Nghiên cứu toàn diện các vấn đề liên quan đến Luật Giáo dục
Trong khuôn khổ của phiên họp thứ 22 (khóa XIV), chiều 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Dư luận quan tâm đến nội dung miễn học phí cho học sinh THCS ở trường công lập và tăng lương nhà giáo không còn được đề cập trong dự thảo luật cũng như trong tờ trình Bộ GD&ĐT thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại phiên họp, ghi nhận và tiếp thu những ý kiến của các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đội ngũ giáo viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình quan điểm đội ngũ giáo viên là vô cùng quan trọng, có yếu tố quyết định đến chất lượng Giáo dục.
Phó Thủ tướng cho rằng, về cơ bản chúng ta chủ động được số lượng giáo viên theo từng ngành, từng cấp. Dựa vào đó, chúng ta bố trí theo yêu cầu và nếu có hệ thống lương xứng đáng theo từng nơi thì chất lượng giáo dục sẽ nâng lên.
Liên quan đến vấn đề này, TS Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội; thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Giáo dục sửa đổi – cho biết: Bộ Nội vụ đang được Chính phủ giao thực hiện Đề án cải cách tiền lương, nên vấn đề lương của tất cả các đối tượng sẽ được đưa vào Đề án chung của Chính phủ, trong đó có lương nhà giáo và không thể hiện chính sách lương trong luật để đảm bảo tính thống nhất về chế độ lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung.
Vấn đề học sinh THCS trong diện phổ cập không phải đóng học phí, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Chính phủ thống nhất chưa đưa vào Luật để nghiên cứu và có lộ trình thích hợp, căn cứ vào những điều kiện tài chính thực tế để thực hiện.
Ngoài ra, so với dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định miễn học phí đối với HS, SV sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm. Theo đó, HS, SV sư phạm sau khi tốt nghiệp nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm và giao Chính phủ quy định cụ thể về chế độ tín dụng sư phạm và chính sách bồi hoàn kinh phí đối với HS, SV khối ngành này.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận và đánh giá cao nhưng ý kiến xác đáng góp ý cho Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục của các đại biểu. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cơ bản các ý kiến đều hoan nghênh Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã chủ động nghiên cứu toàn diện các vấn đề liên quan đến Luật Giáo dục.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Sửa Luật phải đảm bảo tính khả thi và có tính kế thừa để từ Luật này làm nền có cơ sở sửa luật khác toàn diện hơn, ví dụ: Luật Giáo dục Đại học, Luật Dạy nghề và tới đây có thể là Luật Nhà giáo. Ban soạn thảo cần nghiên cứu toàn diện nhưng thận trọng để đáp ứng nội dung yêu cầu, không gây tâm tư xáo trộn, phân vân trong xã hội.
Cái gì chưa rõ thì bình tĩnh nghiên cứu. Đồng thời đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tới đây sẽ thẩm tra chính thức và phối hợp với Ban soạn thảo để hoàn thiện hồ sơ.
Sửa đổi quy chế tuyển sinh THCS, THPT
Bộ GD&ĐT ban hành thông tư 05/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2, khoản 2 Điều 4, điểm d khoản 1 và đoạn đầu khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Theo đó, nếu trước đây ghi rõ "tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển” thì quy chế sửa đổi quy định: Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển, hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng chính thức bãi bỏ điểm khuyến khích tuyển sinh vào lớp 10 từ 15/4/2018. Tuy nhiên, đối với các sở GD&ĐT có quy định cộng điểm khuyến khích đối với học sinh thi nghề phổ thông vẫn tiếp tục áp dụng trong tuyển sinh năm học 2018-2019.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì Hội thảo “Góp ý dự thảo Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” |
Tiếp tục chấn chỉnh văn hóa ứng xử trường học
Gần đây xảy ra một số vụ việc đáng tiếc liên quan đến văn hóa ứng xử xảy ra trong trường học. Bộ GD&ĐT đã nhanh chóng có văn bản yêu cầu làm rõ sự việc và đề nghị cơ quan chức năng tại địa phương xử lý đúng người, đúng việc.
Tuần qua, một giáo viên tại Nghệ An bị phụ huynh hành hung. Chiều tối 15/3, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã có văn bản gửi Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu Sở GD&ĐT đề nghị công an trên địa bàn vào cuộc điều tra xác minh làm rõ vụ việc và xử lý theo đúng pháp luật việc hành hung nhà giáo.
Đồng thời, đề nghị Sở GD&ĐT Nghệ An qua sự việc trên rút kinh nghiệm và lưu ý trong toàn Ngành về văn hoá ứng xử trường học; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện; đồng thời nâng cao kỹ năng sư phạm cho nhà giáo, không để những sự việc đáng tiếc tiếp tục xảy ra.
Giáo dục và Thời đại đưa tin: Ngày 14/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã chủ trì Hội thảo “Góp ý dự thảo Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”. Một loạt vấn đề thời sự liên quan đến văn hóa ứng xử trong trường học thời gian gần đây được các đại biểu lấy làm ví dụ khi nêu những ý kiến góp ý.
Đặc biệt, tại đây, các đại biểu đều đưa góp ý cho Dự thảo Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”. Đề án đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học; Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên; Nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử cho người học của đội ngũ nhà giáo; Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.