Kỳ vọng sửa Luật Giáo dục tạo động lực để nhà giáo cống hiến

GD&TĐ - Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình, công tác tại Trường THPT Minh Đài (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) kỳ vọng sửa đổi Luật Giáo dục lần này sẽ tạo động lực và điều kiện để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho sự nghiệp GD&ĐT, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, của cử tri và của toàn xã hội.

Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình
Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình

2 vấn đề lớn quan tâm trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi

- Bà quan tâm đến những vấn đề nào trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi Bộ GD&ĐT đã công bố xin ý kiến rộng rãi?

Đảng và Nhà nước ta đã sớm xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đã có đầy đủ những cơ sở lý luận và thực tiễn để khẳng định quan điểm ấy. Bởi vậy, việc sửa đổi Luật giáo dục có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nền tảng pháp lý để thúc đẩy giáo dục và đào tạo của đất nước phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.

Khi nghiên cứu dự thảo Luật giáo dục sửa đổi do Bộ GD&ĐT đã công bố để xin ý kiến rộng rãi, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hai vấn đề:

Thứ nhất là các quy định về phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.

Thực tiễn ở nước ta hiện nay cho thấy, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách đặc thù dành cho giáo dục và đào tạo ở địa bàn này nhưng do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, phân tán nên kết quả đạt được chưa như mong đợi.

Bởi vậy, hy vọng rằng với những quy định được sửa đổi tại dự thảo luật lần này, giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn sẽ đạt được những kết quả quan trọng, để đồng bào vùng này sẽ nhanh chóng tiến kịp với đất nước.

Vấn đề thứ hai là về chế độ chính sách đối với nhà giáo. Cần phải khẳng định lại rằng, sự thành công của một nền giáo dục phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, thực trạng của đầu vào ngành sư phạm trong thời gian gần đây khiến chúng ta không khỏi lo ngại.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là do chế độ chính sách đối với nhà giáo chưa đủ mạnh để thu hút được những học sinh giỏi vào ngành. Bởi vậy, chúng tôi kỳ vọng rằng, dự thảo luật lần này sẽ có những quy định mang tính đột phá về chế độ chính sách đối với nhà giáo để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29- NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Kỳ vọng những chính sách mới với nhà giáo

- Bà suy nghĩ sao khi 2 nội dung vốn rất được các nhà giáo và học sinh quan tâm là chính sách lương nhà giáo và miễn học phí cho học sinh THCS đã bị đưa ra khỏi dự thảo Luật?

Chính sách lương của nhà giáo và miễn học phí cho học sinh THCS chính là hai nội dung nằm trong hai nhóm vấn đề mà chúng tôi đặc biệt quan tâm.

Như chúng ta đã biết, lương của giáo viên hiện nay nhìn chung còn thấp, nhất là ở bậc học mầm non, phổ thông. Trong khi trên thực tế, gánh nặng đặt lên vai nhà giáo rất lớn, rất nhiều công việc trực tiếp và gián tiếp hàng ngày giáo viên phải thực hiện mà không có thêm nguồn thu nhập tăng thêm nào khác ngoài phụ cấp tham niên và phụ cấp đứng lớp.

Bên cạnh đó còn phải kể đến những khó khăn, thiếu thốn về điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của mình như cơ sở vật chất, đặc biệt là những vùng vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo.

Hơn thế nữa, để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay, nhà giáo còn đứng trước những khó khăn lớn khi phải đào tạo lại để đáp ứng những yêu cầu mới về chuyên môn, nghiệp vụ.

Do đó, việc đề xuất chính sách cải cách tiền lương theo hướng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho đội ngũ nhà giáo, tâm lý yên tâm công tác và cống hiến.

Đồng thời, đây cũng là yếu tố quan trọng để thu hút những học sinh giỏi, xuất sắc, những học sinh có thành tích cao trong học tập hướng đến trường sư phạm, lựa chọn nghề giáo viên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành để từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Về vấn đề miễn học phí cho học sinh THCS, chúng tôi cho rằng đó là việc làm rất cần thiết. Theo quy định của Luật giáo dục 2005, được sửa đổi và bổ sung năm 2009, nước ta thực hiện phổ cập giáo dục với giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, bậc tiểu học và bậc THCS.

Tuy nhiên, do bậc THCS vẫn phải nộp học phí nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ phổ cập giáo dục ở bậc học này, nhất là với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.

Thực tế qua các cuộc giám sát đối với địa bàn nêu trên cho thấy, đời sống của phần lớn đồng bào nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn nên việc nộp học phí cho con em đã tạo thêm gánh nặng cho gia đình. Hơn nữa, trong thực tế, thu học phí bậc THCS cả nước mỗi năm thu hơn 2.000 tỷ đồng nên thực sự chưa phải là áp lực lớn lên ngân sách nhà nước.

Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, miễn học phí cho học sinh THCS có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo tâm lý tốt cho phụ huynh cũng như người học, góp phần đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS như quy định của Luật giáo dục.

Chắc chắn sẽ có những lý do được nêu ra để giải thích cho việc đưa hai nội dung trên ra khỏi dự thảo luật, nhất là những khó khăn trong thời kỳ ổn định ngân sách hiện nay, nhưng chúng tôi cho rằng cần thiết phải đưa những nội dung trên vào dự án Luật giáo dục sửa đổi lần này. Bởi lẽ, với mỗi lần sửa đổi, bổ sung luật, cần phải có tầm nhìn lâu dài.

Với những lý do đã phân tích ở trên, chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia thảo luận, góp ý để đưa hai nội dung đó vào trong dự án luật. Có quy định như vậy mới góp phần đảm bảo thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong thời kỳ mới, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

- Là đại biểu quốc hội, nhưng trước hết là một nhà giáo, bà kỳ vọng gì từ việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này?

Xin khẳng định lại rằng, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách để phát triển giáo dục- đào tạo và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, nhiều chính sách thiếu nguồn lực để thực hiện, nhiều chính sách chồng chéo lẫn nhau, chính sách còn chậm với chủ trương và nghị quyết của Đảng, thậm chí có chính sách đã không còn phù hợp trong tình hình mới. Bởi vậy, việc sửa đổi Luật giáo dục là vấn đề cấp thiết nhằm tạo ra hành lang pháp lý để làm cơ sở xây dựng các chính sách về giáo dục và đào tạo.

Chúng tôi kỳ vọng rằng, dự án Luật giáo dục sửa đổi lần này sẽ sửa đổi, bổ sung những quy định cũ, đồng thời đưa vào những quy định mới về giáo dục và đào tạo như quy định về chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, quy định về lương nhà giáo, quy định về học phí, quy định về xã hội hóa sự nghiệp giáo dục,…tạo động lực và điều kiện để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, của cử tri và của toàn xã hội.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.