TS Trịnh Ngọc Thạch tiết lộ lý do đề xuất tăng lương bị "bác bỏ"

GD&TĐ - Liên quan đến đề xuất tăng lương cho giáo viên, TS Trịnh Ngọc Thạch thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Giáo dục cho biết, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Chính phủ thống nhất chưa đưa vào Luật để nghiên cứu và có lộ trình thích hợp

TS Trịnh Ngọc Thạch tiết lộ lý do đề xuất tăng lương bị "bác bỏ"

TS Trịnh Ngọc Thạch - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Giáo dục cho rằng, nghiên cứu để đưa vào Luật Giáo dục chính sách ưu tiên về lương của nhà giáo tại thời điểm này vẫn có thể thực hiện. Vì có thể thu xếp được ở trong khoản ngân sách 20% chi cho giáo dục mà không cần lấy sang ngân sách của lĩnh vực khác.

Thưa ông, dư luận nên hiểu thông tin bỏ nội dung về lương nhà giáo và học sinh THCS không phải đóng học phí trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi như thế nào?

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, Ban soạn thảo của Chính phủ (gồm nhiều bộ, ngành tham gia, trong đó Bộ GD&ĐT được giao là cơ quan chủ trì) đã thống nhất đưa 2 nội dung về lương nhà giáo và miễn học phí cho học sinh THCS vào  dự thảo Luật. Theo quy định, Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã được đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến của xã hội và vấn đề này đã được xã hội rất quan tâm.

Tuy nhiên, trong phiên họp Chính phủ gần đây để thông qua dự án Luật để trình sang Quốc hội, một số Bộ còn băn khoăn về chính sách này, trong đó có Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.

Lý do cơ bản là Bộ Nội vụ đang được Chính phủ giao thực hiện Đề án cải cách tiền lương, nên vấn đề lương của tất cả các đối tượng sẽ được đưa vào Đề án chung của Chính phủ, trong đó có lương nhà giáo và không thể hiện chính sách lương trong luật để đảm bảo tính thống nhất về chế độ lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung.

Vấn đề học sinh THCS trong diện phổ cập không phải đóng học phí, Ban soạn thảo nhất trí đưa vào dự thảo Luật với lý do: Đây là diện phổ cập bắt buộc theo Hiến pháp quy định thì nhà nước phải có chính sách ưu tiên để huy động tối đa học sinh tới trường, một trong những chính sách ưu tiên đó là học sinh THCS không phải đóng học phí. Ở các quốc gia khác, khi đã trong diện phổ cập thì nhà nước không thu học phí.

Tuy nhiên, khi Chính phủ thảo luận vấn đề này, cũng có một số bộ băn khoăn về tính khả thi, ở chỗ nguồn kinh phí chi cho giáo dục còn hạn hẹp, chưa đủ khả năng đáp ứng việc học sinh THCS không phải đóng học phí. Nhiều ý kiến muốn phải phân tích học phí của học sinh THCS, phần nào học sinh đóng, phần nào nhà nước hỗ trợ (gọi chung là chi phí dịch vụ giáo dục đào tạo); có thể miễn phần học phí do học sinh đóng góp; phần còn lại nhà nước vẫn phải lo. Cũng có ý kiến cho rằng có thể không miễn học phí một cách đồng loạt mà phân tích ra các đối tượng học sinh khác nhau để miễn học phí.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Chính phủ thống nhất chưa đưa vào Luật để nghiên cứu và có lộ trình thích hợp, căn cứ vào những điều kiện tài chính thực tế để thực hiện. Vì đây là chủ trương lớn của Đảng cũng như chính sách pháp luật của nhà nước đã được ghi rõ trong Hiến pháp.

Như vậy chủ trương là vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện cải cách chính sách về lương với nhà giáo và miễn học phí cho học sinh THCS, có điều không đưa vào Luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu đưa 2 nội dung này vào văn bản dưới luật thì sẽ khó khả thi? Ý kiến của ông như thế nào?

Nếu nói không đưa vào Luật thì khó khả thi cũng có cơ sở. Vì luật là văn bản chính sách có hiệu lực pháp lý cao nhất buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, nếu Đảng và Chính phủ thực sự quan tâm chăm lo cho giáo dục thì các văn bản dưới luật như Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ cũng có thể thực hiện được những chính sách lớn, được coi như là các chính sách mở đường, thí điểm để sau này luật hóa khi đủ các điều kiện. Nên vẫn có thể thực hiện được chính sách này.

Nhưng tôi cho rằng, nghiên cứu để đưa vào Luật Giáo dục chính sách ưu tiên về lương của nhà giáo tại thời điểm này vẫn có thể thực hiện được. Vì có thể thu xếp được ở trong khoản ngân sách 20% chi cho giáo dục mà không cần lấy sang ngân sách của lĩnh vực khác.

Đơn cử, khi chúng ta thực hiện tốt xã hội hóa trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, có nghĩa là không sử dụng ngân sách nhà nước, hoặc sử dụng rất ít ngân sách nhà nước chi cho lương nhà giáo trong khu vực này, thì phần ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp sẽ tăng cường cho giáo dục phổ thông.

Cũng có nhận định cho rằng, nếu không còn 2 nội dung này thì không còn lý do gì để phải sửa đổi Luật Giáo dục? Ông nghĩ sao?

Nói như trên là không đầy đủ, bởi vì sửa đổi Luật Giáo dục lần này chúng ta nhằm vào nhiều mục tiêu, quan trọng nhất là xây dựng hệ thống chính sách pháp luật để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Trong đó, chúng ta phải định hướng lại mục tiêu giáo dục; định hướng lại hệ thống giáo dục; chương trình, phương pháp giáo dục,… chứ không chỉ có 2 chính sách nêu trên.

Tất nhiên, nếu 2 chính sách trên được đưa vào Luật thì sẽ thể hiện được chủ trương, quan điểm ưu tiên cho đội ngũ nhà giáo và một bộ phận học sinh trong diện phổ cập. Do đó, việc sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH lần này là cần thiết để kịp thời thể chế hóa quan điểm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đồng thời định hướng nền giáo dục Việt Nam theo xu hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Theo Tienphong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.