(GD&TD) - Đó là quyết định của hai hãng gas chiếm thị phần chính trên thị trường là Petrovietnam Gas và Saigonpetro Gas sau khi Hiệp hội Gas Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị giảm thuế nhập khẩu gas.
Giá gas tăng bất thường khiến Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phải vào cuộc (ảnh MH) |
Theo đó, kể từ lúc 7 giờ 30 sáng 10/2, Saigonpetro Gas sẽ giảm 10.000 đồng/bình 12kg (giá 1 bình gas 12 kg đến tay người tiêu dùng sẽ là 415.000 đồng), còn Petrovietnam Gas có mức giảm 12.000 đồng/bình 12 kg (giá 1 bình gas 12kg đến tay người tiêu dùng sẽ có giá là 416.000 đồng).
Trước đó, ngày 1/2/2012, do giá gas trên thị trường thế giới tăng mạnh (tăng thêm 145 USD/tấn), đẩy giá bán của mặt hàng này lên mức cao nhất từ trước đến nay là 1.025 USD/tấn, các doanh nghiệp kinh doanh gas đã nâng giá bán thêm 42.000 đồng/bình 12kg.
Ngày 3/2/2012, Hiệp hội Gas Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị giảm thuế nhập khẩu gas.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Gas kêu gọi các doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận, tiết giảm chi phí để giảm giá gas và kêu gọi các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát việc tăng giá bán một cách vô tội vạ ở các đại lý cửa hàng kinh doanh gas, khiến cho thị trường gas trở nên hỗn loạn, gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng…
Ngày 7/2/2012, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính có công văn số 23 gửi sở Tài chính các tỉnh, thành phố về việc kiểm soát đăng ký, điều chỉnh giá gas. Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã có công văn số 23/QLG-TLSX gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố yêu cầu kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gas trên địa bàn, báo cáo kết quả trước ngày 20/2/2012.
Nhằm kiểm soát việc tăng giá gas trong thời gian vừa qua, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính đã đề nghị Sở Tài chính các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy những bất cập nảy sinh khiến việc kiểm soát giá gas gặp không ít khó khăn.
Hiện, có khoảng 50% công ty kinh doanh gas đăng ký giá bán buôn mà lực lượng chức năng không biết dựa vào mức nào để kiểm tra.
Theo đăng ký giá của Sở Tài chính Hà Nội, giá bán tới tay người tiêu dùng đối với bình gas loại 12kg chỉ có giá 441.000 đồng. Theo quy định, giá bán này được áp dụng cho toàn bộ hệ thống bán lẻ. Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng giá đó chỉ áp dụng được tại các đại lý trực thuộc hệ thống của công ty, còn ở hầu hết đại lý tư nhân, giá bán lại lên tới 460.000-470.000 đồng.
Ông Vũ Hồng Khánh, Phó Tổng giám đốc công ty CP Gas Petrolimex cho biết: “Chúng tôi không thể kiểm soát được toàn bộ các cửa hàng gas của mình. Vì vậy, không thể biết được họ bán giá bao nhiêu”.
Không chỉ khó khăn trong việc kiểm soát các hãng gas đã được đăng ký giá bán lẻ, vấn đề quan trọng là với các công ty đăng ký giá bán buôn, việc kiểm soát giá tới tay người tiêu dùng hoàn toàn là không thể.
“Đây là cái khó của chúng tôi mà không biết căn cứ vào đâu để kiểm tra. Đại lý có giá đăng ký, chỉ cần họ làm sai là có thể phạt. Nhưng với những đại lý mà hãng gas không đăng ký giá bán lẻ, chúng tôi chưa có cách giải quyết. Họ niêm yết bao nhiêu, chúng tôi chỉ kiểm tra theo giá niêm yết”, ông Trịnh Quang Đức, Trưởng phòng nghiệp vụ - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nói.
Theo đăng ký giá của Sở Tài chính Hà Nội, có tới 50% công ty đăng ký giá bán buôn. Điều nàyđồng nghĩa với việc hiện có từng đó hãng gas mà lực lượng chức năng không có đủ căn cứ để kiểm soát giá.
Hải Minh