Tự chủ đại học không chỉ là tự chủ về kinh tế

GD&TĐ - Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng thì tự chủ ĐH phải hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng về mọi mặt, trước hết là chất lượng đào tạo, NCKH và vị thứ, uy tín của các cơ sở giáo dục đại học. Với lộ trình tự chủ của các trường ĐH thành viên, vai trò chiến lược, điều phối của mô hình ĐH vùng sẽ phải thay đổi theo hướng quản trị ĐH tiên tiến, hiện đại với các chiến lược, chính sách phù hợp. 

Tự chủ đại học không chỉ là tự chủ về kinh tế

Xin PGS cho biết, việc phân cấp giữa ĐH Đà Nẵng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên (CSGDĐH TV) ở ĐH Đà Nẵng được thực hiện như thế nào?

ĐH Đà Nẵng luôn xác định mối liên hệ chặt chẽ, đồng bộ, gắn kết giữa đại học vùng và các CSGD ĐH TV cũng như giữa các CSGDĐH TV trong đại học vùng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là yếu tố đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của nhà trường.

Việc phân cấp ở ĐH Đà Nẵng được thực hiện thông qua các quy chế, quy định thực hiện đúng theo Thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tuân thủ Luật giáo dục đại học và phù hợp với Điều lệ trường đại học, Điều lệ trường cao đẳng, đảm bảo vai trò, chức năng, quyền hạn của đại học vùng trong việc quản lý, chỉ đạo, điều phối, kết nối và phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trong toàn hệ thống, đồng thời phát huy tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp, phân nhiệm rõ ràng, minh bạch, đúng quy định đối với các CSGDĐH TV.

Trên thực tiễn điều hành và quản trị đại học, mọi chủ trương, kế hoạch, chiến lược, quy chế và quy định của ĐH Đà Nẵng cũng như các trường thành viên đều có sự bàn bạc, thảo luận, thống nhất, thông qua Đảng ủy, Hội đồng đại học, Ban Giám đốc (cấp đại học vùng) hay Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu (cấp trường thành viên), tham khảo ý kiến, tư vấn của các hội đồng, chuyên gia trước khi ban hành, tổ chức thực hiện.

Sau trường ĐH Kinh tế, theo lộ trình, năm 2018 này, trường ĐH Bách khoa và ĐH Ngoại ngữ cũng sẽ tiến hành tự chủ đại học, các cơ sở giáo dục đại học còn lại sẽ thực hiện tự chủ trong năm 2020. Vai trò điều hành chiến lược và điều phối hoạt động của ĐH vùng sẽ như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng

Tự chủ là xu thế phát triển và là điều kiện cần thiết để đổi mới giáo dục đại học. Tự chủ đại học là vấn đề không mới đối với các ĐH của thế giới, tuy nhiên, áp dụng điều kiện thực tế Việt Nam sao cho phù hợp, hiệu quả cần có lộ trình hoàn thiện.

Tự chủ ĐH phải gắn liền với các mục tiêu chung, có tính “sống còn” của ĐH vùng cũng như các CSGDĐH TV, đó là nâng cao chất lượng về mọi mặt, trước hết là chất lượng đào tạo, NCKH và vị thứ, uy tín của các CSGDĐH TV chứ không nên hiểu chỉ là tự chủ về tài chính, do đó, quá trình này cần có sự quản lý, điều hành chiến lược chung của ĐH vùng, đồng thời nhờ đó tiếp tục thúc đẩy, tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi để các CSGDĐH TV thực thi thành công tự chủ ĐH đúng các quy định của pháp luật và đường lối đổi mới GD-ĐT.

Từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, ĐH Đà Nẵng đã xác định quyết tâm tiên phong trong triển khai tự chủ đại học và tháng 12/2017, trường ĐH Kinh tế là trường thành viên đầu tiên của khu vực miền Trung Tây Nguyên được Thủ tướng đồng ý cho phép thí điểm thực hiện tự chủ ĐH. Hiện nay, Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm tự chủ đã hết thời hiệu áp dụng. Các trường đang chờ Nghị định về tự chủ của Chính phủ và Luật Giáo dục đại học sửa đổi để triển khai việc thực hiện.

Mục tiêu và thách thức đặt ra đối với các CSGDĐH TV khi triển khai tự chủ ĐH không ngoài mục đích để phát huy tối đa năng lực, tiềm năng để các CSGDĐH TV, đơn vị trực thuộc để ĐH Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững.

Triển khai tự chủ ĐH không làm giảm đi vai trò, trách nhiệm, giám sát, điều phối chiến lược của đại học vùng mà trái lại, ĐH vùng sẽ áp dụng các phương thức quản trị ĐH tiên tiến từ kinh nghiệm và mô hình các ĐH lớn (đa lĩnh vực, có học hiệu và vị thứ xếp hạng trong top đầu thế giới) để ban hành chiến lược, đề án phát triển tổng thể ĐH vùng và các CSGDĐH TV đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của quốc gia và khu vực, tăng cường tính thống nhất, hiệu quả sử dụng chung các nguồn lực, thúc đẩy gắn kết và phát huy sức mạnh hệ thống để tạo ra giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập về mọi mặt, thực hiện kiểm định chất lượng và xếp hạng ĐH theo chuẩn quốc tế.

Tuy vậy, việc thực hiện tự chủ ĐH là quá trình đổi mới vừa cần có các quy định pháp lý trên cơ sở thực tiễn Việt Nam phù hợp với các chuẩn mực và kinh nghiệm quốc tế, trong đó ĐH vùng thực thi các nhiệm vụ được Bộ GD&ĐT phân cấp, xây dựng chiến lược phát triển chung, cụ thể ở các khâu chỉ đạo, giám sát, điều phối, huy động nguồn lực, hỗ trợ và nâng cao tính chủ động, sáng tạo, thực thi quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm của các CSGDĐH TV trước xã hội.

Trong tự chủ đại học, phải nhấn mạnh đến trách nhiệm giải trình với xã hội nhưng cũng chú trọng đến trách nhiệm tương đối với cộng đồng. Do đó, là một ĐH thành viên thực hiện tự chủ ĐH thì phải tính trong sự phát triển tổng thể chung của ĐH vùng. Điều này được thể hiện như thế nào sau một năm trường ĐH Kinh tế triển khai tự chủ, thưa ông?

Tôi đồng ý với cách đặt vấn đề nêu trên. Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng trải qua hơn một năm thí điểm triển khai tự chủ ĐH và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có tính đột phá, sáng tạo, tiếp tục là trường ĐH thành viên quan trọng và có những bước phát triển nhanh chóng, đúng hướng, thể hiện vai trò tích cực, đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của ĐH Đà Nẵng. Chất lượng đào tạo, NCKH được nâng lên, hiệu quả các mặt hoạt động, nhất là vai trò chủ động, sáng tạo và trách nhiệm trong quản lý của nhà trường thể hiện ngày càng rõ nét.

Vai trò tự chủ về mọi mặt của nhà trường được đảm bảo và phát huy, được sự hỗ trợ tích cực của ĐH vùng và các CSGDĐH TV khác đem lại cho Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng những lợi thế quan trọng để phát triển theo chiến lược của nhà trường, phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển chung của toàn hệ thống.

Kết quả triển khai tự chủ ĐH của nhà trường đã đem lại nhiều kết quả bước đầu tích cực, nhiều kinh nghiệm tốt, những bài học và tồn tại cần khắc phục sẽ được tiếp tục nhà trường đúc kết và hoàn thiện trong những năm tiếp theo, là cơ sở thực tiễn để ĐH Đà Nẵng vững tin hơn nữa trong quá trình chỉ đạo, điều phối chiến lược cho các CSGDĐH TV khác sẵn sàng thực thi theo kế hoạch và lộ trình đã đề ra.

Có thể đánh giá, tính gắn kết, thống nhất và sức mạnh của toàn ĐH vùng được nâng cao, vai trò chỉ đạo, điều phối chiến lược và giám sát, hỗ trợ của ĐH vùng càng được thể hiện rõ. ĐH Đà Nẵng đã ban hành Chiến lược phát triển tổng thể ĐH Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và trình Bộ GD&ĐT, Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển tổng thể ĐH Đà Nẵng để thực thi những mục tiêu chiến lược nêu trên.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, chúng ta vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, vừa đảm bảo vai trò quản lý Nhà nước và giám sát, nâng cao tính tự chủ gắn liền trách nhiệm xã hội và các mục tiêu phát triển của các CSGDĐH để thực thi tự chủ toàn diện và đồng bộ, ngày càng hiệu quả, đặc biệt trong điều kiện các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học của chúng ta còn thấp so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới.

Xin cảm ơn PGS!

   Vai trò tự chủ về mọi mặt của nhà trường được đảm bảo và phát huy, được sự hỗ trợ tích cực của ĐH vùng và các CSGDĐH TV khác đem lại cho Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng những lợi thế quan trọng để phát triển theo chiến lược của nhà trường, phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển chung của toàn hệ thống. 

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.
Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...