Hiểu thế nào là tự chủ đại học

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

"Hiểu thế nào là tự chủ đại học" là nội dung được TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - đóng góp trong diễn đàn "Tự chủ đại học - những vấn đề đặt ra", nằm trong tham luận của ông về "Kinh nghiệm quốc tế và một số vấn đề đư do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây.

Tự chủ đại học là gì?

Tham luận của TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đưa thông tin: Tháng 11/1997, Đại hội đồng UNESCO trong Bản khuyến nghị về vị thế giảng viên ĐH đã đưa ra định nghĩa sau:

“Tự chủ là mức độ tự quản mà cơ sở giáo dục ĐH cần có để ra quyết định hữu hiệu về công tác chuyên môn, các chuẩn mực, nhiệm vụ quản lý và các hoạt động liên quan, nhất quán với các hệ thống giải trình công, đặc biệt là giải trình về ngân sách nhà nước, về sự tôn trọng quyền tự do học thuật và quyền con người. Tuy nhiên, bản chất về quyền tự chủ nhà trường có thể thay đổi tùy theo loại hình nhà trường”.

Một năm sau, Hiệp hội quốc tế các ĐH (IAU) trong bản Tuyên bố về tự do học thuật, tự chủ ĐH và trách nhiệm xã hội, đã tiếp tục làm rõ như sau:

“Nguyên tắc về tự chủ ĐH có thể được hiểu là mức độ độc lập cần thiết đối với sự can thiệp bên ngoài mà trường ĐH cần có trong tổ chức và quản trị nội bộ, trong phân bổ nội bộ các nguồn lực tài chính và huy động thu nhập từ các nguồn ngoài ngân sách, trong tuyển dụng giảng viên, trong quy định các điều kiện học tập, và cuối cùng, trong việc tự do giảng dạy và nghiên cứu”.

Nói một cách ngắn gọn thì tự chủ ĐH là quyền tự do của nhà trường ĐH trong việc quyết định những công việc của chính mình; những công việc này hiện được quan tâm chủ yếu ở bốn lĩnh vực: học thuật, tài chính, tổ chức và nhân sự.

Tuy thế khảo sát năm 2003 của OECD cho thấy vẫn chưa có một quan niệm thống nhất về tự chủ ĐH (nội dung, phạm vi, mức độ) được chia sẻ giữa các quốc gia thuộc khối OECD cũng như giữa các hệ thống GDĐH. Điều này có liên quan trước hết đến nhận thức về tầm quan trọng của tự chủ ĐH.

Nhận thức, xử sự khác nhau đối với việc thực hiện quyền tự chủ ĐH

Tầm quan trọng này, theo tham luận của TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, được làm rõ trong lý thuyết quản lý công mới. Theo đó, để nâng cao hiệu quả-chi phí trong các đơn vị công cần vận dụng cách quản lý của doanh nghiệp trên cơ sở phát huy quyền tự chủ của đơn vị.

Vì thế, ở các nước đi đầu trong quản lý công mới, quyền tự chủ ĐH được nhà nước giao cho nhà trường trên cơ sở niềm tin rằng nếu được tự chủ thì nhà trường sẽ thực hiện tốt hơn việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Vì niềm tin này dựa chủ yếu vào lý luận quản lý hơn là bằng chứng tổng kết từ thực tiễn nên từng nước, tùy theo trình độ phát triển kinh tế, truyền thống văn hóa, chế độ chính trị và thể chế giáo dục, sẽ có những nhận thức khác nhau và xử sự khác nhau đối với việc thực hiện quyền tự chủ ĐH.

Lấy ví dụ về việc thực hiện tự chủ ĐH ở các nước Châu Âu. Khảo sát năm 2007-2008 của Hiệp hội ĐH Châu Âu (EUA) nhận định: “Mặc dù khảo sát cho thấy một xu thế chung trong toàn Châu Âu về việc tăng tự chủ ĐH, nhưng vẫn còn một số lớn nước chưa trao được là bao quyền tự chủ cho các ĐH của mình, vì vậy hạn chế kết quả thực hiện của nhà trường.

Cũng có một số trường hợp, quyền tự chủ đã được trao nay lại bị xiết lại. Cũng phổ biến là khoảng cách giữa tự chủ trên văn bản với mức độ thực tế để ĐH có thể hành động với sự độc lập nào đó”.

Mới đây nhất, trên cơ sở đánh giá và xếp hạng tự chủ ĐH trong phạm vi 29 hệ thống GDĐH Châu Âu năm 2016, EUA nhận định: “Không có xu thế tự nhiên hướng tới việc tăng quyền tự chủ ĐH trong toàn Châu Âu.

Việc đánh giá cho thấy phần nào tính phức tạp của vấn đề bắt nguồn từ các đặc trưng và cấu trúc của từng hệ thống GDĐH và liên quan đến một số khía cạnh khác, chẳng hạn sự sẵn sàng của nguồn lực.

Quyền tự chủ ĐH chỉ được tăng cường khi có sự cam kết liên tục và đối thoại tích cực giữa ngành GDĐH với các cơ quan công quyền”.

Như thế, có thể thấy, dù rằng xu thế chung là hướng tới phát huy quyền tự chủ đại học, nhưng từ nhận thức đến các quy định pháp lý về tự chủ ĐH, có sự khác biệt đáng kể từ nước này sang nước khác và từ lĩnh vực tự chủ này sang lĩnh vực tự chủ khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ