Mô hình đại học 2 cấp cần cụ thể hóa về tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Mô hình đại học 2 cấp cần cụ thể hóa về tự chủ, tự chịu trách nhiệm

(GD&TĐ) - Trong 2 ngày 9 và 10/12/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ gồm các Bộ: GD-ĐT, Tài chính,  Nội vụ, Kế hoạch Đầu tư, Khoa học và Công nghệ đã đến làm việc với Đại học Huế cùng các trường thành viên.

>>Khảo sát, đánh giá mô hình Đại học 2 cấp tại ĐH Huế

Chuyến công tác nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để chuẩn bị tổ chức Hội nghị đánh giá 15 năm hoạt động của 5 cơ sở giáo dục (thuộc mô hình này), về mô hình quản lý, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, hiệu quả đầu tư, đóng góp cho các đại học cho phát triển kinh tế xã hội, định hướng phát triển và vị trí của các trường ĐH trong hệ thống GD quốc dân.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện nhân kết luận tại buổi họp mặt các trường thành viên tại ĐH Huế
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với ĐH Huế và các trường thành viên

Sáng nay 10/12, Đoàn công tác của Chính phủ tiếp tục làm việc với tập thể Ban Giám đốc Đại học Huế và lãnh đạo, GS, P.GS của 7 trường thành viên thuộc Đại học Huế. Tham dự còn có đồng chí Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế.

Đặt vấn đề cho buổi trao đổi, thảo luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Luật giáo dục chưa đề cập đến mô hình này, nên các ý kiến sẽ rất cần để Chính phủ đưa vào Luật giáo dục Đại học trong năm đến. Chính phủ đã giao cho Bộ GD-ĐT tổ chức, chủ trì khảo sát về mô hình đại học 2 cấp, đã tiến hành ở Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên; sau Đại học Huế sẽ đến Đại học Đà Nẵng để  ban hành cơ chế, chính sách cụ thể, đưa vào Luật GD. Đoàn công tác mong muốn được lắng nghe tất cả những ý kiến của Đại học Huế cùng các trương thành viên, tập trung nhất ở công tác quản lý, quan hệ giữa Đại học Huế và các trường thành viên, vị thế, chất lượng của ĐH vùng… để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tại buổi làm việc, GĐ Đại học Huế đã báo cáo về tình hình hoạt động của Đại học Huế từ khi mới thành lập (năm 1994) cho đến nay, tập trung ở những thuận lợi về mô hình quản lý như: với mô hình hiện tại, có điều kiện tập trung các nguồn lực, sử dụng đội ngũ giảng viên, CSVC, trang thiết bị nhằm xây dựng một trung tâm đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, chủ động ở một số khâu như quy hoạch cán bộ, đào tạo, nguồn kinh phí; thống nhất hoạt động đối ngoại,

Bên cạnh đó, khó khăn nằm ở chỗ: mâu thuẫn giữa các trường ĐH thành viên và ĐH Huế về quyền hạn, trách nhiệm và quyền lợi trong tương quan với các trường ĐH đơn ngành trực thuộc Bộ; còn chồng chéo trong các hoạt động điều hành, quản lý; đầu tư của Nhà nước còn thấp; chưa tạo  điều kiện cho ĐH Huế sớm hoàn thành Khu quy hoạch mới và xây dựng CSVC ngang tầm một ĐH trọng điểm quốc gia.

Trên cơ sở đó, ĐH Huế kiến nghị: Tổng kết mô hình Đại học vùng theo hướng xây dựng mô hình 2 cấp trên cơ sở tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đại học và có cơ chế đặc thù về tài chính; tăng cường đầu tư theo mục tiêu xây dựng ĐH Huế đã đề ra; nghiên cứu, đặt tên lại cho ĐH vùng; có cơ chế tài chính cho một số ngành năng khiếu đặc thù. 

Các trao đổi, đề xuất của hiệu trưởng 7 trường thành viên của Đại học Huế với Chính phủ và Bộ GD-ĐT đều sát với đặc thù của từng trường.

Theo đó, trường Đại học Sư phạm nêu một vấn đề có tính thời sự hiện nay là giải quyết việc làm hợp lý cho SV Sư phạm, đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép nhà trường được đào tạo liên thông từ đại học lên thạc sĩ và được Bộ GD-ĐT cấp kinh phí cho xây dựng trường thực hành sư phạm.

Đại học Kinh tế chỉ mới thành lập 8 năm nhưng có bước phát triển nhanh, vững chắc trên nhiều lĩnh vực, đã có những đánh giá khá sát về mặt được cũng như mặt tồn tại của mô hình ĐH 2 cấp, đã kiến nghị về việc cần được đầu tư mạnh để nâng cao chất lượng đào tạo và hoạt động khoa học công nghệ;

Trường Đại học Y Dược là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước, Trung tâm Dao Gamma đầu tiên của Đông Nam Á mong muốn Trường được xây dựng một bệnh viện thực hành như các mô hình BV trường học ở một số tỉnh, thành và trên thế giới.

Trường Đại học Ngoại ngữ là một trường còn non trẻ bức xúc về việc phải tự ổn định, lo liệu từ năm 2008 đến nay; có nhiều khó khăn về tài chính, CSVC, lương; thiếu nguồn vốn đối ứng để xây dựng.

Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật –ĐH Huế kiến nghị với đoàn công tác về vấn đề quyền tự chủ trong mô hình ĐH 2 cấp.
Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật –ĐH Huế kiến nghị với đoàn công tác về vấn đề quyền tự chủ trong mô hình ĐH 2 cấp.

Trăn trở hơn cả là ý kiến nêu ra của 3 trường: Đại học Nông Lâm; Đại học Nghệ thuật và Đại học Ngoại ngữ. PGS. TS Nguyễn Minh Hiếu, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm đã chỉ ra rất nhiều cái khó của nhà trường trong cơ chế của kinh tế thị trường và trong điều kiện hiện tại; từ đó kiến nghị với Chính phủ cần có sự kiểm soát để tránh sự chồng chéo ngành nghề đào tạo, đặc biệt là với các trường mới thành lập để tránh sự cạnh tranh không cần thiết trong tuyển sinh; có quy hoạch chung về nguồn lực để các trường có chiến lược phát triển…

PGS.TS Phan Thanh Bình cho rằng, từ năm 2006 đến nay đã không có một công trình nào của Trường ĐH Nghệ thuật được xây dựng ( nằm trong tổng thể công trình của ĐH Huế đã được Chính phủ quy hoạch, phê duyệt) và đề nghị: ĐH Huế cần khẳng định và có kế hoạch xây dựng cơ sở ở Trường Bia; tập trung đầu tư trọng điểm các hạng mục cần thiết, nâng hạng mức kinh phí hàng năm phải có đối với trường ĐH Nghệ thuật.

PGS.TS Nguyễn Văn Tận, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Huế cho rằng, là một Trường ĐH khoa học cơ bản duy nhất ở miền Trung và Tây Nguyên, lại gặp khó trong tuyển sinh, nhưng nhiều năm qua nhà trường chưa được đầu tư một cách thích đáng, nên gặp nhiều khó khăn trong chi phí cho đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nhiều hoạt động khác.

Hầu hết các ý kiến phát biểu đều thống nhất với đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm tổ chức tổng kết mô hình Đại học 2 cấp để trên cơ sở đó có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, tăng quyền tự chủ, vị thế của các trường thành viên, tạo điều kiện cho các trường phát triển.

Phó Thủ tướng dự giờ tại Trường Nông Lâm-ĐH Huế và đặt câu hỏi cho một SV về việc lựa chọn ngành nghề.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự giờ tại Trường Nông Lâm-ĐH Huế

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, qua ý kiến của 5 đại học theo mô hình đại học 2 cấp, đã làm sáng rõ nhiều vấn đề. Những câu hỏi được Phó Thủ tướng đặt ra là Đại học 2 cấp làm chức năng quản lý Nhà nước về GD đại học hay đào tạo chất lượng? Đại học Huế có chịu trách nhiệm phê duyệt đề án về chiến lược phát triển của các trường thành viên hay không? Nguyên tắc phân bổ, phê duyệt các dự án đầu tư của ĐH Huế?  Vấn đề ban hành các văn bản liên quan đến đánh giá quá trình đào tạo; Có quy định khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo của hiệu trưởng hay là quy chế cho hiệu trưởng các trường thành viên đánh giá ban giám đốc hay không?...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Các trường đại học phải tăng cường quyền tự chủ và tự chủ phải đi đôi với tự chịu trách nhiệm. Bộ GD-ĐT sẽ phải ra văn bản cụ thể hóa về tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường thuộc Đại học 2 cấp.

Thanh Huế

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ