Nhắc lại con số Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ về sinh viên ra trường không có việc làm khoảng 4%, Phó Thủ tướng cho biết, trung bình ở các nước, con số này là 7%. Theo Phó Thủ tướng, yêu cầu cứ học đại học phải 100% có việc làm là không đúng; việc có tỷ lệ nhất định sinh viên ra trường không có việc làm là bình thường trên thế giới, chính điều đó thúc đẩy sự cạnh tranh, vươn lên của các cơ sở giáo dục.
Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho rằng, có nhiều việc phải làm, trong đó đầu tiên là thực hiện hướng nghiệp, đẩy mạnh hướng nghiệp ngay từ THCS. Thứ 2 là phải nâng cao chất lượng giáo dục đại học mà một trong những vấn đề quan trọng là đẩy mạnh tự chủ đại học…
Phó Thủ tướng chia sẻ con số khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc làm theo nhóm trường có điểm đầu vào từ cao xuống thấp, cho thấy, trường có điểm đầu vào càng cao thì tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 12 tháng càng cao. Một số nhóm ngành có tỷ lệ không tìm được việc làm cao nhất là khoa học giáo dục và giáo viên, dịch vụ xã hội, môi trường, pháp luật, văn hóa thể thao…
Kiên quyết đuổi khỏi ngành giáo viên bạo hành trẻ
Trong phiên chất vấn, rất nhiều câu hỏi của Đại biểu Quốc hội gửi đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về bậc học mầm non. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng chia sẻ và cho biết bức xúc trước một số hiện tượng, một số nơi để xảy ra bạo hành trong trường học, đặc biệt với trẻ mầm non. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến chất lượng đào tạo giáo viên mầm non; do đó, nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm là rất quan trọng. "Điều này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nói rất kỹ" - Phó Thủ tướng nói.
Nói về nguyên nhân, theo Phó Thủ tướng, liên quan đến trách nhiệm kiểm tra, từ xét cho mở trường, mở nhóm lớp độc lập của chính quyền địa phương (trong đó có cả cán bộ ngành Giáo dục), nhưng quan trọng nhất là độ bao phủ của bậc học mầm non, nhất là nhà trẻ rất thấp. Từ đó, Phó Thủ tướng cho rằng, cần ưu tiên phát triển trường, lớp mầm non và tha thiết đề nghị địa phương làm tốt hơn việc này, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đưa ra con số khảo sát, các trường mầm non công lập, mức kinh phí phụ huynh phải đóng hàng tháng từ 900 ngàn đến 1,1 triệu; người gắn bó với ngành giáo dục, lấy nhà riêng mở lớp, kinh phí cũng khoảng như trên hoặc cao hơn chút ít, nhưng với trường tư nhân phải đầu tư từ ban đầu buộc lấy học phí cao hơn, rất khó khăn cho công nhân, Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài các trường công lập, rất cần mô hình nhà nước hỗ trợ một phần để tổ chức, cá nhân mở trường tư.
Riêng vấn đề bạo hành trẻ, Phó Thủ tướng đề nghị, trong mọi trường hợp phải đưa ra khỏi ngành Giáo dục, không vì một số cá nhân mà ảnh hưởng chung đến toàn ngành.
Giáo dục đại học có điểm sáng
Về chất lượng đào tạo, Phó Thủ tướng đánh giá cao giáo dục phổ thông và cho biết, hiện chúng ta mới chỉ có 2 chỉ số đứng tốp 50 thế giới, trong đó có chất lượng giáo dục phổ thông
Về giáo dục đại học, Phó Thủ tướng cho biết 3 năm trở lại đây, với quyết tâm đẩy mạnh tự chủ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và quyết liệt đổi mới, chúng ta đã có kết quả. "Chúng ta đặt mục tiêu có ít nhất 1 trường đại học lọt vào xếp hạng 1.000 của thế giới" - Phó Thủ tướng cho hay.
Kỳ thi cơ bản được đánh giá tốt
Vấn đề thứ 4 Phó Thủ tướng đề cập là về thi cử và cho rằng, đổi mới thi THPT quốc gia trong 3 năm, từ năm 2015-2017 cơ bản là tốt, cơ bản ổn định, chỉ còn cần cải tiến khâu ra đề.
Năm nay, Thủ tướng không ra Chỉ thị riêng về kỳ thi THPT quốc gia nhưng không có nghĩa là công tác chuẩn bị thi không được tăng cường. "Mong rằng, các địa phương làm tốt để có được kỳ thi thành công" - Phó Thủ tướng lưu ý.
Đã làm được nhiều việc trong lộ trình đổi mới
Nói về lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Phó Thủ tướng cho biết: có nhiều cách phân định các nhiệm vụ trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29.
Theo góc độ ngành Giáo dục, tạm chia thành 8 đầu mục, gồm: Đổi mới hệ thống, đổi mới khung trình độ, chương trình SGK, phương pháp giảng dạy, kiểm định đánh giá và thi cử, cơ sở vật chất, quản lý nhà nước, quản trị các trường và các cơ sở giáo dục…
Đến nay, đã ban hành được khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia; đang xây dựng chương trình, sách giáo khoa; đổi mới một bước công tác kiểm định; đặc biệt là đang chuẩn bị sửa đổi 2 luật và Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.
Nói riêng về sửa Luật, Phó Thủ tướng đề nghị không nên giới hạn chỉ sửa một số điều, đồng thời đưa ra 3 yêu cầu đáng chú ý, đó là: Khắc phục bằng được việc nhồi nhét kiến thức, không khuyến khích sáng tạo cá nhân; hệ thống học không liên thông, không học suốt đời; cơ sở giáo dục nặng về chỉ đạo hành chính.
Hiện tập thể giáo viên, tập thể phụ huynh, học sinh chưa vào cuộc; tập thể cộng đồng dân cư chưa vào cuộc giám sát. Theo Phó Thủ tướng, đó là điều chúng ta phải làm, phải đưa vào đổi mới.
"Lĩnh vực giáo dục trong bất kỳ kỳ họp Quốc hội nào, dù Bộ trưởng Bô GD&ĐT có tham gia chất vấn hay không đều nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của Quốc hội và cử tri. Chia sẻ điều này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là điều đáng mừng vì cho thấy Quốc hội và toàn dân quan tâm đến giáo dục" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam