Một năm học tốt đẹp với 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp

GD&TĐ - Năm học 2016 - 2017, toàn ngành Giáo dục đã tập trung triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản theo Chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học. Một năm nhìn lại, nhiều thành công và kinh nghiệm thu nhận được từ những kết quả rất đáng khích lệ.

Niềm vui sau kỳ thi.
Niềm vui sau kỳ thi.

Cùng hướng tới mục tiêu chất lượng

Trong năm học vừa qua, ngành Giáo dục đã quan tâm rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục; đồng thời, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Công tác định hướng nghề nghiệp được tăng cường, lồng ghép các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh;

Việc rà soát, đánh giá toàn diện việc triển khai dạy và học ngoại ngữ trong giai đoạn 2008-2016, điều chỉnh, bổ sung dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo được thực hiện để phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế; tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh; ứng dụng CNTT được đẩy mạnh, triển khai hiệu quả hệ thống phần mềm, học trực tuyến qua mạng.

Cũng phải nói đến việc tăng cường phân cấp, giao quyền chủ động cho các cơ sở GD&ĐT. Đến nay, đã có 21 trường ĐH được thực hiện tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP và được tự chủ toàn diện hơn trong các hoạt động.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh thông qua việc ký kết và triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác về GD&ĐT và tiếp nhận công nghệ mới về dạy học, quản lý vào nhà trường;

Cơ sở vật chất của nhiều trường được chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa; các phòng học bán kiên cố, phòng học tạm, phòng học nhờ, mượn đã giảm; số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia được tăng lên. Nâng cao chất lượng giáo dục ĐH qua việc ban hành các văn bản quy định chặt chẽ hơn và hội nhập quốc tế; công tác đào tạo sau ĐH được tăng cường chấn chỉnh.

Năm học vừa qua, toàn Ngành cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước thông qua việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; công tác cải cách hành chính từng bước được đẩy mạnh, giảm tải các thủ tục hành chính không cần thiết; từng bước điều chỉnh sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh. Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục được quản lý và triển khai hiệu quả hơn. Công tác khảo thí được triển khai thực hiện theo hướng bảo đảm khách quan, trung thực; công tác kiểm định chất lượng giáo dục chú trọng. Công tác thông tin, truyền thông được đổi mới và hiệu quả hơn, mạng lưới truyền thông đã được thiết lập từ Trung ương đến địa phương, cơ sở đào tạo để kịp thời cung cấp thông tin và định hướng dư luận.

Đặc biệt, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã hoàn thành; tỷ lệ trẻ mầm non được đến trường tăng; mô hình trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm được triển khai có hiệu quả.

Việc đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá học sinh phổ thông được tích cực thực hiện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; rà soát, giảm các cuộc thi, hội thi để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh. Hoàn thành dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai các điều kiện đổi mới giáo dục phổ thông.

Giáo dục thường xuyên đã từng bước đa dạng hóa nội dung chương trình giáo dục, tăng cường thu hút người học tham gia các chương trình học tập. Giáo dục ĐH từng bước được siết chặt theo hướng quản lý chất lượng, tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo.

Những bài học qu‎ý

Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, ngành Giáo dục thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, kèm với đó là việc phân tích kỹ nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong năm học tới.

Đơn cử như việc thực hiện quy hoạch còn chưa phù hợp; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết; năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu; năng lực quản trị của một bộ phận cán bộ quản lý trường học còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu; nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất còn hạn hẹp; công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục chưa sự hiệu quả.

Cùng với đó, cơ chế, chính sách về tự chủ chưa đồng bộ; công tác tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình với xã hội của các cơ sở đào tạo còn hạn chế; việc thực hiện tự chủ ĐH chưa gắn liền với đổi mới quản trị nhà trường. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này. Đơn cử liên quan đến hạn chế về thực hiện quy hoạch, các địa phương thiếu quy hoạch tổng thể về phát triển gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; một số địa phương khó khăn về quỹ đất; có sự dịch chuyển dân số cơ học từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất. không khảo sát kỹ lưỡng các điều kiện đảm bảo chất lượng trước khi thực hiện việc sáp nhập dẫn đến nhiều bất cập trong việc dạy và học.

Vấn đề đội ngũ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đối với nhà giáo và CBQL còn thiếu đồng bộ, hiệu lực chưa cao; việc phân cấp quản lý đối với ngành giáo dục ở nhiều địa phương hiện nay chưa hợp lý, đặc biệt là đối với khối trực thuộc UBND các quận/huyện.

Liên quan đến hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất trường, lớp còn hạn hẹp, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; nhận thức việc huy động nguồn lực còn chưa đầy đủ, xem huy động sự đóng góp của xã hội chỉ là biện pháp trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp; tư tưởng và thói quen bao cấp vẫn còn khá nặng nề...

Từ đó, bài học đầu tiên đưa ra, về công tác quy hoạch, kế hoạch, là cần làm tốt công tác dự báo về phát triển giáo dục để quy hoạch và thực hiện công tác quy hoạch mạng lưới, quy mô cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi cần phù hợp với thực tế, đảm bảo các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là các điều kiện hỗ trợ như: nơi ăn, ở và các điều kiện sinh hoạt của học sinh dân tộc thiểu số. Công tác quy hoạch phải đi trước, đồng thời thống nhất các chuẩn, quy chuẩn để quy hoạch.

Rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trong đó tránh ghép các cơ sở giáo dục mầm non với các cơ sở giáo dục ở cấp học khác theo cách cơ học, khi chưa chuẩn bị kỹ càng về điều kiện cơ sở vật chất.

Quản lý nhà nước về giáo dục phải được thực hiện theo hướng quản lý chất lượng thông qua hệ thống văn bản quản lý nhà nước và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện; đồng thời có chính sách khen thưởng kịp thời.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước ở Trung ương, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương và cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục ĐH, trong đó cần tăng cường sự phối hợp, gắn kết giữa Bộ và các cơ sở GD&ĐT.

Năng lực lãnh đạo phải phù hợp với vị trí công tác để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ; tăng cường bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo và đẩy mạnh cải cách hành chính.

Chủ động trong công tác truyền thông về các chủ trương, chính sách, những hoạt động đổi mới của ngành, tạo sự đồng thuận của xã hội, trước hết là của các thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý các cấp…

Về huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn hiện nay, cần xây dựng kế hoạch đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; lập kế hoạch giải ngân phù hợp với nguồn vốn; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, bảo đảm đầu tư có hiệu quả.

Cần đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong đó hết sức coi trọng nguồn lực của tư nhân và nước ngoài. Công tác xã hội hóa giáo dục là một nhiệm vụ quan trọng để thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước với nhiều hình thức phù hợp để đổi mới, phát triển GD&ĐT.

Cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong thu hút, huy động các nguồn lực của các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đồng thời, chủ động ban hành hoặc đề nghị Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích đầu tư cho giáo dục.

Cuối cùng, công tác phối hợp cần phải được quán triệt sâu rộng trong toàn ngành, trở thành một công việc thường xuyên.Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột cuất việc thực hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm và cần có sự phối hợp các đơn vị làm nhiệm vụ thanh tra giáo dục các cấp.

Việc tăng cường phân cấp, giao quyền chủ động cho các cơ sở GD&ĐT. Đến nay, đã có 21 trường ĐH được thực hiện tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP và được tự chủ toàn diện hơn trong các hoạt động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ