Truyền thuyết về những phụ nữ mắc lời nguyền

GD&TĐ - Huyền thoại về những phụ nữ với khuôn mặt lợn, cơ thể người, được lan truyền gần như cùng lúc ở Pháp, Hà Lan và Anh vào những năm 1630.

Cô gái mặt lợn ở Quảng trường Manchester trên tạp chí Fairburn.
Cô gái mặt lợn ở Quảng trường Manchester trên tạp chí Fairburn.

Mặc dù lạ lùng đến mức quái dị, nhưng niềm tin về những con người khác thường này được cho là đã tồn tại trong suốt 200 năm.

Truyền thuyết lời nguyền

Vào thời điểm xuất hiện những người phụ nữ mang khuôn mặt lợn, niềm tin vào phép thuật rất phổ biến nên người ta cho rằng điều này là do bùa chú gây ra.

Năm 1639, nhiều bản ballad và tập sách nhỏ có kể về khuôn mặt lợn của Tannakin Skinker, một thiếu nữ thuộc dòng dõi quý tộc, sinh ở Hà Lan.

Theo đó, sự biến dạng trên khuôn mặt của cô là do lời nguyền của một phù thủy, hậu quả của việc mẹ cô khi mang thai đã từ chối bố thí và khinh thường một người ăn xin.

Lời nguyền này được mô tả trong một cuốn sách nhỏ: “Vì người mẹ là một kẻ xấu xa, nên đứa trẻ sinh ra sẽ ghê tởm như một con lợn”. Mụ phù thủy này bị truy bắt được nhưng từ chối dỡ bỏ lời nguyền, ngay cả khi bà ta bị thiêu cháy trên cọc.

Một nhà tiên tri nói rằng, câu thần chú nguyền rủa trên sẽ không còn hiệu lực nếu gia đình tìm được một người chồng cho Tannakin. Nghe lời ông ta, cha mẹ cô gái đã công bố một món hồi môn lớn, thu hút nhiều người đến cầu hôn, nhưng tất cả đều bỏ cuộc khi biết cô gái có khuôn mặt lợn.

Sau khi không còn hy vọng gì về một cuộc hôn nhân cho con gái ở Hà Lan, gia đình Tannakin Skinker đến London (Anh) mong tìm một người đàn ông khờ khạo nào đó làm chồng con gái mình. Và đã có một chàng trai chấp nhận cô gái mặt lợn.

Nhưng, có một vấn đề mà chàng rể phải chọn: Tannakin có thể trông trẻ trung và lộng lẫy với anh ta nhưng xấu xí, ghê tởm đối với những người khác; hoặc quái dị giống như một con lợn đối với anh ta và xinh đẹp tuyệt vời đối với những người còn lại. Khó khăn là ở chỗ này.

Anh chàng né tránh câu trả lời, để cho Tannakin tự quyết định. Rõ ràng, đây là một lựa chọn khôn ngoan. Khi người chồng nói với cô rằng, sự lựa chọn là của cô, bùa chú bị vô hiệu và khuôn mặt giống như một con lợn của cô biến mất.

Từ đó, Tannakin tỏ ra đáng yêu với người bạn đời của cô ấy cũng như với tất cả mọi người. Những câu chuyện như thế này trở nên đặc biệt phổ biến ở Anh, và sau đó là ở Ireland.

Lời đồn và thực tế

Người phụ nữ mặt lợn theo truyền thuyết.

Người phụ nữ mặt lợn theo truyền thuyết.

Sau đó, các yếu tố ma thuật dần biến mất khỏi câu chuyện, sự tồn tại của những người phụ nữ mặt lợn bắt đầu được coi là sự thật.

Có một câu chuyện bi thảm về một nhân vật ngoài đời thực được nhiều người cho là có vẻ mặt xấu xí. Thừa hưởng một khoản tiền lớn từ người anh trai là bác sĩ, người phụ nữ này đã sử dụng phần lớn số tiền đó để xây dựng một bệnh viện từ thiện ở Dublin.

Tin đồn về sự xuất hiện của cô bắt nguồn từ một căn bệnh thực tế về thể chất. Bị nhạy cảm với ánh sáng, cô phải đeo mạng che mặt khi đi ra ngoài trời ngay từ lúc còn nhỏ. Sau đó, cô chuyển đến một căn hộ trong khuôn viên bệnh viện, khiến người dân địa phương đồn rằng cô là một người phụ nữ có khuôn mặt lợn.

Để chấm dứt những tin đồn gây tác hại, cô đã vẽ một bức chân dung của mình treo ở tiền sảnh bệnh viện từ thiện. Thế nhưng điều này cũng không cải thiện được gì.

Công chúng ưa thích bức chân dung mặt lợn của cô, do một người bí mật vẽ, được trưng bày trong một quán rượu địa phương hơn. Cuối cùng, cô đã hoàn toàn rút lui sống ẩn dật và qua đời vào năm 1746.

Vào khoảng năm 1815, tạp chí Fairburn đăng câu chuyện về một phụ nữ trẻ có nguồn gốc Ireland cao quý sống ở Quảng trường Manchester. Người ta cho rằng cô ấy đã được nhìn lén ở nhiều khu vực khác nhau của London trong một chiếc xe ngựa kín với khuôn mặt của một con lợn.

Một thư viện ở Anh tường trình rằng: “Những câu chuyện về lối sống của người phụ nữ đã bị thêu dệt bởi nhiều tờ báo, tờ rơi và những lời đồn đại về sự tồn tại của cô ấy, bao gồm cả thói quen ăn trong máng và phát ra âm thanh eng éc”.

Truyền thuyết về người phụ nữ mặt lợn đã có từ rất lâu nhưng mãi đến những năm đầu của thế kỷ 19, người ta mới bắt đầu đặt câu hỏi về tính xác thực của nó.

Vào năm 1815, một người đàn ông ở Paris đã công bố tên và địa chỉ của một phụ nữ có diện mạo giống như lợn. Nghe vậy, một đám đông hiếu kỳ đã tập trung ở nơi này để mong nhìn thấy người phụ nữ mặt thú, gây náo động đến mức người đàn ông phải thú nhận rằng đó chỉ là một trò lừa bịp.

Cô gái trẻ đã từ chối làm bạn đời của anh ta nên anh ta dựng lên câu chuyện như một hành động trả thù.

Các nhà tổ chức hội chợ cũng thường giới thiệu các phụ nữ mặt lợn cho công chúng, nhưng hầu hết đều là giả mạo. Thông thường, người ta cho một con gấu uống bia cho đến khi nó trong trạng thái đờ đẫn, rồi cạo sạch lông ở mặt nó.

Sau đó, gấu được cho mặc quần áo phụ nữ và bị trói vào ghế. Sau khi sắp xếp ổn thỏa, đám đông được phép vào lều đứng xa xa quan sát. Trong tranh tối tranh sáng, mọi người nhìn thấy một phụ nữ mặt lợn.

Truyền thuyết về quý bà mặt lợn kéo dài đến năm 1814 ở London (Anh). Đến những năm 1860, việc trưng bày “phụ nữ mặt lợn” tại các hội chợ đã không còn phổ biến. Cho đến năm 2000, huyền thoại này gần như bị biến mất.

Theo Owlcation

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều bố mẹ dạy con rằng “Là con trai phải mạnh mẽ”, nhưng dường như câu nói đó vô tình khiến nhiều trẻ không dám thể hiện cảm xúc chân thực của mình. Ảnh minh họa: INT.

Con trai không được khóc?

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ đau đầu khi thấy con tuy đã lớn, đặc biệt là con trai, nhưng vẫn thường xuyên khóc nhè.