Đảo ngược PPDH với ICT
PGS.TS Ngô Tứ Thành – Viện Sư phạm kĩ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội) đã cho biết phương pháp dạy học đảo ngược đã được ứng dụng tại Trường ĐHBK Hà Nội.
Nếu theo mô hình giáo dục truyền thống thì sinh viên đến lớp nghe giảng, về nhà làm bài tập và tất cả sinh viên trong một lớp phải tuân theo lịch học chung… Song nhờ ICT, giáo viên có thể thu video clip bài giảng gửi cho sinh viên. Sinh viên tự học ở nhà qua e-learning, hoặc qua video clip. Từ đó hình thành phương pháp dạy học mới: Các sinh viên tự học thông qua các video do giáo viên soạn (hoặc tự tìm hiểu qua các phương tiện nghe nhìn).
Với phương pháp dạy học này, thời gianđến lớp thay vì nghe giáo viên giảng bài, giáo viên sẽ hướng dẫn sinh viên thảo luận, giải bài tập khó và giáo viên kiểm tra trình độ tiếp thu của người học để hướng dẫn nội dung học tiếp. Tức là hình thức tổ chức hoạt động thay đổi: Học ở lớp, làm bài tập ở nhà chuyển thành tự học ở nhà qua bài giảng trực tuyến cùng qua trao đổi qua Internet, đến lớp làm bài tập, giải đáp thắc mắc và thảo luận.
Ưu điểm được nhìn thấy từ phương pháp dạy học này đó là: Nếu theo phương pháp dạy học truyền thống, dự giờ để đánh giá giáo viên chủ yếu là xem giáo viên dạy thế nào, các bước dạy ra sao… Còn trong mô hình lớp học đảo ngược, việc dự giờ đánh giá giáo viên chuyển sang xem sinh viên do giáo viên hướng dẫn học thế nào. Giáo viên đặt câu hỏi thảo luận có phù hợp tương thích với nội dung bài học không, có phù hợp với khả năng tiếp thu của sinh viên hay không.
Ngoài ra đánh giá một giáo viên lớp học đảo ngược thành công hay không còn phải căn cứ vào hệ thống câu hỏi của giáo viên gửi cho sinh viên khi sinh viên tự học ở nhà. Tất cả sẽ lập nên một quy trình khép kín hệ thống câu hỏi trong một thể thống nhất liên quan chặt chẽ với nhau.
Có thể so sánh mô hình “lớp học đảo ngược” qua bài giảng văn hiện nay. Giả sử nội dung bài văn là cuốn tiểu thuyết, giáo viên sẽ yêu cầu sinh viên đọc cuốn tiểu thuyết ở nhà để hiểu cốt truyện, phân tích chủ đề của cuốn tiểu thuyết theo bộ câu hỏi của giáo viên. Thời gian đến lớp được dành cho việc giáo viên hướng dẫn thảo luận theo câu hỏi nhằm khám phá biểu tượng hoặc các ý nghĩa chủ đề cuốn tiểu thuyết. Và mô hình lớp học đảo ngược cũng tương tự như vậy. Về bản chất câu hỏi cho sinh viên nghiên cứu ở nhà để hiểu cốt truyện khác với câu hỏi sinh viên thảo luận ở lớp nhằm khám phá biểu tượng hoặc các ý nghĩa chủ đề cuốn tiểu thuyết.
Phát triển tư duy sáng tạo người học
Phương pháp dạy học thứ hai được ứng dụng ở ĐHBK Hà Nội cũng là một cách đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Giáo viên sử dụng bài toán toán trong dạy học hình thành kiến thức mới nhằm phát triển năng lực tư duy sáng tạo cho sinh viên.
Giải pháp này được đánh giá là sự phát triển bậc cao của giải pháp dạy học đảo ngược. Sinh viên tự học bài mới qua e-learning, xem các video clip bài giảng để hiểu “cốt truyện”. Giáo viên đến lớp không giảng bài học mới, kiến thức mới cho sinh viên. Giáo án của giáo viên lúc này là các đề bài toán do giáo viên soạn. Từ kiến thức mới trong giáo trình, giáo viên xây dựng thành bài boán để sinh viên tự giải trên lớp. Quá trình giải bài toán cùng kết quả lời giải đó sẽ hình thành kiến thức mới cho sinh viên. Hay nói cách khác, sinh viên sau khi tự lực giải bài toán sẽ rút ra kiến thức cần chiếm lĩnh.
Theo PGS.TS Ngô Tứ Thành, phương pháp này cho phép xác lập được phương pháp học tập hiệu quả nhất cho người học và cũng dễ dàng lý giải các câu châm ngôn: “Nếu tôi chỉ nghe tối sẽ quên ngay; Nếu tôi nhìn thì tôi sẽ nhớ; Còn nếu tôi thực hành thì tôi sẽ hiểu”.
Có thể thấy, sử dụng bài toán trong dạy học là một trong những hình thức đổi mới phương pháp dạy học, chuyển việc giáo viên truyền thụ kiến thức cho sinh viên sang giáo viên tìm kiếm tri thức, tìm cách khám phá khoa học. Nó cũng được xem là phương tiện cung cấp kiến thức mới cho sinh viên một cách chắc chắn, vì kiến thức mà các sinh viên thu được là qua hoạt động giải bài tập “học bằng làm”.
Tuy nhiên, PPDH nhằm mục tiêu phát triển năng lực tư duy sáng tạo cho SV, xây dựng bài toán trong dạy học cần thỏa mãn đồng thời 4 yêu cầu: Hệ thống bài toán phải đảm bảo thời gian nà chương trình quy định, đảm bảo được mục đích chiếm lĩnh nội dung kiến thức mới của sinh viên trong tiết học. Lựa chọn nội dung bài học thích hợp đưa vào bài toán để khi sinh viên giải có thể chuyển kiến thức khoa học thành kiến thức của sinh viên phù hợp với trình độ của họ.
Lời giải và kết quả của mỗi bài tập phải chứa đựng yếu tố mới. Nếu bài toán quá khó, giáo viên phải có kịch bản hay phương án khi sinh viên không đáp ứng được, giáo viên sẽ gợi ý để thu hẹp phạm vi tìm tòi… Bài toán do giáo viên đưa ra phải tạo động cơ hứng thú hoạt động sáng tạo cho sinh viên. Việc giải bài tập phải đem lại cho sinh viên niềm vui sáng tạo đối với những thành công, tăng thêm sự yêu thích, hứng thú với môn học…
Có thể thấy, 2 PPDH trên đều theo phương thức dạy học đảo ngược trên môi trường e-learning, khác với bản chất của phương pháp dạy học truyền thống: Thầy đọc trò ghi. Đặc biệt, PPDH này đều hướng đến hình thành năng lực tư duy sáng tạo cho người học. Và để thực hiện được người giáo viên phải hội đủ 3 năng lực: Năng lực chuyên môn, năng lực nghiên cứu khoa học và năng lực sư phạm.