Đây được coi là diễn đàn lần đầu tiên có sự tham gia của ba giới chuyên môn gồm: nhà quản lý và thực thi chính sách BHXH, BHYT, nhà nghiên cứu và đào tạo báo chí – truyền thông và các nhà báo.
TS. Phạm Đình Thành, nguyên Viện trưởng Viện khoa học Bảo hiểm xã hội (BHXHVN) cho biết, hơn 25 năm qua, Viện đã tiến hành nghiên cứu khoa học trong toàn ngành với gần 250 đề án, đề tài cấp bộ và trên 30 đề tài cấp cơ sở. Riêng trong lĩnh vực truyền thông chính sách, đã có 10 đề tài cấp bộ và cấp cơ sở.
Đánh giá một cách khách quan về công tác truyền thông BHXH, BHYT từ năm 2014, nhất là từ năm 2016 đến nay, diện mạo của công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT cả về hình thức lẫn nội dung, số lượng và chất lượng đã được thay đổi, sôi động và đa dạng về mọi mặt. Công tác truyền thông đã được cải tiến mạnh mẽ về phương thức, lan tỏa sâu rộng và mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 50% số người lao động tham gia BHXH, 35% số người lao động tham gia BHTN và 90% dân số tham gia BHYT.
Cho rằng truyền thông về các chính sách BHXH, BHYT hiện nay còn khô khan, khuôn mẫu, ít hấp dẫn, ThS. Nguyễn Sơn Minh (Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV) đề xuất: trong bối cảnh kỹ thuật số trên nền tảng mạng Internet và mạng viễn thông di động, cần thử nghiệm và chấp nhận tư duy mới trong tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách một cách mềm dẻo, linh hoạt với phương châm “Người dân thích nghe, xem sản phẩm truyền thông trước khi lồng ghép các thông điệp truyền thông”.
Giới thiệu đến hội thảo kinh nghiệm sử dụng các phương tiện truyền thông mới trong truyền thông chính sách tại Hàn Quốc, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhấn mạnh: mạng xã hội và các công cụ trực tuyến hiện nay đang được sử dụng như một nhóm phương pháp và hình thức truyền thông tất yếu tại các quốc gia phát triển. Theo đó, ba nhóm ứng dụng quan trọng nhất của mạng xã hộ trong truyền thông chính sách là: thăm dò dư luận xã hội; tổ chức chương trình, chiến dịch truyền thông trực tuyến; quản trị khủng hoảng.
TS. Đỗ Anh Đức (Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV) gợi mở và đề xuất mô hình “truyền thông tham gia” có sự tham gia của công chúng, trong đó đề cao sự chủ động của con người, tạo điều kiện và khuyến khích các cộng đồng, cá nhân quyền lựa chọn, theo đuổi mục đích của mình.
Các ý kiến chia sẻ tại Hội thảo nhấn mạnh vai trò của công tác nghiên cứu khoa học về truyền thông chính sách BHXH, BHYT ngày càng được đề cao. Việc tiếp cận truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong góc nhìn đa chiều, liên ngành, vừa gắn với truyền thống, bản sắc của xã hội Việt Nam, vừa có sự tiếp thu những thành tựu của khoa học thế giới trong xu thế hội nhập.