Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) nêu câu hỏi về vấn đề việc làm sinh viên.
Bộ trưởng trả lời: Về việc này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải thích rõ. Theo Bộ trưởng, gốc của vấn đề là chất lượng, do đó, giải quyết căn cơ tình trạng thất nghiệp của sinh viên là phải từ chất lượng. Một trong những giải pháp là kết hợp với thị trường lao động, doanh nghiệp, mở rộng và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các quá trình khác nhau của đào tạo; nâng cao chất lượng từ giáo viên đến cơ sở vật chất, quản trị nhà trường, cung cấp thông tin thị trường lao động; từng trường phải chủ động phải nghiên cứu thị trường trước khi mở các các ngành đào tạo.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Mặc dù được tự chủ tuyển sinh, nhưng không có nghĩa trường muốn mở ngành gì cũng được mà phải nắm được thị trường và phải đảm bảo chất lượng. “Chúng tôi tăng cường hậu kiểm. Các trường phải có trách nhiệm về sản phẩm của mình. Đặc biệt, sẽ công khai minh bạch về chất lượng” – Bộ tưởng cho hay.
Phiên chất vấn sáng 6/6 |
Đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) trước khi đưa câu hỏi chất vấn thể hiện sự trân trọng, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của Bộ trưởng, từ đó muốn hỏi về lộ trình đổi mới, trong nhiệm kỳ của mình, dự kiến kết quả sẽ thực hiện được trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Hồ Thị Vân, Bộ trưởng cho rằng: Đổi mới giáo dục không thể nóng vội vì liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau; quyết tâm làm nhưng phải có bước đi, lộ trình. Ngay như đổi mới thi, chúng ta từ 2 kỳ thi rất tốn kém, giờ chuyển thành kỳ thi 2 trong 1; đến năm 2017 cơ bản ổn đinh, được nhân dân, cử tri cơ bản đồng tình.
Theo Bộ trưởng, thực hiện đổi mới, chúng ta đang ở giai đoạn thực hiện nhiệm vụ và có kết quả. Ví dụ, phổ cập mầm non 5 tuổi, đây là thành công rất lớn so với các nước trong khu vực. Việc huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 cũng được đánh giá cao. Học sinh Việt Nam tham gia kỳ đánh giá PISA đạt kết quả tốt; Ngân hàng thế giới cũng có ghi nhận kết quả đổi mới giáo dục Việt Nam.
Về chương trình giáo dục phổ thông mới, xây dựng chương trình tổng thể, chương trình các môn học đang được đánh giá kỹ lưỡng. Trong khi chờ chương trình mới, Bộ đã chỉ đạo các địa phương đổi mới dần để chương trình hiện hành giảm tải hơn, phù hợp hơn theo phương thức giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Trong quá trình chuyển đổi, có những vấn đề về quan điểm, về điều kiện thực hiện,.., mong cử tri và nhân dân chia sẻ với Ngành. Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng nhấn mạnh thực hiện về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đẩy mạnh tự chủ đại học…
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về cử tuyển, Bộ trưởng cho biết: Đây là chính sách được Đảng và Nhà nước quan tâm. Cách đây khoảng 5-7 năm, chính sách cử tuyển đã phát huy tác dụng. Nhưng gần đây, do nhiều lý do khác nhau, nhiều sinh viên diện cử tuyển tốt nghiệp không được bố trí việc làm. Chúng tôi đã thực hiện chỉ đạo của Kỳ họp trước của Quốc hội, tiến hành khảo sát, rà soát đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, đi theo hướng thiết thực, gắn trách nhiệm với người cử đi học là địa phương, người học và chính sách với đối tượng cử tuyển này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến về vấn đề Xuống cấp đạo đức giáo viên
Về vấn đề xuống cấp đạo đức của giáo viên, vừa qua có nhiều đại biểu rất bức xúc, tuy nhiên đó là những trường hợp cá biệt, không phải là phổ biến, chúng ta không nên nhìn vào đó để đánh giá rằng, các thế hệ nhà giáo của chúng ta đang xuống cấp đạo đức. Ở đây đại biểu Quốc hội muốn nói trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ sở giáo dục đó, từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở ở đó có địa chỉ cụ thể, ở đó có cộng đồng dân cư, có chính quyền, có các ban gành đoàn thế. Để xảy ra các vấn đề đó thì các cơ sở giáo dục này có biết không, chính quyền địa phương đó có biết không cho đến khi các phương tiện truyền thông lên tiếng thì mới đi vào để làm rõ. Ở đây trách nhiệm của cả một cộng đồng xã hội. Cả một hệ thống chính trị phải vào cuộc chứ không phải trách nhiệm của riêng Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo.
Trả lời câu hỏi chất vấn đề giáo dục Mầm non, Bộ trưởng cho biết, hiện chúng ta có hơn 15.000 cơ sở giáo dục mầm non, về cơ bản các giáo viên tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ. Số giáo viên mầm non bạo hành chủ yếu xảy ra ở các nhóm trẻ độc lập tư thục.
Tinh thần của Bộ GD&ĐT là xử lý nghiêm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ, giáo viên yếu kém về phẩm chất, năng lực; đình chỉ, thậm chí đóng cửa các cơ sở sai phạm, không đảm bảo điều kiện. Những vụ việc xảy ra đã được ngành, địa phương nhanh chóng vào cuộc.
Nói về giải pháp, theo Bộ trưởng, tới đây sẽ thực hiện những giải pháp căn cơ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Theo đó, đội ngũ giáo viên phải được quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng thường xuyên và đương nhiên phải có chế độ hợp lý. Hiện nay, chế độ cho giáo viên mầm non quá thấp, đây cũng là một lý do gây áp lực.
Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan, một mặt tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ giáo viên mầm non, mặt khác đi kèm chế độ đãi ngộ, chính sách… để giáo viên mầm non yên tâm với nghề.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) bày tỏ băn khoăn về số học sinh giỏi nhiều, về bệnh thành tích trong giáo dục.
Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết đã tồn tại từ lâu và không phải chỉ ở quy định mà còn là văn hóa, thói quen. Bộ GD&ĐT đang rất tích cực để hạn chế điều này.
Để hạn chế bệnh thành tích, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo hạn chế các cuộc thi, không tính điểm các cuộc thi vào thành tích các trường; đồng thời đổi mới phương thức đánh giá, có cơ chế bảo đảm kết quả giảng dạy phản ánh đúng chất lượng giáo dục và năng lực giáo viên. Cùng với đó, đổi mới công tác thi đua trong trường học theo hướng thiết thực, tránh chạy theo bệnh thành tích...
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về tự chủ đại học và tăng học phí đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục đại học là một trong những ưu tiên rất quan trọng của Đảng, Nhà nước. Dù thực hiện tự chủ nhưng không có nghĩa là không có đầu tư của nhà nước mà là đầu tư có hiệu quả, thay cấp phát bằng giao nhiệm vụ, đặt hàng.
Với trường hợp sinh viên nghèo, Chính phủ có nhiều chính sách ưu tiên, miễn học phí, học bổng, huy động nguồn lực bên ngoài và yêu cầu các trường có quỹ học bổng cho sinh viên nghèo học giỏi. Hiện có nhiều trường đã hình thành và sử dụng tốt quỹ này.
Đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi về giáo dục Mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Giáo dục mầm non áp lực rất cao. Theo phân cấp, bậc học này phường xã quản lý trực tiếp, do đó, vai trò quản lý, giám sát của lãnh đạo hệ thống chính trị cấp cơ sở phải rất cao. Trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu giám sát. Bộ trưởng mong chính quyền địa phương cùng giám sát theo hướng phòng ngừa.
Về phía Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về mặt nội dung, chương trình, phát triển giáo viên, chịu trách nhiệm bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu.
Bộ trưởng cho biết, tới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 115 sửa đổi, sẽ nêu rõ trách nhiệm của Bộ, địa phương trong quản lý giáo dục.
Trả lời chất vấn về thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng cho biết, đây là quy trình. Sau khi tập thể tác giả xây dựng dự thảo chương trình môn học đã đi khảo sát thực nghiệm tại các trường ở 6 tỉnh thành khác nhau, phần lớn ý kiến đánh giá chương trình có nhiều điểm mới, tuy nhiên, một số môn, kiến thức còn nặng, cần làm rõ thêm phương pháp và gắn với điều kiện thực hiện.
Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội là đổi mới, chương trình lần này kế thừa những hợp lý của chương trình hiện hành và phát triển những điểm mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn và xu hướng quốc tế, phù hợp với điều kiện thực hiện của địa phương. Quá trình xây dựng chương trình các môn học luôn được chỉnh sửa để khi triển khai phải đồng bộ với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.
Bộ trưởng cho rằng, trong lần đổi mới này, vấn đề lớn nhất là ở đội ngũ giáo viên. Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án bồi dưỡng giáo viên để phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới, hiện nay đang triển khai và theo đúng lộ trình.
Trả lời câu hỏi về chất lượng sinh viên sư phạm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đến giải pháp, đặc biệt là giải pháp về phía ngành Giáo dục.
Theo đó, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo rà soát để biết được nhu cầu sử dụng giáo viên đến tận từng môn học, có kế hoạch gắn đào tạo với sử dụng; đồng thời, đang đẩy mạnh quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm, theo hướng chỉ tập trung vào một số trường lớn ; còn các trường không chuyên, trường cao đẳng theo hướng vệ tinh; làm sao để trường đào tạo sư phạm phải thực sự tốt.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng bộ, ngành liên quan, tham mưu Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp đồng bộ; trong đó có vấn đề việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi ra trường.
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ 2 vấn đề: Thực tế nhiều địa phương muốn được công nhận nông thôn mới nên xin được nợ chuẩn giáo dục; tình trạng học tủ, học lệch của học sinh.
Bộ trưởng thừa nhận thực tế có địa phương xin nợ chỉ tiêu để đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 chỉ tiêu liên quan đến giáo dục và đào tạo. Cho biết không đồng tình với việc này, Bộ trưởng khẳng định, tới đây, khi chương trình giáo dục được tích hợp sẽ không còn việc nợ chuẩn giáo dục để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Với tình trạng một số học sinh bỏ không học các môn không thi, Bộ trưởng cho biết có thật và không đồng tình với thực trạng này với lý giải: Giáo dục phổ thông là giáo dục toàn diện, chú trọng dạy con người, chứ không phải chú trọng môn thi. Từ đó nhấn mạnh kiên quyết để học sinh học toàn diện, không phải học để đi thi.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội |
Trả lời chất vấn của Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thẩm định xong chương trình từng môn học và trong tháng 6 này sẽ quay về chương trình tổng thể. Như vậy, cuối tháng 6 sẽ ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới.
Để triển khai chương trình mới, theo Bộ trưởng, trước mắt sẽ tiến hành bồi dưỡng giáo viên cốt cán, trong đó chú trọng giáo viên cấp 1, vì theo kế hoạch, chương trình thực hiện theo phương thức cuốn chiếu, từ năm 2019 sẽ thực hiện với lớp 1.
Khi xây dựng chương trình mới sẽ chú trọng vào xây dựng phương thức tổ chức hoạt động giáo dục, theo hướng lấy học trò làm trọng tâm, ứng dụng các phương thức tiến bộ để tăng tính chủ động của giáo viên, học sinh, qua đó nhằm khắc phục tính bị động, tăng kỹ năng cho học sinh.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) về vị trí của giáo dục đại học Việt Nam thực sự đứng ở đâu trong bảng xếp hạng của khu vực châu Á và giải pháp nào để nâng cao vị trí xếp hạng của đại học Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết:
Giáo dục đại học có một số trường, một số nhóm ngành tốt, nhưng về cơ bản chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, nhất là cuộc cách mạng 4.0. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có những nguyên nhân thuộc về Ngành. Trước hết, đó là chương trình đào tạo chưa thực sự sát với thị trường, chưa nghiên cứu xây dựng chương trình theo đúng yêu cầu, căn cứ từ thực tiễn và điều kiện đảm bảo chất lượng. Giáo viên, cơ sở chật vất, tài chính cũng còn nhiều vấn đề.
Cơ sở vật chất phần lớn trường đại học chưa đủ điều kiện cơ bản để thực hiện nhiệm vụ đào tạo chất lượng cao và nghiên cứu. Về tài chính, mặc dù rất cố gắng nhưng vẫn thấp. Suất chi phí một năm đối với sinh viên Việt Nam bình quân có 630 đô la, trong đó tương tự ngành như vậy ở các nước như Mỹ là 19.000 đô la, New Zealand và Úc là 17.000, ngay cả Trung Quốc cũng 3.500. Với chi phí thấp như vậy thì giáo dục đại học rất khó mong đợi chất lượng cao.
Tới đây sẽ tác động làm sao không bình quân, không dàn trải mà phân loại những trường chất lượng cao, những trường chất lượng vừa phải, trường chất lượng thấp thậm chí có thể xem xét sáp nhập, giải thể.
Nhấn mạnh các giải pháp để nâng cao chất lượng liên quan đến tự chủ, Bộ trưởng cho rằng, tự chủ là một trong những điểm “nghẽn” làm các trường đại học không phát huy được sự chủ động, sáng tạo, nội lực. Tới đây, Quốc hội cho ý kiến để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, tâm điểm là thực hiện tự chủ của trường đại học.
Chia sẻ về xếp hạng các trường đại học Việt Nam, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, bức tranh giáo dục đại học có những điểm sáng. Gần đây chúng ra có 5 trường vào nhóm 400 của xếp hạng châu Á QS là 2 Đại học Quốc gia, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ và ĐH Huế.
“Gần đây, theo thông tin tôi được biết, chúng ta bắt đầu có 2 đại học lọt vào 1.000 trường tốt nhất thế giới, trong đó có trường tiếp cận vị trí 700-800 là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc nhóm 87/194 nước, lãnh thổ có trường đại học lọt vào trong nhóm này. Đây là tín hiệu đáng khích lệ” – Bộ trưởng cho hay.
Tới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, một mặt tăng cường kiểm định để nâng cao chất lượng và lấy kiểm định chất lượng là chính, đồng thời thực hiện xếp hạng các trường. Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có đề án đầu tư trọng tâm, trọng điểm ở những trường xuất sắc, ngành xuất sắc theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực. Còn các ngành theo định hướng ứng dụng, ngành có chất lượng cao nhưng vào phân khúc thị trường khác nhau sẽ phục vụ theo nhu cầu thị trường.
Trả lời câu hỏi về kiểm định chất lượng trường đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ GD&ĐT đã tăng cường kiểm định ngành và kiểm định chương trình. Đến nay có 122 trường được đánh giá ngoài, trong đó 89 trường được kiểm định đạt, 5 trường không đạt, 28 trường đang chờ đánh giá ngoài, 5 trường được Hội kiểm định quốc tế của Pháp công nhận. Trong 104 chương trình đào tạo có 76 chương trình đào tạo đã đạt chuẩn quốc tế.
Trước ý kiến của Đại biểu về chạy theo kết quả đẹp để đạt kiểm định, theo Bộ trưởng, cho đến nay là chưa có minh chứng phản ánh việc này; tuy nhiên, sẽ tiếp thu để tăng cường kiểm tra giám sát. Trong thực tế, đã có kế hoạch và triển khai một số hoạt động để nâng cao, tăng cường năng lực của 4 trung tâm kiểm định. Tới đây sẽ tăng cường đào tạo kiểm định viên, kiểm soát chất lượng kiểm định viên và công khai minh bạch kết quả kiểm định các đơn vị trên mạng để mọi người có thể giám sát.
Về liên kết đào tạo nước ngoài, Bộ trưởng khẳng định chủ trương này là đúng, đây là một kênh để nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra giám sát, một số chương trình hay một số trường không thực hiện nghiêm quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng giáo viên, về điều kiện đầu vào - dẫn đến triển khai không đạt yêu cầu đặt ra.
Trong vấn đề này, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm trong kiểm tra, kiểm soát, đôi lúc chưa thường xuyên dẫn đến hiện tượng có một số người học tốt nghiệp nhưng chiếu vào quy định chưa đạt yêu cầu. “Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu, tăng cường giám sát mạnh hơn và điều chỉnh một số văn bản cho phù hợp” – Bộ trưởng khẳng định.
Trả lời chất vấn của Đại biểu về nghiên cứu khoa học trong trường đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng của trường đại học, nếu không nói là cơ bản, vì có nghiên cứu khoa học tốt mới đào tạo tốt, đây là sự khác biệt của đại học với các trường khác.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ đạo các trường dành nhiều thời gian và chi phí để cho hoạt động này thông qua các chương trình. Trong đó xây dựng các chương trình khởi nghiệp sáng tạo, các nhóm nghiên cứu.
Đến nay các trường bắt đầu có hoạt động tốt, được thể hiện trong chỉ số về xếp hạng và trong những chương trình nâng cao chất lượng. Tới đây, Bộ GD&ĐT cùng với Bộ Khoa học - Công nghệ và các bộ khác để đẩy mạnh đề án của Chính phủ ban hành về đổi mới sáng tạo trong các trường đại học và tăng cường gắn với viện, trường, doanh nghiệp…
Trả lời chất vấn về cơ sở vật chất trường học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản, các đề án hỗ trợ cơ sở vật chất, trường lớp sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ để khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, tranh tre, nứa lá.
Trong 10 năm, từ năm 2008 đến nay đã xây được khoảng 34.000 trường mầm non và chừng đó trường tiểu học. Đây là cố gắng rất lớn.
Gần đây, Chính phủ đã ưu tiên nguồn trái phiếu Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ các vùng khó khăn, trong đó có miền núi. Chúng tôi tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có chính sách phù hợp hơn với những đối tượng cận nghèo, thoát nghèo hoặc đã thoát nghèo nhưng có xu hướng rơi vào cận nghèo. Chúng tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu để tham mưu cho Chính phủ một chính sách căn cơ hơn.
(Tiếp tục cập nhật)