Sẽ sớm có tổng kết, quy chế mới cho mô hình Đại học hai cấp

Sẽ sớm có tổng kết, quy chế mới cho mô hình Đại học hai cấp

(GD&TĐ) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại buổi làm việc của đoàn khảo sát, đánh giá mô hình ĐH hai cấp tại ĐH Đà Nẵng trong hai ngày 18 và 19.3.

Trước đó, đoàn công tác liên Bộ gồm Bộ GD-ĐT, Tài chính,  Nội vụ, Kế hoạch Đầu tư, Khoa học và Công nghệ đã làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Thái Nguyên và ĐH Huế. Đây sẽ là cơ sở để Chính phủ đánh giá về mô hình quản lý, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, hiệu quả đầu tư, đóng góp cho các đại học cho phát triển kinh tế xã hội, định hướng phát triển và vị trí của các ĐH trong hệ thống GD quốc dân.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cùng đoàn công tác liên Bộ làm việc tại ĐH Đà Nẵng
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cùng đoàn công tác liên Bộ làm việc tại ĐH Đà Nẵng

Tại các buổi làm việc với các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đặt vấn đề: trong 15 năm qua, mô hình ĐH hai cấp với ưu điểm như suất đầu tư ít, hiệu quả cao do tận dụng được sức mạnh về nguồn lực con người, tối ưu hóa nguồn lực CSVC… đã có những đóng góp tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mô hình ĐH đa cấp, đa ngành, liên ngành dưới dạng một trục ĐH trong đó tập hợp nhiều ĐH cũng là hướng đi của nhiều trường ĐH trên thế giới. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, mô hình ĐH hai cấp vẫn chưa có một thiết chế hoàn chỉnh. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đoàn công tác rất muốn lắng nghe những đề xuất, giải pháp từ các trường thành viên và ĐH vùng như cơ chế hoạt động, giải quyết mối quan hệ giữa ĐH vùng và các trường thành viên trong phân cấp, phân quyền… để làm thế nào hài hòa, tránh bị chồng chéo và phát huy được tính tự chủ, sức mạnh của các trường ĐH thành viên và giữ được vai trò của ĐH vùng.

ĐH Đà Nẵng ra đời trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại từ trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cơ sở ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng, trường CĐ Sư phạm Quảng Nam – Đà Nẵng và trường Công nhân kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi. Đến nay, sau 15 năm, ĐH Đà Nẵng có 8 trường và đơn vị thành viên, gồm: Trường ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm, ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại ngữ, CĐ Công nghệ, CĐ Công nghệ thông tin, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum và Khoa Y Dược; xây dựng mới 25 trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, phục vụ đào tạo. Đội ngũ cán bộ tăng thêm 81,1%, đội ngũ giảng viên tăng thêm 89,8%. Quy mô đào tạo ĐH, CĐ tăng 4,6 lần, sau ĐH tăng 13 lần, đáp ứng nhu cầu nguồn lực cho khu vực và cả nước…

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, ĐH Đà Nẵng cần hoàn thiện cơ chế hoạt động của mô hình ĐH 2 cấp trên cơ sở giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa ĐH vùng và các trường thành viên dựa trên mục tiêu chung của ĐH vùng
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, ĐH Đà Nẵng cần hoàn thiện cơ chế hoạt động của mô hình ĐH 2 cấp trên cơ sở giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa ĐH vùng và các trường thành viên dựa trên mục tiêu chung của ĐH vùng

Theo PGS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng - thì với việc phát triển theo mô hình ĐH vùng, ĐH Đà Nẵng đã có được rất nhiều lợi thế để có được vị thế như hiện nay. Việc tối ưu hóa nguồn lực con người đã giúp tập trung chuyên môn hóa, có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu. Các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng chia sẻ được nguồn cán bộ chung, các môn cơ bản (Toán, Lý, Hóa), Ngoại ngữ, Lý luận Chính trị, Giáo dục thể chất, Quốc phòng an ninh… được tập trung và giảng dạy cho tất cả các trường thành viên; chia sẻ được nguồn nhân lực cho các đơn vị giảng dạy sau ĐH, ĐH và CĐ; tận dụng được thế mạnh của môi thành viên, dễ điều động, luân chuyển cán bộ…

Là một ĐH vùng, ĐH Đà Nẵng có lợi thế trong việc huy động nguồn lực đầu tư của Nhà nước để thực hiện các công trình cần sự tập trung mà sự đầu tư nhỏ giọt của các trường riêng lẻ khó có thể thực hiện được. Đây cũng là ý kiến chung của các trường thành viên như ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ, CĐ Công nghệ thông tin… Về tài chính, hiện nay ĐH Đà Nẵng điều hành chug thông qua quy chế chi tiêu nội bộ, có phân cấp rõ ràng; thuận lợi cho việc điều tiết để đảm bảo cân đối về thu nhập, quyền lợi cho tất cả các thành viên. Việc dùng chung CSVC và đội ngũ cũng là điều kiện để ĐH Đà Nẵng thuận lợi cho nghiên cứu liên ngành, phối hợp triển khai các dự án nghiên cứu, thống nhất trong quản lý, triển khai và sử dụng kinh phí cho các đề tài NCKH.

Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ -  PGS. TS Phan Văn Hòa khẳng định: Nếu không có ĐH Đà Nẵng thì trường ĐH Ngoại ngữ không thhể phát triển nhanh chóng như hiện nay được. Nhờ sức mạnh, nguồn lực tổng hợp nên chỉ trong một thời gian ngắn, trường ĐH Ngoại ngữ đã được đầu tư xây dựng CSVC rất khang trang, hiện đại. Ông Hòa minh chứng, có những mã ngành, biết mở là “lỗ” nhưng ĐH Đà Nẵng vẫn hậu thuẫn cho trường ĐH Ngoại ngữ mở để đáp ứng yêu cầu của xã hội. Cũng cùng quan điểm này, TS Trần Tấn Vinh – Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ thông tin thừa nhận, chính nhờ vị thế, uy tín của ĐH Đà Nẵng mà công tác tuyển sinh, tuyển dụng giảng viên của trường CĐ Công nghệ thông tin gặp rất nhiều thuận lợi.

Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Trần Văn Nam, đến nay, về mô hình tổ chức, công tác cán bộ, về đào tạo, tài chính… ĐH Đà Nẵng còn gặp một số khó khăn nhất định trong quá trình phát triển. Việc điều phối, sử dụng nguồn lực còn khó khăn vì các trường không thể quản lý, điều hành cán bộ đơn vị khác đến làm việc, giảng dạy tại đơn vị mình. Việc phân cấp của Bộ GD&ĐT cho ĐH vùng chưa đủ mạnh nên thực ra vẫn không khác nhiều so với các ĐH khác trực thuộc Bộ GD. Trong tài chính, nguồn thu từ các trường thành viên rất khác nhau nên dẫn đến mâu thuẫn về quyền lợi; ở một khía cạnh nào đó, chính việc phân cấp của Bộ chưa mạnh nên ĐH Đà Nẵng chưa thoát khỏi là đơn vị trung gian trong quản lý tài chính (giữa Bộ và các trường thành viên). Đây cũng là những nhận xét chung của các trường thành viên như ĐH Kinh tế, ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm mà đoàn công tác trực tiếp đến làm việc. Ông Trần Văn Nam ví von việc vận hành của ĐH vùng như “đi thăng bằng trên dây, và chỉ có thể thăng bằng khi có sự hài hòa giữa  lợi ích cục bộ và sự phát triển toàn diện”.

Từ thực tế của 15 năm hoạt động theo mô hình ĐH hai cấp, ĐH Đà Nẵng kiến nghị Bộ GD&ĐT nên có quy định thống nhất về mô hình tổ chức quản lý của ĐH vùng và các trường ĐH thành viên; cần giao quyền tự chủ nhiều hơn nữa trong việc đầu tư, tài chính và triển khai thực hiện. Nhà nước cũng cần ưu tiên đầu tư cho các ĐH vùng phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ và quy mô.

Đoàn công tác liên Bộ thăm phòng thí nghiệm tự động hóa tại trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng
Đoàn công tác liên Bộ thăm phòng thí nghiệm tự động hóa tại trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng

Ngoài kiến nghị chung này, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng cũng có một số kiến nghị xuất phát từ đặc thù chung của đơn vị.

PGS.TS Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa cho rằng: “Trường ĐH Bách khoa là một trường kỹ thuật, nằm khá cách xa các trường thành viên khác nên việc sử dụng chung CSVC không có hiệu quả. SV thuận lợi cho việc học các môn Giáo dục thể chất nhưng lại không thể khai thác được các điều kiện học ngoại ngữ của trường ĐH Ngoại ngữ. Ngược lại, các SV trường khác muốn hỗ trợ NCKH, thực nghiệm cũng khó thực hiện. Cơ chế sử dụng chung CSVC chưa được xây dựng nên càng khó khăn hơn trong việc sử dụng tiết kiệm CSVC theo đúng mục đích của một ĐH vùng”. Việc đầu tư, trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy có giá trị lớn được tập trung về ĐH Đà Nẵng để thực hiện đấu thầu, mua sắm theo đúng quy định. Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Lê Kim Hùng, do thủ tục từ trình Bộ phê duyệt đến lúc triển khai mất quá nhiều thời gian, thường thì khi thời hạn quyết toán sắp đến mới triển khai thực hiện được. Điều này ảnh hưởng đến việc triển khai giảng dạy, nghiên cứu của trường, làm chậm thời gian sử dụng trang thiết bị.

TS Nguyễn Hoàng Bảo Thanh – Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm cho rằng: “Đặc thù của Trường ĐH Sư phạm là có sự gắn kết với hệ thống giáo dục phổ thông, nhưng chưa được ưu tiên. Do hoạt động theo phương thức chung của một ĐH mang tính kinh tế - kỹ thuật nằm trong cơ chế kinh doanh nhưng ĐH Sư phạm lại nằm trong lĩnh vực sự nghiệp Chính trị- Xã hội. Điều này dẫn đến sự quan tâm đầu tư của BGD&ĐT chưa đáp ứng kịp yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường ĐH Sư phạm hiện nay. Ngân sách Nhà nước cấp và nguồn thu học phí không đủ để phục vụ cho chủ trương cải cách chế độ tiền lương của Chính phủ, gây cho trường không ít khó khăn trong việc chi cho con người và chi phục vụ đào tạo. Do đó chi thực hành thí nghiệm, chi sửa chữa chống xuống cấp, tăng cường cở sở vật chất, trang thiết bị nhằm đổi mới PPGD, chi phụ cấp ưu đãi và các khoản chi khác cũng phải cắt giảm… Ngoài ra, trong mô hình phân cấp quản lý, dù mấy cấp cũng phải có bộ môn, vì đây là “tế bào” chuyên môn của một trường ĐH”.

TS Đào Hữu Hòa – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép các ĐH vùng có cơ chế thông thoáng hơn trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến đào tạo, NCKH… Giao quyền chủ động hơn nữa cho các ĐH vùng, các trường thành viên trong việc quyết định nội dung, chương trình đào tạo cũng như việc mở mới các ngành nghề đào tạo, các hệ đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội; nên nới lỏng quy định về các môn học bắt buộc trong khung chương trình đào tạo, nên giao cho các trường tự chịu trách nhiệm.

TS Võ Như Tiến – Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ băn khoăn về việc “lỗi hệ thống” bởi “khi nói đến các trường ĐH thì không có trường chúng tôi, nhưng nói đến hệ thống trường CĐ thì chúng tôi lại nằm trong ĐH nên cũng không có trường chúng tôi luôn”.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, từ kết quả khảo sát cùng những đóng góp ý kiến, đề xuất của các ĐH hoạt động theo mô hình ĐH hai cấp, sắp tới đây, sẽ có tổng kết, quy chế hoạt động mới. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, cũng rất khó để có quy chế áp dụng chung cho cả 5 cơ sở giáo dục theo mô hình ĐH hai cấp bởi quy chế hoạt động phải phù hợp với đặc thù của từng ĐH và phải xuất phát từ sự đề đạt, xây dựng từ cơ sở. Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục phân cấp mạnh mẽ cho các ĐH. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, để phát huy sức mạnh tổng hợp của một ĐH vùng như mục tiêu đề ra ban đầu, cần phải giải quyết được những vấn đề của mỗi trường thành viên cũng như mối quan hệ giữa trường thành viên và ĐH vùng theo quan điểm từng trường thành viên là một bộ phận không thể tách rời trong một tổng thể.

Ánh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ