Tạo tiền đề cho đổi mới phương pháp từ trường sư phạm

Tạo tiền đề cho đổi mới phương pháp từ trường sư phạm

(GD&TĐ) - Câu hỏi đặt ra xuất phát từ một vấn đề cấp thiết: Chỉ có đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở các trường sư phạm, mới có thể tạo tiền đề cho đổi mới phương pháp dạy học ở phổ thông.Mặc dù xác định được như vậy nhưng không phải bất cứ trường sư phạm nào cũng có thể đạt được mục tiêu đề ra và không phải mọi giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng đều đạt yêu cầu về đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhiều hội nghị, hội thảo về đổi mới nhưng trong thực tế, ở nơi này hay nơi khác, việc đổi mới vẫn còn rất mù mờ. Với đổi mới, dùng từ “ đột phá” có lẽ thích hợp hơn là “chiến lược”, bởi đột phá tức là phải làm ngay, làm mạnh và bằng con đường ngắn nhất để cho kết quả! 

Châm ngòi tích cực, sáng tạo cho sinh viên sư phạm

Tốt nghiệp từ một trường sư phạm có thương hiệu hẳn hoi, nhưng cô giáo trẻ N.L.A sau 2 năm giảng dạy ở một trường trung học phổ thông vẫn rất lúng túng trong mỗi giờ lên lớp thực hiện chuyên đề “ phát huy tính tích cực học tập của học sinh” mà tổ chuyên môn đề ra. Cô tâm sự: “ Ngày mới ra trường, em cứ nghĩ với một bài giảng đã có sự chuẩn bị đầy đủ giáo trình, tư liệu, việc giảng dạy trên lớp sẽ không mấy khó khăn. Nhưng khi lên lớp, đứng trước học sinh, cô giáo giảng giải “hết cả hơi” mà nhiều em vẫn thiếu tập trung và ít tự giác phát biểu xây dựng bài”. Tôi hỏi lại cô giáo trẻ : “ Bộ môn Giáo học pháp ở trường sư phạm có nhấn mạnh yêu cầu về việc phát huy tính tích cực học tập của học sinh ở trên lớp kia mà?”. Cô trả lời : “ Dĩ nhiên là có, nhưng các giảng viên vẫn thường truyền thụ bằng lý thuyết chung chung, nên khi đi vào thực tế ở trường phổ thông dường như mọi thứ chỉ mới bắt đầu…”.

Như vậy, phương pháp dạy học ở các trường sư phạm có ảnh hưởng rất lớn đến phương pháp dạy học ở trường phổ thông. Ở trường sư phạm, SV phải được tiếp cận với phương pháp dạy học mới dựa trên cơ sở phát huy tích cực độc lập của người học, thì sau này khi ra trường, mới vận dụng được vào trong công tác giảng dạy của mình. Ngược lại, nếu ở trường sư phạm, SV mới chỉ quen với lối dạy học thụ động, truyền thụ một chiều, thì sau này, cách thức truyền thụ đó sẽ được họ truyền thụ ở trường phổ thông. Vì thế, khi giảng dạy trên lớp cho SV, các giảng viên ở trường sư phạm trước hết phải là người thực sự có năng khiếu sư phạm. Cụ thể là họ phải thu hút được SV ngay từ phong cách giao tiếp đến cách truyền thụ kiến thức dễ hiểu và biết phát huy tính tích cực hoạt động của SV.

Qua thăm dò ý kiến của nhiều SV ở trường Sư phạm, các em tỏ ra không thích những giảng viên khi lên lớp thiên về giáo huấn hay “đọc chép” một cách thụ động; bởi những GV như vậy thường gây không khí trầm lắng có phần căng thẳng trong giờ học.

Một thực tế phổ biến hiện nay là khâu quản lý giờ lên lớp của giảng viên ở các trường sư phạm so với phổ thông còn lỏng lẻo. Việc dự giờ để kiểm tra, giám sát của GV gần như không thực hiện được do không đủ điều kiện về thời gian, do các GV ngoài giờ dạy theo biên chế còn tham gia dạy thỉnh giảng hay làm thêm ở bên ngoài.

Tuy nhiên, những năm gần đây, chủ trương sinh viên đánh giá giảng viên, lấy ý kiến phản hồi của người học đã được triển khai có hiệu quả ở nhiều cơ sở đào tạo giáo viên.

Đầu năm học 2009-2010, chúng tôi có cuộc trao đổi với một nhóm SV năm thứ tư của Trường ĐH Sư phạm-ĐH Huế về vấn đề này. Các em tỏ ra rất phấn khởi khi được nhà trường tổ chức lấy ý kiến góp ý cách giảng dạy trên lớp của thầy cô giáo. Một SV còn cho dẫn chứng cụ thể về một GV dạy trên lớp thường hay có thói quen nói chuyện “ tầm phào”, nghe điện thoại rồi mới mở giáo trình ra để thuyết giảng. Có những ví dụ để minh họa đã lỗi thời từ hàng nửa thế kỷ cũng được GV này viện dẫn nhiều lần làm các em nghe đã rất nhàm chán. Thế nhưng sau khi có góp ý của SV, GV này đã có sự chuyển biến rõ nét: “ Tuy thầy dạy chưa được bằng các thầy khác, nhưng không còn như trước nữa!”…

Việc tổ chức lấy ý kiến phản hồi của người học tại Trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng cũng rất bài bản, nghiêm túc và khoa học. Qua nghiên cứu các phiếu khảo sát, đánh giá giảng viên, chúng tôi nhận rõ nhà trường chú ý đến mọi góc độ giảng dạy của người thầy ở trên lớp, đặc biệt là khía cạnh mở rộng kiến thức, phát huy tính chủ động, hướng dẫn SV tự học. Chính vì vậy mà năm học 2010-2011 vừa qua, tỷ lệ SV hài lòng với phương pháp giảng dạy của thầy cô giáo ở trên lớp được nâng lên đáng kể so với những năm trước. Không những thế, các chuyên đề về đổi mới phương pháp giảng dạy được đưa ra trao đổi, thảo luận với một không khí thật sự cởi mở, thẳng thắn.

Một tiết dạy hiệu quả tại Trường THPT Quảng Trị
Một tiết dạy hiệu quả tại Trường THPT Quảng Trị

Tăng cường khâu thực hành, vận dụng kiến thức

Không có lời giải đáp khác hơn cho câu hỏi vì sao SV mới ra trường không đáp ứng ngay được những yêu cầu về đổi mới đặt ra ở trường phổ thông, đó là: độ chênh lớn giữa thực hành và lý thuyết. Nghĩa là, phần lớn thời lượng lên lớp của GV vẫn chỉ tập trung vào lý thuyết. Thời gian đi thực tập sư phạm còn hạn hẹp. Phương pháp thực hành cho SV Sư phạm ở trường phổ thông còn nhiều hạn chế, bất cập…

Trong đào tạo GV, thực hành là khâu không thể thiếu được nhằm hình thành tay nghề sư phạm cho người học. Các hoạt động thực hành phải được diễn ra một cách thường xuyên, liên tục ở trường phổ thông trên đối tượng thực là học sinh tiểu học, THCS và THPT.

Trong khi việc xây dựng các trường thực hành sư phạm (một nhu cầu bức thiết) hiện nay chưa theo kịp với yêu cầu đặt ra về rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho SV, thì các trường phổ thông phải được coi là tâm điểm hướng đến của các trường sư phạm.

Thực tiễn cho thấy, con đường thực hành mang lại hiệu quả thức thời nhất vẫn là thực hành tại trường phổ thông. Thời gian đi thực tập của SV các trường sư phạm nước ta hiện nay mới chỉ diễn ra trong vòng 6 tuần lễ. Quá trình thực tập, không phải mọi SV đều được may mắn tiếp cận với những phương pháp mới do GV chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn đem lại. Ngay ở những trường phổ thông trọng điểm của huyện, của tỉnh, vẫn khó có sự đồng đều về năng lực đội ngũ. Ban giám hiệu các trường thường hay giao việc phân công thực tập cho tổ trưởng chuyên môn. Chỉ tổ trưởng chuyên môn nào nêu cao có tầm nhìn xa trông rộng, có ý thức trách nhiệm nghề nghiệp cao, thì mới thận trọng trong phân công GV vững vàng về tay nghề hướng dẫn giáo sinh, còn phần lớn vẫn theo kiểu san đều cho đủ số lượng. Đó là chưa kể đến việc, một số GV lợi dụng việc GV thực tập “hăm hở” với việc được làm thầy, giao mọi việc, từ lên lớp giảng dạy đến chủ nhiệm cho SV trong suốt thời gian thực tập mà ít chú tâm đến độ chuyển biến về tay nghề của SV.    

Về kinh nghiệm “ cầm tay chỉ việc”, rèn kỹ năng nghề nghiệp đứng lớp cho SV sư phạm, có thể nêu một điển hình là Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng.  Nhà trường đã cùng Ban giám đốc của các Sở Quảng Nam, Đà Nẵng bàn việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các trường phổ thông góp ý cho SV thực tập; tiếp đó, mời các chuyên viên Sở GD, GV giỏi về trường để truyền thụ PP giảng dạy và kinh nghiệm cho SV, chú trọng đến PP dạy học tích cực lấy HS làm trung tâm, hướng dẫn SV làm luận văn về PP giảng dạy.

Đặc biệt, Trường đã lập nhóm nghiên cứu về phương pháp và công nghệ dạy học. Nhóm này gồm những GV tâm huyết của trường và những GV có kinh nghiệm về phổ thông hợp tác báo cáo chuyên đề cho SV các khoa. Những buổi báo cáo chuyên đề như thế giúp SV cập nhật được kiến thức, không có sự tách rời giữa trường đại học và môi trường GD phổ thông. SV Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng được học trong phòng thực hành có tất cả các thiết bị, phương tiện hiện đại, bảng điện tử, máy chiếu vật thể, hệ thống camera, đầu ghi…

Sau khi GV dạy, SV thực tập xong, có thể lấy được đĩa CD ghi lại tất cả các âm thanh, hình ảnh để GV, HS tự kiểm tra lại quá trình dạy trên lớp. Cách làm như trên của trường đã thay đổi được lối dạy truyền thống ít hiệu quả, đồng thời, tạo ra con đường ngắn nhất trong đào tạo, bồi dưỡng GV đáp ứng được yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy-học ở trường phổ thông.   

N.T.T.H 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.