(GD&TĐ) - HỒ CHỦ TỊCH là người cha thân yêu đã sáng lập, giáo dục và rèn luyện quân đội ta. Người cùng Đảng ta hết lòng xây dựng quân đội ta thành một quân đội kiểu mới, một quân đội nhân dân. Với tư cách là người lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, Người đã luôn săn sóc đến lực lượng vũ trang cách mạng, dạy dỗ, khuyến khích, chăm nom từ vật chất đến tinh thần, theo sát từng bước tiến của quân đội ta.
Chính từ sự quan tâm, chăm sóc đó Người luôn chú trọng tới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội vừa “hồng vừa chuyên”, nhất là đội ngũ tướng lĩnh trong quân đội.
Tại Hội nghị quân sự lần thứ V vào tháng 8 năm 1948, Bác đã khát quát về “Tư cách một người tướng”, những điều người tướng cần có và phải có. Huấn thị của Bác có giá trị to lớn làm căn cứ để xây dựng hình mẫu người tướng cho quân đội ta, đồng thời cũng là những tiêu chí để mỗi tướng lĩnh quân đội phấn đấu, rèn rũa mình.
|
Bác Hồ thăm một đơn vị Quân đội miền Nam tập kết (1957) |
Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta thực hiện phương châm xây dựng quân đội “chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại”; khi sự nghiệp đổi mới đất nước đang chuyển biến mạnh mẽ và thu nhiều thành tựu to lớn nhưng chứa đựng nhiều nguy cơ và thách thức; khi sự chống phá của kẻ thù đặc biệt là chiến lược “Diễn biến hòa bình” ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường.... Trước tình hình đó, yêu cầu về phẩm chất, năng lực của mỗi cán bộ, chiến sĩ đặc biệt là tướng lĩnh quân đội ta đặt ra cao hơn. Tuy Bác nói về tư cách một người tướng, nhưng lời dạy của Bác có giá trị to lớn với mỗi người lính, dưới các góc độ và cách nhìn khác nhau.
Người chỉ rõ phẩm chất cần có của người tướng quân đội nhân dân Việt Nam là: “Trí, dung, nhân, tín, liêm, trung”(1).
Hồ Chủ Tịch phân tích rõ: “Trí là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng”(2). Đức tính này theo Bác chính là “tài”, là tri thức toàn diện. Hiện nay, cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, nền kinh tế tri thức đang dần hình thành trên thế giới, ảnh hưởng và tác động to lớn tới phương thức tác chiến của mỗi quân đội và tính chất của các cuôc chiến tranh. Vì vậy, mỗi quân nhân, mỗi người tướng phải có tri thức toàn diện: giỏi về quân sự, thấm nhuần về chính trị, hiểu biết sâu rộng về văn hóa, khoa học, kỹ thuật...
Trong giai đoạn cách mạng mới, khi kẻ thù “núp bóng” không lộ diện, nhưng âm mưu và các hành động chống phá cách mạng Việt Nam lại ngày càng tinh vi, xảo quyệt và thâm độc thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “Bạo loạn lật đổ”. Việc “suy xét địch cho đúng” không hề đơn giản, Người tướng lĩnh cần nắm chắc âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, chủ động trong phòng chống và kiên quyết làm thất bại âm mưu, hành động chống phá của kẻ thù. Không để các thế lực thù địch có cơ hội tạo dựng ngọn cờ, gây bạo loạn và can thiệp vũ trang từ bên ngoài vào.
Năm tư chất còn lại cần có của một người tướng theo tư tưởng của Bác được quy tụ lại trong một chữ đó là: “đức”. “Tín, dũng, nhân, liêm, trung” là biểu hiện tập trung của nhân cách người tướng, và của mỗi người lính cách mạng. Đó cũng là biểu hiện của đạo đức cách mạng cao quý, cần có trong mỗi quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Bác chỉ rõ:
“Tín là phải làm cho người ta tin mình. Thí dụ đã hứa thưởng thì phải thưởng. Tín cũng còn nghĩa là tự tin ở sức mình nữa, nhưng không phải là tự mãn tự cao.
Dũng là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh.
Nhân là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ. Đối với địch hàng, ta phải khoan dung.
Liêm là chớ tham của, chó tham sắc, tham sắc thì bị mỹ nhân kế; chớ tham vọng, tham sống.
Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng”(3).
Đồng thời, bác căn rặn cụ thể về công tác của người tướng trong quân đội trên bốn mặt: Đối với kỷ luật, đối với binh sĩ, đối với nhân dân và đối với địch cần phải làm như thế nào? Có thể khái quát như sau:
Đối với kỷ luật thì phải nghiêm minh, “về kỷ luật, phải thưởng phạt cho công minh”(4). . Mệnh lệnh từ cấp trên xuống thì phải thấm tới từng người lính, báo cáo từ dưới lên cần phải thật thà, nhanh chóng và kịp thời.
Đối với binh sĩ, Bác đặc biệt yêu cầu mỗi người tướng phải: “đồng cam cộng khổ với binh sĩ”(5), phải hiểu bộ đội, hết sức chăm lo cho bộ đội.
Đối với dân, thì phải xứng đáng là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. “Bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định thắng lợi”(6).
Đối với địch, thì phải biết rõ địch, không khinh địch và tuyệt đối giữ bí mật không để địch biết về ta. “Ta biết rõ địch thì thắng. Nếu để địch biết rõ ta thì sẽ thất bại”(7).
Huấn thị của Bác về “tư cách người tướng” nhắc nhở mỗi chiến sĩ, nhất là cán bộ và tướng lĩnh quân đội ta phải luôn rèn luyện đạo đức, tác phong cách mạng. Phải trung với nước, hiếu với dân, phải “cần, kiệm, liêm, chính”, phải khiêm tốn giản dị, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, “thắng không kiêu, bại không nản”, đồng thời “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Làm được những điều đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội mới không phụ long tin yêu của Hồ Chủ Tịch, của Đảng và nhân dân ta.
(1, 2, 3, 4,5,6,7 Trích trong “Hồ Chủ Tịch với các lực lượng vũ trang nhân dân” , Nxb QĐND, năm 1962, tr65 - tr67).
Lê Văn Dũng