Nhiều hướng mở trong vấn đề tự chủ đại học

GD&TĐ - Dự thảo Luật Giáo dục đại học đã đưa ra sự đột phá về cơ chế, chính sách, gỡ bỏ những “nút thắt” cản trở giáo dục đại học phát triển. Tán thành về việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học, cơ chế tự chủ tài chính của các trường đại học, quy chuẩn thành viên hội đồng quản trị… là những nội dung được Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng tham gia ý kiến xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Nhiều hướng mở trong vấn đề tự chủ đại học

Nâng cao vai trò của Hội đồng trường

Theo ông Lê Quốc Tiến, Phó Hiệu trưởng ĐH Hàng hải, Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi lần này có nhiều thay đổi khá quan trọng, nhiều hướng mở, đặc biệt là trong việc nâng cao vai trò của Hội đồng trường, tăng tính tự chủ của trường đại học cả về mặt nhân sự, cả về mặt tài chính, học thuật.

Tuy nhiên, ông đưa ra một số băn khoăn như trong hệ thống quản lý nói chung, công tác nhân sự của các đơn vị vẫn theo hướng do Đảng lãnh đạo, kể cả hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, cấp Thường vụ Đảng ủy, các cấp ủy Đảng vẫn quyết định hệ thống nhân sự. Trong dự thảo này, Chủ tịch Hội đồng quyết định toàn bộ cả cấp hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và trưởng bộ môn trong trường… nếu không cẩn thận dẫn đến chồng chéo trong chức năng nhiệm vụ.

Về mặt cơ sở vật chất Hội đồng trường cũng cần quy định rõ. Ngân sách của trường ai là người chịu trách nhiệm, chính cũng cần được làm rõ hơn.

Một điểm nữa, trong Chủ tịch Hội đồng trường cũng nêu quá chung chung. Trong dự thảo, chức danh Hội đồng trường có kinh nghiệm quản lý GD vẫn chung chung, chưa rõ về mặt tiêu chuẩn. Nếu nâng cao vai trò của Hội đồng trường thì việc bầu ra Hội đồng trường phải rất chặt chẽ, đủ định hướng. Chủ tịch Hội đồng trường đứng trên cả hiệu trưởng. Chủ tịch Hội đồng trường là người đi đầu dẫn dắt toàn bộ nhà trường đứng trên hiệu trưởng và CBQL.

Vấn đề kiểm định chương trình đào tạo, các trường đại học muốn mở ngành phải được kiểm định chất lượng đào tạo. Nếu áp dụng ngay trong luật, các trường đại học sẽ vướng, muốn mở ngành chúng ta sẽ mất thời gian dẫn đến chậm trễ.

Nên quy định chi tiết về quyền tự chủ và năng lực tự chủ

Để thực hiện tự chủ về tổ chức và nhân sự, Hội đồng trường là thiết chế quan trọng, ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng, ở các trường THPT cũng thành lập Hội đồng trường nhưng chức năng của Hội đồng trường khá mờ nhạt, không rõ nét như đối với đại học.

Ông Lợi phân tích, tại Điều 35, 37 dự thảo Luật GD đại học sửa đổi đang có sự mâu thuẫn. Điều 37 viết: “Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm tổ chức và quản lý đào tạo theo tích luỹ tín chỉ, niên chế hoặc kết hợp; thực hiện quy chế và chương trình đào tạo đối với mỗi trình độ đào tạo, hình thức đào tạo. Điều 35 thời gian đào tạo xác định dựa trên tín chỉ tích lũy quy định theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Vì vậy cần có sự thống nhất trong việc dùng từ đào tạo niên chế và tín chỉ.

Ở Điều 16, dự thảo Luật đưa khái niệm: Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện cho quyền sở hữu Nhà nước và các bên có lợi ích liên quan. Hội đồng trường được phép quyết định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục của trường.

Theo điều luật này, trừ các cơ sở GD đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Hội đồng trường có quyền quyết định nhân sự hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng, sau đó trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của hiệu trưởng hằng năm; lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ, đột xuất nếu thấy cần thiết. Luật GD đại học cần quy định chi tiết hơn quy trình của Hội đồng trường đối với cơ sở GD đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Đồng ý với việc Hội đồng trường là thiết chế quan trọng, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng cho rằng, số thành viên Hội đồng trường phải là số lẻ, tối thiểu là 17 người, bao gồm các thành viên trong và ngoài cơ sở GD đại học, trong đó các thành viên ngoài cơ sở GD đại học chiếm tỷ lệ tối thiểu 30% tổng số thành viên của Hội đồng trường.

Ông Tuấn cho rằng, chiếm 30% thành viên bên ngoài trong Hội đồng trường là hơi cao. Nếu để thành viên ngoài quyết định chuyên môn, tiếp cận với đổi mới giáo dục liệu có ảnh hưởng đến chuyên môn hay không.

Liên quan đến đầu tư trong Luật GD đại học, ông Trần Việt Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng chia sẻ: Nhà đầu tư trong dự thảo Luật GD đại học thiên về GD tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Vậy đặt câu hỏi nhà đầu tư hoạt động vì lợi nhuận thì sao, khi nhà đầu tư bỏ vốn thì họ sẽ phải tính đến vấn đề lợi nhuận. Chúng ta cần chú ý năng lực của nhà đầu tư rất quan trọng. Cần xem lại khả năng tài chính của nhà đầu tư, tối thiểu quy định là bao nhiêu? Cần định nghĩa rõ nhà đầu tư trong Luật GD đại học sửa đổi mặc dù trong Luật Đầu tư thì nhà đầu tư đã quy định rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ