Tự chủ phát triển chương trình đào tạo nhưng cần theo mục tiêu xác định

GD&TĐ - Việc quan tâm rà soát, chỉnh sửa, cập nhật chuẩn CTĐT của các trường ĐH giúp SV hứng khởi trong học tập, đồng thời tạo sức hút hơn với thí sinh...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Cùng với mở ngành mới, để thu hút sinh viên, tiệm cận yêu cầu của thị trường lao động, nhiều trường đại học đã rà soát, chỉnh sửa, cập nhật chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT).

Theo Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT, chuẩn CTĐT phải được rà soát, chỉnh sửa, cập nhật định kỳ ít nhất một lần trong 5 năm, song hiện nay đa số trường 2 năm thực hiện một lần, thậm chí có nơi sau một năm học đã quan tâm rà soát đánh giá lại. Đáng chú ý, nhiều trường rà soát điều chỉnh CTĐT theo hướng cắt giảm các môn học hàn lâm như Toán cao cấp để thay bằng Toán ứng dụng, các môn học chuyên ngành, sắp xếp lại tiến trình học các môn, giảm thời gian đào tạo…

Trường ĐH Tài chính - Marketing xây dựng CTĐT đại học với khối lượng kiến thức đại cương dự kiến giảm từ 28% xuống còn 21%. Khối kiến thức cơ sở ngành dự kiến tăng thêm 18 tín chỉ so với chương trình hiện hành (từ 24 lên 39 tín chỉ, tùy ngành). Ngược lại, khối kiến thức chuyên ngành dự kiến giảm từ 24 xuống còn 15 tín chỉ, chiếm khoảng 12% tổng khối lượng CTĐT.

ĐH Kinh tế TPHCM xây dựng 6 môn học mới bắt buộc với các ngành, gắn liền với xu thế và thời đại: Nhập môn khoa học dữ liệu, Kỹ năng mềm, Khởi nghiệp kinh doanh, Nền tảng tâm lý, Tư duy thiết kế và phát triển bền vững, để gia tăng khả năng thích nghi với môi trường làm việc nhiều biến động trong tương lai. Tại Khoa Toán kinh tế của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, sinh viên được học một số môn nền tảng ngành ngay từ năm thứ nhất, được kiến tập, thực tập ngay năm thứ 2…

Việc quan tâm rà soát, chỉnh sửa, cập nhật chuẩn CTĐT của các trường đại học giúp sinh viên hứng khởi trong học tập, đồng thời tạo sức hút hơn với thí sinh. Nhiều học sinh lớp 12 cho biết khi tìm hiểu thông tin xét tuyển, các em chú ý tìm hiểu về CTĐT của các trường để so sánh, CTĐT trường nào dễ thở, có những môn học phù hợp định hướng sẽ ưu tiên chọn lựa.

Người học cũng mong muốn được học sớm hơn một số môn chuyên ngành, cơ sở ngành để sớm định hướng công việc. Với những CTĐT mới gia tăng kiến thức tổng hợp, liên ngành hơn đào tạo chuyên môn đặc thù, người học có thể tiếp cận nhiều vị trí việc làm khác nhau trong thị trường lao động.

Tuy vậy, thực tiễn rà soát, chỉnh sửa, cập nhật chuẩn CTĐT thời gian qua cũng bộc lộ một số vấn đề quan ngại. Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, vai trò của toán học rất quan trọng, nhưng trên thực tế nhiều môn Toán trong CTĐT của các ngành bị giản lược hoặc cắt bỏ.

Theo quy định, các học phần tiên quyết phải được thực hiện giảng dạy theo đúng tiến trình và kế hoạch đào tạo, đảm bảo logic trình tự kiến thức để sinh viên có đủ khả năng tiếp nhận trong từng học kỳ. Thế nhưng có trường cho sinh viên tiếp cận sớm kiến thức liên quan chuyên ngành, chưa xem trọng trình tự từ kiến thức nền tảng, cơ sở ngành mới đến chuyên ngành.

Điều này khá bất ổn, nhất là với khối ngành Kỹ thuật, Công nghệ, Sức khỏe. Có trường chủ trương xây dựng CTĐT gọn trong 3 năm, mỗi năm 3 học kỳ, tiết kiệm thời gian và tài chính cho người học nhưng cách làm này không phù hợp với mọi ngành. Những môn khoa học nền tảng như Triết học rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt với các khối ngành khoa học xã hội, khoa học kinh tế, cần học sớm từ học kỳ I năm nhất, thì có nơi sợ sinh viên chán, lại cho học muộn hơn.

Luật Giáo dục đại học cho phép các trường được tự chủ phát triển CTĐT nhưng cần phải theo mục tiêu xác định, bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo theo quy định pháp luật và quá trình phát triển nhận thức của người học.

Bên cạnh quan tâm xây dựng chương trình đúng yêu cầu, để phát triển bền vững và nâng cao uy tín, các trường cần đẩy mạnh hơn nữa công tác khảo sát nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp giảng dạy và tăng cường ứng dụng công nghệ trong dạy học, bởi đó là “hồn cốt” của việc triển khai một CTĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.