Với họ, mái tóc không chỉ đóng vai trò “một góc” mà là “cả con người” nên được nâng niu, bảo vệ trọn đời và là phương tiện nói thay cho chính chủ.
“Cái tóc là cả con người”
Người Mbalantu cư trú ở phía Nam của Angola và phía Bắc của Namibia, 2 quốc gia châu Phi. Thế kỷ XX, khi châu Phi bị các nước thực dân phương Tây thi nhau xâu xé và đồng hóa, họ nằm ngoài thỏa thuận thuộc địa nên duy trì được trọn vẹn truyền thống, kỹ năng sống.
Một trong những truyền thống độc đáo nhất của người Mbalantu là tục nuôi dài tóc ở phụ nữ. Bắt đầu từ năm 12 tuổi, các cô gái Mbalantu dành toàn bộ tâm sức, chăm chút và nuôi dưỡng mái tóc với mục đích đạt độ dài tối đa càng nhanh càng tốt.
Với phụ nữ Mbalantu, mái tóc là cả con người. Mỗi một giai đoạn cuộc đời được đánh giá bằng một đặc trưng của kiểu tóc. Để thúc đẩy tóc mọc nhanh, thiếu nữ Mbalantu nghiền mịn vỏ cây omutyuula trộn với mỡ thành một thứ bột nhão, phủ đều lên tóc và buộc đuôi tóc lại bằng dây gân được trang trí với quả muzinzila.
Họ giữ nguyên mái tóc suốt vài năm không gội, đợi đến khi lớp “keo ủ tóc tự nhiên” tự bong, để lộ mái tóc dài khỏe mạnh. Thường thì, đến năm họ 16 tuổi, tóc sẽ dài chạm đất và cũng trong năm này, họ bước vào buổi lễ quan trọng nhất là nghi thức Ohango.
Ohango là nghi thức công nhận tuổi trưởng thành, cho phép thiếu nữ Mbalantu trở thành phụ nữ và kết hôn. Trước khi Ohango diễn ra, thiếu nữ Mbalantu được tết tóc thành 4 bím dày gọi là eembuvi.
Để kỷ niệm dịp Ohango và thúc đẩy tóc mọc dài, khỏe hơn nữa, họ trộn đợt “keo ủ tóc tự nhiên” mới, phủ đều lên tóc như đã làm năm 12 tuổi. Những thiếu nữ có tóc không đủ dài và dày còn không tiếc bỏ toàn bộ tiền bạc mà mình có, mua tóc của người khác để bện thêm vào.
Bước sang tuổi 16, thiếu nữ Mbalantu có 4 bím tóc to, dày, dài chấm gót. Ảnh: Ancient-origins.net |
Phức tạp và siêu nặng
Sau Ohango và trước khi kết hôn, phụ nữ Mbalantu khoe mái tóc 4 bím to, nặng, dài chấm đất. Họ bật mí, trong “keo ủ tóc tự nhiên” của mình gồm 5 thành phần chính: Bột đinh hương, bột hạt chebe, tinh dầu thơm (tùy sở thích của từng người mà có thể khác nhau), hạt mahllaba soubiane và đá thơm.
Tuy chưa có ai nghiên cứu xác thực xem chúng có thật sự có tác dụng kích thích tóc mọc nhanh hay không, nhưng mái tóc chắc khỏe của phụ nữ Mbalantu là bằng chứng không thể chối cãi.
Khi phụ nữ Mbalantu kết hôn, các bím tóc được nâng lên, quấn vòng quanh đầu theo những nếp cầu kỳ, hình thành chiếc mũ bằng tóc phức tạp. Chiếc mũ này nổi tiếng to và nặng đến mức chủ nhân của nó phải lấy dây da để buộc quanh trán, vừa cho tóc khỏi bị rơi xuống vừa phân bổ trọng lượng thích hợp để giữ vững được trên đầu.
Theo ảnh tư liệu, viền ngoài của “chiếc mũ bằng tóc” được trang trí bằng dải hạt cườm lớn màu trắng, “chân mũ” quấn dây da bò và “đuôi mũ” quấn, treo hạt cườm, hạt đá đẹp.
Phải đến khi sinh con, phụ nữ Mbalantu mới thay đổi kiểu tóc mới. Theo truyền thống Mbalantu, mỗi khi người phụ nữ bước sang giai đoạn mới của cuộc đời, họ lại thay đổi kiểu tóc một lần.
Có thể nói, “cái tóc” là giá trị của người phụ nữ Mbalantu, nó biểu hiện từ tuổi tác, tình trạng hôn nhân, con cái đến sự thông tuệ, quyền lực… Từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, phụ nữ Mbalantu thể hiện bản thân bằng mái tóc.
Ngày nay, người Mbalantu vẫn định cư tại chỗ cũ và dưới ảnh hưởng của đời sống hiện đại, phụ nữ Mbalantu không nhất định phải nuôi tóc dài hay vấn tóc theo tác phong truyền thống.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn thích để tóc dài, tết thành nhiều bím và đặc biệt, kiểu tóc cổ truyền của họ đã tạo cảm hứng cho rất nhiều mẫu tóc độc đáo, ví dụ như tạo hình mái tóc của nữ diễn viên Shuri trong bộ phim bom tấn “Chiến binh Báo đen”.
Một số ngôi sao nổi tiếng, ví dụ như ca sĩ Beyonce cũng lấy cảm hứng từ kiểu tóc Mbalantu, khoe mái tóc dài khỏe khoắn được tết thành vô số lọn nhỏ. Trong khi thế giới vẫn còn hồ nghi về “keo ủ tóc tự nhiên” của phụ nữ Mbalantu, nhiều phụ nữ châu Phi không ngại học theo và hầu hết họ đều đạt được kết quả như ý là mái tóc xoăn cực chắc khỏe, dày, dài.
Thế giới bên ngoài thường định kiến “tóc phụ nữ châu Phi không thể dài quá vai”, nhưng mái tóc của phụ nữ Mbalantu đã chứng minh điều ngược lại. Cho dù là trước đây hay bây giờ, châu lục này vẫn luôn có “người đẹp tóc mây”, thậm chí còn là “tóc mây” cực kỳ bền chắc, không bị đứt gãy hay chẻ ngọn.