ĐH vùng trở thành cấp trung gian
PGS.TS Huỳnh Văn Chương – Chủ tịch Hội đồng ĐH Huế - cho rằng: Mô hình đại học 2 cấp có nhiều ưu điểm nổi bật và là xu hướng chung của các đại học trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của mô hình này vẫn còn không ít bất cập làm nảy sinh nhiều vấn đề về quản trị và quản lý các đại học.
“Các văn bản vẫn bàn nhiều về tự chủ tài chính hơn là bàn về tự chủ học thuật. Trong đó, vấn đề tài chính đang tồn tại 2 cấp. Theo Luật Ngân sách, Bộ GD&ĐT vừa làm việc với cấp đại học, vừa làm việc với trường thành viên. Sau đó, tiến hành cấp kinh phí trực tiếp đến trường thành viên. Điều này khiến cơ quan đại học vùng ở giữa, mang tính chất cầu nối chứ không có tiếng nói liên quan đến vấn đề tài chính. Hay mở ngành, ở cấp trường đã có Hội đồng trường rồi nhưng vẫn phải qua cấp đại học để phù hợp với chất lượng chung và không chồng chéo nên dễ làm chậm tiến độ”, Chủ tịch Hội đồng ĐH Huế viện dẫn.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - cũng nhìn nhận, Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99/2019 chưa làm nổi bật sự khác biệt về đặc điểm, sứ mạng, nhiệm vụ và quyền hạn giữa mô hình đại học/trường đại học, mô hình đại học quốc gia, đại học vùng và đại học có gì khác nhau.
Có cùng quan điểm, theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, phát triển vùng sẽ được cụ thể như thế nào vẫn chưa được nêu rõ. Hiện, mối quan hệ giữa Hội đồng Đại học và Hội đồng các trường đại học thành viên chưa được quy định trong Luật, Nghị định, Thông tư 10/2020. Một khó khăn trong thực hiện tự chủ đại học đối với mô hình đại học vùng là mâu thuẫn giữa quản lý tập trung với đòi hỏi phân cấp ngày càng nhiều hơn cho các trường thành viên.
“Việc phân cấp của Bộ GD&ĐT cho đại học vùng chưa đủ mạnh nên không khác nhiều so với các đại học khác trực thuộc Bộ GD&ĐT. Trong lĩnh vực tài chính, nguồn thu từ các trường thành viên khác nhau nên dẫn đến mâu thuẫn về quyền lợi. Nói cách khác, phân cấp chưa mạnh nên đại học vùng chỉ là đơn vị trung gian trong quản lý giữa Bộ và các trường thành viên”, GS.TS Trần Văn Nam, nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng, nhận xét.
Cơ chế đặc thù cho đại học vùng
Khi các trường thành viên được giao quyền tự chủ ngày càng nhiều, thậm chí có hoạt động còn lớn hơn cả ĐH vùng thì vai trò của ĐH vùng bị suy giảm mạnh. Chia sẻ quan điểm, PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, đồng thời đề xuất: Muốn ĐH vùng phát huy hơn nữa vai trò dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho các trường đại học thành viên thì bản thân cần được trao quyền tự chủ lớn hơn, toàn diện hơn nữa.
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, đầu tư cho ĐH vùng cũng cần được quan tâm mạnh mẽ hơn để các trường đại học thành viên nhận thấy là thành viên trong ĐH vùng có quyền tự chủ, được đầu tư nhiều hơn, có điều kiện phát triển thuận lợi hơn hẳn một trường đại học khác.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn tự chủ đối với mô hình đại học hai cấp theo Nghị định 60; không đánh đồng tự chủ đại học nói chung với tự chủ đại học 2 cấp và tự túc nguồn lực về tài chính. “Khi quyền các trường đại học thành viên tăng lên thì cấp ĐH vùng, ĐH quốc gia cần thêm quyền để cả 2 cấp đều mạnh”, Chủ tịch Hội đồng ĐH Huế, gợi ý và nhấn mạnh: Cơ sở đào tạo đại học đã tự chủ chi thường xuyên thì Nhà nước cần quan tâm chi đầu tư ngay năm đó. Hoặc có thể xây dựng cơ chế đặt hàng trong đào tạo khoa học công nghệ theo năng lực của cơ sở giáo dục đại học; tăng tự chủ về học thuật, tổ chức, bộ máy, cân nhắc tự chủ tài chính.