Khảo sát, đánh giá mô hình Đại học 2 cấp tại ĐH Huế

Khảo sát, đánh giá mô hình Đại học 2 cấp tại ĐH Huế

(GD&TĐ) – Chương trình khảo sát này nhằm đánh giá mô hình quản lý, chất lượng, chuẩn bị tổng kết mô hình các trường đại học 2 cấp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm một phòng thí nghiệm tại Đại học Sư phạm Huế
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm một phòng thí nghiệm tại ĐH Sư phạm Huế

Ngày 9/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với một số trường Đại học trực thuộc Đại học Huế.

Đây là chương trình khảo sát nhằm đánh giá mô hình quản lý, chất lượng và nắm bắt, lắng nghe ý kiến của  các giảng viên tại các trường, đồng thời, làm rõ mối quan hệ giữa các trường thành viên với Đại học Huế.

Tại Đại học Sư phạm Huế, Phó Thủ tướng và Đoàn công tác đến thăm và kiểm tra các giảng đường, các phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất và dự giờ của một lớp cao học kỹ năng dạy Vật lý tại Đại học Sư phạm Huế.

PGS.TS Lê Văn Anh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Huế cho biết, Trường Đại học Sư phạm Huế chính thức sáp nhập vào Đại học Huế năm 1997. PGS khẳng định trực thuộc Đại học Huế đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển, giúp nhà trường phát huy được những mặt mạnh của mình.

Trong 279 giảng viên của trường, có 26 PGS,  76 tiến sĩ, 153 thạc sĩ. Đại học Sư phạm Huế đặt mục tiêu phấn đấu  xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ lãnh đạo và quản lý hành chính nghiệp vụ theo hướng chuẩn hóa về mặt chức danh, trình độ, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và đồng bộ về cơ cấu, ưu tiên cho các đơn vị mới thành lập. Phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ 1 giảng viên/20 sinh viên, giảng viên đứng lớp đạt trình độ từ thạc sĩ trở lên, trong đó có trên 30% đạt trình độ tiến sĩ.

Trường Đại học Nông Lâm Huế được sáp nhập với Đại học Huế năm 1994. Trường rộng 71,5ha với 4 cơ sở thí nghiệm, thực nghiệm ngoài trời, 2400m2 thư viện, 4317m2 giảng đường. Trong số 280 giảng viên đứng lớp của trường, có 21 GS, PGS, 62 tiến sĩ, 127 thạc sĩ. Quy mô sinh viên hệ chính quy được đào tạo năm 2008-2009 là 4.351 em. Tổng nguồn  thu năm 2009 là 63 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm trường ĐH Nông Lâm
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế)

PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu, Hiệu trưởng Đại học Nông Lâm cho biết định hướng phát triển của nhà trường là ổn định quy mô đào tạo đại học, mở rộng quy mô đào tạo sau đại học, quan tâm đào tạo đội ngũ sẵn có, đấy mạnh hợp tác quốc tế, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Xây dựng nhà trường theo hướng đại học nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao.

PGS. Nguyễn Minh Hiếu cũng đề nghị xem xét lại suất đầu tư cho mỗi sinh viên ở khối trường nông lâm, vì chi phí đào tạo  nhiều hơn so với các ngành khác, hỗ trợ xây dựng cơ sở thực hành nghề nghiệp. Các ngành đã cho phép đào tạo cần có danh mục công chức để sinh viên tiện xin việc làm.

Chia sẻ quan điểm của mình về mô hình đại học vùng, đại học 2 cấp, PGS Nguyễn Minh Hiếu cho rằng, Chính phủ cần tổ chức đánh giá và nghiên cứu mô hình đại học 2 cấp, xây dựng những cơ chế mới tạo chủ động trong điều hành cho trường thành viên.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy là khâu then chốt làm thay đổi chất lượng trong thời gian tới
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy là khâu then chốt làm thay đổi chất lượng trong thời gian tới

Đổi mới phương pháp giảng dạy là khâu then chốt

Phó Thủ tướng cho rằng, trong những năm qua, các trường đã có nhiều tiến bộ trong việc nâng cấp đội ngũ giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị, các trường phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, đây được coi là khâu then chốt làm thay đổi chất lượng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các trường cần triển khai nghiêm túc cơ chế giảng viên đánh giá hiệu trưởng trong nhà trường.

Từ việc làm cụ thể mối quan hệ giữa các trường thành viên và Đại học Huế, chính các nhà trường sẽ đưa ra các nguyên tắc làm việc để gắn kết tốt hơn với Đại học Huế.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, công tác nghiên cứu khoa học, cập nhật và đổi mới các giáo trình tại các nhà trường phải được đầu tư nhiều hơn nữa.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các GS, PGS, các giảng viên của các trường đại học thành viên của Đại học Huế tiếp tục gắn bó với sự phát triển của đơn vị mình đang công tác, cống hiến nhiều hơn nữa trong sự nghiệp trồng người vẻ vang của người thầy.

Dự kiến ngày 10/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác của Chính phủ sẽ có buổi làm việc với Ban Giám đốc và lãnh đạo chủ chốt các trường thành viên của Đại học Huế.

Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ