Truyền thuyết về người mắt Trăng

GD&TĐ - Theo truyền thuyết Cherokee, những người mắt Trăng từng sống sâu trong rừng ở Bắc Carolina và Georgia ngày nay.

Bức tượng miêu tả người 'mắt Trăng' trưng bày tại Bảo tàng lịch sử hạt Cherokee.
Bức tượng miêu tả người 'mắt Trăng' trưng bày tại Bảo tàng lịch sử hạt Cherokee.

Bộ tộc Cherokee ở châu Mỹ tồn tại nhiều truyền thuyết đáng kinh ngạc và một trong những câu chuyện thú vị nhất liên quan đến những người mắt Trăng (moon-eyed people). Đây còn được xem là bằng chứng cho thấy, người châu Âu đã đặt chân đến châu Mỹ trước Columbus đến hơn 300 năm.

Chủng tộc bí ẩn

Theo truyền thuyết Cherokee, những người mắt Trăng từng sống sâu trong rừng ở Bắc Carolina và Georgia ngày nay. Có đôi mắt xanh và làn da nhợt nhạt, họ nhạy cảm với ánh sáng đến mức phải ngủ vào ban ngày và chỉ xuất hiện dưới ánh trăng. Không giống những sinh vật khác trong truyền thuyết bản địa, nhóm người này không phải là hồn ma hay quái vật, mà là con người thực sự.

Hiện nay, truyền thuyết địa phương kể rằng, đi dọc theo bức tường đổ nát trên Fort Mountain, người ta có thể nghe tiếng trống xa xa và thoáng thấy những người đàn ông mặc áo da gấu. Phải chăng đây là những tiếng vọng xa xăm của những người mắt Trăng bí ẩn?

Mặc dù, những người mắt Trăng có thể chỉ là huyền thoại, nhưng một số người tin rằng, câu chuyện về chủng tộc bí ẩn này bắt nguồn từ thực tế lịch sử. Người ta thậm chí còn nghi ngờ họ là những người xứ Wales đã đến đây hàng thế kỷ trước Christopher Columbus.

Khi những người châu Âu di cư đến Bắc Mỹ vào thế kỷ 18, họ bắt đầu ghi chép truyền thuyết về những người mắt Trăng. Theo trang Legends of America, người Cherokee mô tả chủng tộc bí ẩn này là những người nhỏ bé, mắt sáng và xanh xao. Do nhạy cảm với ánh sáng nên họ ẩn náu vào ban ngày và chỉ xuất hiện khi màn đêm buông xuống.

Một tù trưởng người Cherokee, Oconostota, vào năm 1782 đã kể với thống đốc bang Tennessee, John Sevier, câu chuyện về những người mắt Trăng. Theo đó, ông đã nghe ông cha kể về “những người da trắng” có mặt ở đây từ lâu. Họ vượt qua vùng biển lớn (Đại Tây Dương) và đổ bộ đầu tiên nơi gần cửa sông Alabama.

Vậy chuyện gì đã xảy ra với những người mắt Trăng?

Benjamin Smith Burton - nhà giáo dục và sinh vật học người Mỹ, ghi chép vào năm 1797 rằng: “Người Cherokee nói với chúng tôi rằng, khi lần đầu đến nơi này để sinh sống họ đã gặp những người ‘mắt Trăng’ - một bộ tộc mà không ai có thể thấy vào ban ngày. Sau đó, lợi dụng sự không dung nạp ánh sáng của những người có đôi mắt mặt Trăng, người Cherokee tấn công vào thời điểm trăng tròn, trục xuất họ khỏi vùng đất này”.

Sự thực hay huyền thoại?

Ngày nay, câu chuyện về người mắt Trăng chỉ được xem là huyền thoại, nhưng một số người vẫn tin họ thực sự tồn tại, và là bằng chứng cho thấy người châu Âu đã đến Bắc Mỹ vào thế kỷ 12.

Cơ sở cho niềm tin này là truyền thuyết về những người mắt Trăng diễn ra cùng lúc với một truyền thuyết khác liên quan đến hoàng tử xứ Wales tên là Madoc ab Owain Gwynedd. Madoc và anh trai Rhirid được cho là đã chạy trốn khỏi xứ Wales vào năm 1170 vì cuộc nội chiến giữa những người anh em của họ.

Đi thuyền về phía Tây, họ đã đổ bộ vào Bắc Mỹ và thành lập một khu định cư. Truyền thuyết kể rằng, Madoc thậm chí còn quay trở lại xứ Wales để mang theo nhiều người khác vượt Đại Tây Dương cùng mình. Mặc dù, cả hai hoàng tử này sau đó biến mất khỏi ghi chép lịch sử, song câu chuyện về họ vẫn tồn tại từ thế kỷ 12 trở đi, thông qua những câu chuyện và bài hát của xứ Wales.

Như vậy, họ có phải là tổ tiên của những người mắt Trăng không?

Tù trưởng Oconostota thực sự đã nghĩ như vậy. Ông ta nói với Sevier rằng, những gò đất bí ẩn trong khu vực là do người mắt Trăng xây dựng. Hơn nữa, một số người di cư xứ Wales sau này nhận thấy có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc giữa văn hóa của họ và văn hóa bản địa ở Tân thế giới.

Người xứ Wales đến Bắc Mỹ cũng tìm thấy những pháo đài bằng đá giống như công sự mà tổ tiên họ đã xây dựng ở quê hương. Họ cũng gặp một số người bản địa có làn da nhợt nhạt và mắt xanh, nói một số thứ tiếng nghe giống ngôn ngữ xứ Wales.

Vào năm 1608, một nhóm người định cư da trắng thậm chí còn phát hiện tiếng Wales giống với ngôn ngữ của người Monacan đến mức họ đã cử một thành viên nói tiếng Wales, Peter Wynne, làm thông dịch viên giữa hai nhóm.

Mặc dù có thể dễ dàng bác bỏ một số bằng chứng này và cho rằng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng một số người vẫn tin người mắt Trăng đã để lại dấu vết vật chất cho nền văn minh của họ ở vùng Appalachia.

Tàn tích của một pháo đài được cho là do người mắt Trăng xây dựng từ năm 400 - 500.

Tàn tích của một pháo đài được cho là do người mắt Trăng xây dựng từ năm 400 - 500.

Dấu tích còn lại

Ngày nay, có một số địa điểm kỳ lạ tồn tại dọc chân đồi Appalachia, mà một số người tin rằng đó là dấu tích của những người mắt Trăng, chẳng hạn như Fort Mountain ở Georgia.

Ở đó, vẫn còn dấu vết đổ nát của bức tường vững chắc với nhiều lỗ châu mai tương tự như ở châu Âu. Sevier thậm chí còn cho rằng, pháo đài này được xây dựng bởi “người xứ Wales” để chống lại tổ tiên của người Cherokee, bộ tộc đã đuổi họ khỏi khu vực.

Một số nhà sử học ước tính công trình này được xây dựng từ năm 400 - 500. Nhưng nếu những người có đôi mắt Trăng - “người xứ Wales”, xây dựng công sự trên Fort Mountain thì họ không liên quan đến hai vị hoàng tử thế kỷ 12.

Một bảo tàng lịch sử địa phương ở Murphy, Bắc Carolina, cũng tuyên bố có một hiện vật liên quan đến người mắt Trăng. Theo đó, một nông dân ở thế kỷ 19 đã đào được một bức tượng kỳ lạ trên mảnh đất của mình.

Hiện vật này dường như mô tả hai người đứng gần hoặc dính liền nhau với khuôn mặt phẳng. Tuy nhiên, liệu bức tượng này có phải do người mắt Trăng tạo ra để mô tả họ hay không vẫn chưa rõ ràng.

Cuối cùng, truyền thuyết về người mắt Trăng để lại cho các nhà sử học nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Có phải những câu chuyện của người Cherokee về những người xanh xao, mắt sáng, ghét ánh sáng Mặt trời chỉ là huyền thoại? Hay họ đã chỉ ra một sự thật lịch sử nào đó chưa được biết đến? Người mắt Trăng có phải là người xứ Wales không?

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Làm gì khi con hay giận dỗi?

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.