mô hình trường học - đồi chè tại Tuyên Quang; trường học - vườn đào tại Lào Cai.
Tỷ lệ học sinh đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017. Nguồn: Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng, 2017 |
Học sinh chuyển biến về nhận thức trong chọn ngành nghề
Công tác dạy nghề phổ thông đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả, gắn lý thuyết với thực hành và thực tiễn. Việc lựa chọn học nghề phổ thông của học sinh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với nhu cầu phát triển kỹ năng phục vụ nhu cầu lao động của xã hội.
Những nghề phổ thông gắn với phát triển kỹ năng sống ngày càng được nhiều học sinh lựa chọn như: Tin học, Làm vườn, Điện dân dụng, Nấu ăn, Chăn nuôi…
Phương thức dạy nghề phổ thông cũng được đổi mới theo hướng tăng cường hoạt động thực hành, thực tế. Một số địa phương đã mở rộng thêm các nghề phổ thông mới phù hợp với nhu cầu của học sinh, như thành phố Hồ Chí Minh dạy nghề Tin học văn phòng theo chương trình quốc tế; Nam Định đưa nghề Trang điểm vào chương trình dạy nghề phổ thông…
Đặc biệt, tỷ lệ học sinh đăng ký tuyển sinh vào đại học trong kỳ thi THPT quốc gia trong những năm gần đây có xu hướng giảm.
Năm học 2016-2017, học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng khoảng 41%, vào cao đẳng nghề, trung cấp khoảng 23%, học nghề tại trung tâm đào tạo nghề khoảng 13%, đi làm khoảng 10%.
Năm 2017, tỷ lệ học sinh không đăng ký xét tuyển sinh đại học là 26%; số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học Xã hội tăng, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Học sinh đã có sự chuyển biến về nhận thức trong việc lựa chọn ngành nghề, phù hợp với năng lực của mình.
Một số hạn chế trong công tác phân luồng, hướng nghiệp
Việc tích hợp giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành mới chủ yếu được thực hiện ở môn Công nghệ mà chưa được chú trọng thực hiện trong các môn học khác.
Phương thức giáo dục hướng nghiệp tuy đã có những chuyển biến tích cực ở một số địa phương nhưng phần lớn các nhà trường vẫn chủ yếu dạy học như các môn học khác.
Động cơ học nghề đối với học sinh phổ thông chủ yếu là để được cộng điểm ưu tiên trong xét tốt nghiệp THCS và THPT. Phương thức dạy nghề ở nhiều cơ sở giáo dục còn nặng về dạy kiến thức lý thuyết, thiếu điều kiện tổ chức cho học sinh thực hành, trải nghiệm.
Việc phối hợp giữa các trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất... trong việc hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh THCS, THPT chưa thực sự hiệu quả.
Hệ thống thông tin thị trường lao động còn thiếu và chậm cập nhật, chưa đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhất là đối với học sinh THCS trong bối cảnh tâm lý chạy theo bằng cấp còn nặng nề.