Mường Chanh là địa phương cao, xa nhất của huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa). Mặc dù, điều kiện kinh tế, xã hội còn rất nhiều khó khăn, nhưng nhiều năm qua, xã vẫn được xếp diện dẫn đầu của huyện về số lượng con em theo ngành sư phạm. Có những gia đình, 3 anh em, 4 bố con đang theo nghề dạy học.
Truyền thống hiếu học
Chúng tôi ghé thăm gia đình thầy giáo Lương Văn Chung, ở bản Cang, xã Mường Chanh. Đây là một gia đình có truyền thống hiếu học từ thế hệ anh - em đến cha - con điển hình ở vùng đất biên cương xa xôi này.
Thầy giáo Tào Văn Sinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Chanh cho biết, trường có 28 cán bộ, giáo viên, trong đó, 19 thầy, cô là người địa phương. “Ở Mường Chanh, gia đình thầy Chung là một gương điển hình về hiếu học, khiến nhiều người phải ngưỡng mộ.
Thầy Chung có 3 anh em, đều theo nghề sư phạm và đang công tác trong ngành Giáo dục huyện Mường Lát. Vợ chồng thầy Chung có 4 con gái, thì có 3 cháu đang tiếp nối truyền thống gia đình mà cha, chú của mình đã đi trước”, thầy Sinh chia sẻ.
Vợ chồng thầy Lương Văn Chung sinh được 4 cô con gái. Con gái đầu lòng là Lương Thị Phượng, đã xây dựng gia đình. Con gái thứ 2 là Lương Thị Hồng, tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm Tiểu học Trường ĐH Hồng Đức năm 2023, giáo viên Trường Tiểu học Mường Lý.
Hai em út là cặp song sinh Lương Thị Đào, Lương Thị Mai. Đào đang theo học đại học sư phạm tiểu học Trường ĐH Hồng Đức, còn Mai theo học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Thầy Chung cho hay, bố mẹ thầy sinh hạ được 5 người con trai, nhưng chỉ nuôi được 3 anh em. Những năm tháng học THCS đã nhọc nhằn là thế, nhưng khi vào học Trung học Sư phạm (12+2), ở xã Quảng Tâm (TP Thanh Hóa bây giờ), con đường đi tìm tri thức của 3 anh em càng gian truân hơn.
Nhiều lần, để di chuyển được đến trường học, họ phải vượt núi, băng rừng khoảng 20km sang nước bạn Lào, rồi đón xe khách xuống chợ Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa). Sau đó, đón xe từ cửa khẩu Na Mèo theo Quốc lộ 217 xuống trường học, với quãng đường khoảng 230km.
Giờ đây, 3 anh em nhà thầy giáo Chung đang công tác trong ngành Giáo dục huyện Mường Lát. Trong đó, thầy Lương Văn Chướng (em trai thứ 2 của thầy Chung) hiện công tác tại Trường THCS Mường Chanh. Thầy Lương Văn Yêng dạy học ở Trường Tiểu học Tây Tiến, xã Mường Lý.
Vợ chồng thầy giáo Lương Văn Chung và 3 con gái đang theo nghề dạy học. Ảnh: PV |
Những chàng trai, cô gái nghị lực
Cũng ở bản Cang, xã Mường Chanh, còn có Hà Văn Chời là tấm gương vượt khó, học giỏi khiến nhiều người khâm phục. Nhắc về cậu học trò cũ của nhà trường, thầy giáo Phạm Anh Toàn - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh Thanh Hóa, thông tin: “Hà Văn Chời là một học sinh xuất sắc của nhà trường.
Tại kỳ thi đại học năm 2017 - 2018, Hà Văn Chời là một trong 56 học sinh toàn tỉnh Thanh Hóa đạt từ 26 điểm trở lên. Em cũng là 1 trong 4 học sinh có điểm thi đầu vào cao nhất của Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng). Riêng môn Địa lý, Hà Văn Chời đạt số điểm 9,75 - cao nhất Thanh Hóa lúc bấy giờ”.
Trong lúc trò chuyện, Hà Văn Chời bảo rằng: Khoảng thời gian theo học từ THCS đến THPT là vô cùng gian nan, vất vả. Điều may mắn cho em là các thầy, cô giáo, bạn bè luôn động viên, khích lệ học tập.
Cũng chính vì gia đình, quê hương nghèo khổ, lam lũ quá mà Hà Văn Chời phải quyết tâm tìm lối thoát bằng con đường học tập và phấn đấu hết sức mình để đạt được ước mơ.
Năm 2022, sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh (Hà Văn Chời đỗ vào Trường Sĩ quan Chính trị - Bộ Quốc phòng và được gửi sang Học viện An ninh - PV), Hà Văn Chời được nhận công tác ở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Chiến sĩ Hà Văn Chời (bên trái) đang công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: NVCC |
Hiện nay, lương, phụ cấp của Hà Văn Chời được chừng 11 triệu đồng/tháng. Sau khi dành lại chi phí sinh hoạt cho bản thân, anh dành một phần lương gửi về phụ giúp bố mẹ ở quê để chi trả tiền thuê nhà trọ, ăn uống, thuốc men cho em trai đang chữa bệnh suy thận.
“Em trai tôi phải thuê phòng trọ ở gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để tiện cho việc lọc máu 3 lần/tuần. Chỉ tính riêng tiền thuê trọ, ăn uống mỗi tháng gần 3 triệu đồng. Do gia đình còn khó khăn, vất vả, nên tôi sẽ phấn đấu công tác thật tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó”, Chời chia sẻ.
Cặp song sinh Lương Thị Đào, Lương Thị Mai (con gái của thầy Chung) khi lên THPT, thi đỗ vào Trường THPT DTNT Ngọc Lặc và Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa.
Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Lương Thị Mai đã trở thành nữ sinh giành được tổng số điểm cao nhất Trường THPT DTNN Thanh Hóa (28,5 điểm). Còn Lương Thị Đào cũng không kém phần xuất sắc với 28,5 điểm.
Đào và Mai đều quyết tâm theo nghề sư phạm như những người ruột thịt trong gia đình. Thầy Phạm Anh Toàn cho biết: “Những thành tích trong học tập mà Lương Thị Mai đạt được là thành quả của quá trình nỗ lực, phấn đấu vươn lên.
Em cũng là người có phẩm chất đạo đức tốt, luôn năng nổ trong công việc chung của tập thể. Năm học 2022 - 2023, Lương Thị Mai là học sinh đã được tham gia lớp học bồi dưỡng cảm tình Đảng”.
Trong khi đó, thầy Lê Văn Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Ngọc Lặc (Thanh Hóa) cho hay: “Lương Thị Đào là một học sinh có tổng số điểm xét Tổ hợp C19 đứng thứ 3 nhà trường. Không những thế, em còn là học sinh đạt danh hiệu ‘Ba tốt’ của nhà trường và vinh dự trở thành đảng viên trẻ khi đang học lớp 12”.
Thống kê của chính quyền địa phương, hiện nay Mường Chanh có hơn 70 người đang theo nghề dạy học. Trong đó, bậc học mầm non 16 giáo viên; tiểu học là 23 giáo viên; cấp THCS là 16 giáo viên và có 12 sinh viên đang theo học nghề dạy học.
Ngoài ra, còn có 9 giáo viên là người Mường Chanh đang công tác ở các trường khác trong huyện. Có thể nói, Mường Chanh là địa phương nằm trong tốp dẫn đầu huyện Mường Lát về số lượng con, em theo ngành sư phạm. Ông Bùi Văn Nhân (Chủ tịch UBND xã Mường Chanh, Mường Lát, Thanh Hóa)