Má biểu ra ngoài nhớ giữ gìn sức khỏe nghen con, lạ nước lạ cái đừng có mà rong ruổi chỗ kia chỗ nọ mắc công lạc đường, rồi có chuyện gì nữa thì khổ. Danh cười:
- Má ơi, con đã hai – mươi – ba tuổi rồi, con tự lo được mà má.
- Ờ, thì má dặn hờ bây thôi.
Cái thở dài của má khiến sự háo hức trong lòng Danh chùng xuống. Danh biết má đang lo cho anh. Thiệt khổ, má đâu biết rằng con trai má giờ đã trưởng thành, lăn lộn thành phố bốn năm trời rồi, tự lo thân mình được rồi đâu còn như đứa trẻ lớp 1 ngày đầu đến trường còn bám chặt tay má. Danh lựa lời an ủi cho má yên tâm:
- Má sợ con ra đó ăn chơi hư hỏng thì tối nào cũng gọi điện kiểm tra là xong.
- Cha bây, má chỉ sợ bây ham làm quá rồi chẳng thèm lấy vợ sanh cháu cho má thì có.
- Gì vậy má, con còn trẻ mà, vợ con gì tầm này má ơi.
Má lườm cái thằng con độc nhất. Nó đã cao hơn má cái đầu. Nó đã là thầy giáo, nay mai ra đảo đứng lớp dạy học trò cấp ba. Nhanh thiệt, mới ngày nào đi mẫu giáo còn khóc nhè đòi về với má, vậy mà… Đôi lần, má ước nó hoài nhỏ dại lẽo đẽo theo chân má hỏi nầy hỏi nọ, rồi tự cười mình sao vậy được. Nó phải lớn chứ, dẫu khi lớn nó như con chim đủ lông đủ cánh chỉ ước ao bay ra bầu trời rộng lớn mà thôi, không muốn bám chân má nữa.
Nghĩ tới những ngày tháng xa con, đằng đẵng cả năm trời má con sum họp được dịp hè và Tết là lòng má lại bần thần buồn. Mà cũng đành chấp nhận xa con, phải cho nó đi ra với người ta cho biết, lẩn quẩn chân mẹ hoài lấy gì khôn.
Vậy mà mắt má vẫn ngấn lệ khi nhìn dáng Danh bước lên con tàu để bắt đầu hành trình mới của cuộc đời. Hành khách đông quá, thằng con trai độc nhất của má không thể ngoái lại nhìn má lần cuối được. Tàu từ từ di chuyển, rồi lao về mặt biển bao la. Nước mắt rơi lặng lẽ. Má khóc thiệt. Vì mừng. Vì lo. Vì hạnh phúc cũng có.
* * *
Đảo nhỏ chơ vơ giữa biển cả bao la. Hoang sơ. Nghèo. Hèn chi mấy đứa bạn Danh khi nghe Danh nói xin ra đảo dạy đã trề môi dài cả cây số. Điện ở đây không đủ cung cấp cho người dân, tối chừng hơn bảy giờ là cúp. Tất cả chìm trong bóng đêm tĩnh mịch. Vì vậy dân đảo ngủ sớm và cũng dậy rất sớm.
Dậy sớm thì có lẽ là do nghề nghiệp yêu cầu họ phải vậy. Nhà nào cũng có người đi ghe, đi từ nửa đêm tới rạng sáng thì vào. Người ta tập trung tại cảng phân loại cá, mua bán tấp nập. Có đầu mối từ đất liền bao tiêu hết, chỉ cần cấp đông gửi vào là được.
Ngày đầu tiên ra đảo, đợi cơn say sóng dịu lại, Danh nhờ anh Thành, bạn cùng phòng chở đi dạo một vòng quanh đảo làm quen.
Danh ngạc nhiên khi thấy những con đường trên đảo bé xíu, rộng chỉ tầm bốn mét là cùng, lại dốc thoai thoải, quanh co. Thành giải thích do trên đảo không có xe ô tô nên đường nhỏ hơn trong đất liền nhiều. Đảo hồi xưa là một ngọn núi lửa nên địa hình dốc, lồi lõm chứ không bằng phẳng như đất liền. Ven bờ biển có rất nhiều đá đen, có chỗ nước biển mài mòn đá tạo thành những đường xoắn ốc rất đẹp mắt.
Nghe lời anh bạn, Danh chưa tin lắm, phải đến khi chứng kiến ngọn núi đá mà thân được sóng biển điêu khắc những vòng tròn bao quanh Danh mới ô a liên hồi, bái phục tài năng của thiên nhiên diệu kỳ. Anh Thành cười ngất:
- Đây mới chỉ là một phần cảnh đẹp của đảo thôi. Thầy cứ ở đây đi rồi sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị về hòn đảo này đó.
- Ở đây chắc nhiều khách du lịch nhỉ.
- Ngược lại, không có nhiều khách đâu thầy. Vì đường sá xa xôi, phương tiện thì chưa phát triển, thầy thanh niên như vậy đi còn ói ra mật xanh mật vàng thì du khách nào chịu nổi.
Danh gật gù công nhận. Quả thật con tàu sắt cứ lắc lư, lắc lư rất chóng mặt. Thêm nữa thì hàng hóa trên boong đủ thể loại, nào bò, nào lợn, nào xi măng… đủ mùi trộn lẫn vào nhau. Sóng dập liên hồi, mùi hôi xộc vào mũi, chịu đựng tám tiếng đồng hồ quả là thử thách khó nhằn chứ không phải đùa. Đi chơi mà khổ thế ai thèm đi. Chưa kể phải phụ thuộc vào con nước, có tháng trời êm có tháng biển lại động, đi mà trúng mùa biển động thì thôi rồi.
Mới nghĩ đến đó Danh đã le lưỡi ngao ngán, hôm qua đi biển êm mà còn ói ra mật vàng, mốt về nghỉ Tết trúng mùa bấc nổi, biển động thì không biết sẽ ra sao.
Anh Thành vỗ vai Danh động viên:
- Thầy cứ từ từ mà thưởng thức đảo. Tuy đảo nghèo thiệt nhưng dân ở đây không nghèo tình nghĩa. Nhất là với thầy cô giáo, nhờ có thầy cô từ đất liền ra đây công tác mà con em trên đảo mới đỡ khổ, khỏi phải đi vào đất liền thuê phòng trọ học suốt ba năm trung học.
Ảnh minh họa: ITN. |
Nhìn đôi mắt nhiệt huyết, nét mặt cương nghị của Thành, Danh hiểu rằng trái tim anh đã dành hết cho đảo rồi. Những lời anh tâm sự càng khiến Danh tin rằng quyết định của mình là đúng đắn. Danh sẽ bám trụ ở đảo nhỏ này, gieo con chữ cho các em, Danh sẽ nói về lòng nhiệt huyết, sẽ tin vào một tương lai tươi sáng của thế hệ trẻ nơi này.
Buổi đầu nhận lớp, đứng trên bục giảng, Danh nhìn những gương mặt thơ ngây, những đôi mắt sáng đang chằm chằm nhìn thầy. Danh nở nụ cười, giới thiệu về bản thân, làm quen với các em. Cả lớp cứ nhất quyết bắt thầy phải hát tặng một bài gọi là “ra mắt”. Nhất là những cô học trò, khi biết thầy mới ra trường thì lại càng ghẹo tới.
Đã đi thực tập nửa năm trời, đã làm quen với học trò tuổi này nên Danh không hề bối rối. Anh tự tin hát bài hát về người thầy, đây là bài “tủ” anh đã tập đi tập lại và cũng đã “biểu diễn” vài lần rồi nên dĩ nhiên là không bị lỗi. Học trò vỗ tay, huýt sáo rần rần phục thầy sát đất. Và tiết học đầu tiên bắt đầu như thế…
Danh tập làm quen dần với nếp sinh hoạt của người dân trên đảo. Khẩu vị nơi đây khá khác với đất liền. Trong kia người dân ưa ăn ngọt, ngoài này thì lại ưa ăn mặn. Mấy ngày đầu chưa quen, Danh toàn bỏ mứa. Anh Thành thấy vậy nghiêm nghị bảo:
- Thầy ăn như thế thì lấy sức đâu mà làm việc. Hơn nữa, thực phẩm trên đảo khan hiếm, ăn bỏ mứa là có tội rất lớn đấy.
Nghe anh nói thế Danh ngại nên những bữa sau ráng nuốt, ăn cho hết suất. Sau anh Thành giải thích do trên đảo thiếu nước ngọt nên việc trồng trọt khó khăn. Tất cả hàng hóa đều từ đất liền mang ra, đảo chỉ tự nuôi được gà, bò, heo mà số lượng cũng ít không đủ cung cấp cho toàn đảo. Nên thực phẩm trên đảo giá cả đắt hơn đất liền, có khi gấp đôi. Chỉ có hải sản thì đảo dồi dào, muốn ăn gì cũng có, lại rẻ.
Dần dần quen khẩu vị, về đất liền chơi lại thấy ăn không quen, nhạt nhẽo. Má đùa:
- Có khi bây muốn lấy vợ đảo hay sao á mà.
Danh cười ghẹo lại má:
- Ngoài đảo họ không cưới đâu nhen má, lấy vợ là phải ở rể, con lấy vợ đảo theo về đảo ở luôn, má có chịu ra ở với vợ chồng con không.
Má xua tay:
- Thôi, già cả rồi, đi tàu ra tới đó sống dở chết dở à. Bây dạy thời gian rồi xin về đây đi, lấy vợ sinh con cho má ẵm bồng.
Danh cười mà lòng buồn thiu. Về gần má thì ai chẳng muốn mà thương tụi học trò nhỏ, có được mấy giáo viên xung phong ra đảo đâu, thiếu giáo viên thì các em lại phải lặn lội vào đất liền tìm con chữ. Khổ cực lắm. Danh không đành lòng. Đành hẹn với lòng từ từ đợi khi những lứa học trò của đảo học thành thầy, thành cô về quê hương gieo chữ thì Danh về bên má.
Vậy mà đợi hoài cũng chẳng mấy đứa về quê. Chúng như chim nhỏ đủ lông đủ cánh bay đi là đi luôn tới miệt khác xây tổ mới, cái miệt phồn hoa đô hội, rực rỡ đèn đêm, có cơ hội thăng tiến… chẳng muốn về lại hòn đảo nhỏ xíu chơ vơ giữa biển khơi. Thành ra lời hứa với má cứ chơi vơi ở đó miết tới nay đã qua tuổi ba lăm Danh vẫn để má lẻ bóng một mình.
Ảnh minh họa ITN. |
Biết nói sao cho má hiểu lòng Danh giờ. Mảnh đất này đã trở thành một phần máu thịt của anh. Những con đường dốc thân quen, gành đá đẹp hơn tranh chiều nào Danh cũng ra ngồi ngắm biển. Danh quen hơi gió mặn mòi, quen tiếng sóng ào ào vỗ vào chân núi đá. Danh quen những con người da rám nắng có nụ cười tỏa sáng hơn sao hôm. Danh quen với ngọn đèn dầu bên bàn làm việc vì bảy giờ đảo đã cúp điện… Danh thương xứ nầy như da như thịt mình, dứt đi sao chịu nổi.
Cũng còn một lý do nữa khiến Danh không thể dứt áo ra đi, cái lý do đó khó giải thích với má dữ lắm. Chẳng lẽ nói với má con đã có lời hẹn ước trăm năm và phải đợi người đó trở về, bao lâu thì chẳng rõ. Chắc má khóc tu tu lên mất, hoặc cũng có thể chửi xối xả cái thằng con trai khờ dại. Nhưng tình yêu, má ơi, có ai cắt nghĩa được đâu. Tình yêu là thứ khiến người ta ngu dại chẳng thể dứt ra được. Danh đã trót yêu người con gái đó nên cứ chờ người ta hoài.
Dân đảo kể rằng giếng Tiên là nơi bà Chúa đảo hay ra tắm. Nước giếng trong xanh quanh năm, lúc nào cũng đầy, chỉ cần thả gầu xuống chừng hơn mét là múc được. Ngày xưa chưa có nước máy, nhà nhà người người đổ xô ra giếng Tiên tắm rửa giặt quần áo, múc nước thồ về nấu ăn. Bây giờ có nước máy rồi, giếng Tiên âm thầm đứng một mình, dẫu vậy vẫn xanh mát đầy ắp nước quanh năm. Người ta đồn rằng các cặp trai gái yêu nhau mà uống chung một bát nước giếng Tiên thì trăm năm sẽ yêu nhau mãi mãi.
Ngày mới ra đảo, vốn là thầy giáo lịch sử, say mê lịch sử từ nhỏ nên Danh hay lang thang tới những đền, miếu, các di tích còn lại của người xưa trên đảo để tìm hiểu, ghi chép lại. Danh nghe bảo ban đêm ra giếng sẽ nhìn thấy bà Chúa đảo đang chải tóc dưới giếng.
Anh muốn kiểm chứng xem sao nên hay lang thang ra giếng ban đêm. Tình cờ gặp nàng. Nàng không xinh. Nhà cách giếng Tiên không xa nên thường ra múc nước. Bữa đó bận bịu công chuyện mãi tối mới đi thồ nước được. Vậy là hai người chạm mặt. Danh đùa có phải nàng là bà Chúa đảo hóa thân thành, nàng cười, tui chỉ là bà chúa của đàn heo mấy chục con thôi. Câu nói đùa có duyên của nàng làm Danh ấn tượng.
Rồi chẳng biết từ khi nào Danh đã thầm thương người con gái có làn da nâu khỏe khoắn đó. Nụ cười của nàng tươi như bông dứa dại trên núi. Mắt nàng trong veo mà mỗi lần nhìn vào Danh say như say rượu dứa.
Danh bày đặt làm thơ, đọc cho nàng nghe, cái kiểu tán tỉnh quê mùa dễ sợ: “Mắt em như hơi rượu/Phả vào lòng anh say”. Ai dè nàng ngả đầu vào vai Danh thiệt. Đêm đó Danh đã uống chung chén nước giếng cùng nàng, nguyện suốt đời yêu thương nhau mãi mãi.
Ai ngờ…
Cuộc đời là những khúc cua khó lường. Một cô gái chân chất cả đời chưa rời chân khỏi đảo bao giờ một ngày nọ lại bỏ đảo mà đi biền biệt. Năm đó chuyến tàu cao tốc từ đất liền ra đảo khánh thành đã tạo nên cơn lốc du lịch. Đảo thay da đổi thịt từng ngày. Dân đảo đổ xô buôn bán, kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch. Nàng theo bạn bè vào đất liền lấy hàng, rồi chẳng biết nguyên cớ do đâu, một lần đi rồi mất biệt. Ba má cũng chẳng liên lạc được. Bạn bè biểu nàng theo một anh chàng phố thị nào đó.
Danh không tin vào những lời người ta đồn thổi. Anh vẫn tin rằng nàng bị bọn xấu bắt đi chứ không phải đã thay lòng đổi dạ. Danh và nàng đã uống chung chén nước giếng Tiên, sao lòng có thể thay đổi được. Chắc hẳn ở một nơi nào đó, nàng cũng đang đau khổ nhớ Danh, đang cố tìm đường trở về với Danh. Danh chờ. Chờ hoài. Người xưa không thấy quay về. Dù vậy niềm tin của Danh vẫn vẹn nguyên. Chẳng phải xưa bà Chúa đảo vì cãi lời vua cha yêu kẻ thường dân mà bị lưu đày hay sao, nên con gái xứ đảo đã yêu ai thì chung thủy suốt đời. Danh tin là vậy.
Má không bao giờ biết được nỗi chờ mong của Danh nhưng mấy đứa học trò thì tinh ý dữ lắm. Chẳng hiểu từ đâu mà chúng biết được nguyên nhân ông thầy cứ lẻ bóng một mình, ngày nghỉ xách máy ảnh lùng khắp đảo kiếm tư liệu chỉ để khỏa lấp nỗi nhớ một người.
Một hôm, chúng âm thầm tới khu tập thể trồng trước cửa phòng Danh một cây sim tím và một gốc dứa rừng. Sập tối Danh về ngạc nhiên thấy hai cái cây đứng chờ mình trong ánh đèn hắt ra từ phòng vợ chồng anh Thành. Thấy Danh, vợ anh Thành nhanh miệng thông báo:
- Lúc chiều tụi học trò lớp thầy ghé qua, tụi nó nói trồng hai cái cây này cho thầy đỡ buồn. Khi nào thầy lấy vợ hai cái cây này lớn che mát cho con thầy chơi.
Danh phì cười:
- Nay còn bày đặt trồng cây đặng dành ngày thầy lấy vợ nữa, tụi nhỏ này thiệt là…
Anh Thành vừa tắm xong, tay còn cầm khăn lau tóc, hất hàm bảo Danh:
- Thầy coi nè, tụi nhỏ chờ hoài không thấy thầy về còn gửi cả thư nhắn nhủ thầy nữa đó.
Danh phì cười đón lá thư viết trên giấy vở học trò, nét chữ nắn nót, rõ là chữ con gái. Chúng nó dặn dò “phải chờ cô về nghen thầy, hồi xưa có hòn vọng phu, giờ thầy phải ráng thành hòn vọng thê nghen thầy. Tụi em ngưỡng mộ chuyện tình của thầy lắm nên đã cử bạn Thiên vào tận đất liền mua cây sim tím, rồi lên núi đào gốc dứa rừng về trồng để làm bạn với thầy. Sim tím tượng trưng cho tình yêu chung thủy, dứa rừng là đặc sản miệt đảo này. Thầy nhớ tưới nước chăm sóc cho cây nhen thầy, cây có mệnh hệ gì là tụi em giận thầy lắm đó”.
Từ khi có hai cái cây, tụi học trò cuối tuần nào cũng lấy cớ đến phòng thầy kiểm tra, rồi thì bày nấu nướng ca hát khiến Danh chẳng còn thời gian đâu mà buồn nữa. Chúng như những chú chim non ríu rít hoài trên tán lá. Đột nhiên Danh thấy mình trẻ lại, thời còn áo trắng sân trường, cũng ghẹo nhau đùa vang mỗi giờ ra chơi.
Có thể khi nàng trở về, Danh đã chống gậy lụ khụ xách nước mỗi sáng tưới cây. Nhưng không sao, sẽ có những học trò nhỏ tới phụ thầy chăm sóc cây, hái quả ngâm rượu. Danh sẽ rủ nàng cùng ngồi xuống bộ bàn gỗ nơi gốc cây dứa rừng, cùng uống trà, ăn mứt gừng, rồi cao hứng có thể lai rai vài ly rượu dứa với khô mực. Danh sẽ vẫn đọc thơ tán tỉnh nàng như hồi xưa, dẫu đó là lời tán tỉnh quê mùa dễ sợ: “Mắt em như hơi rượu/ Phả vào lòng anh say/ Rượu say rồi cũng tỉnh/ Say tình làm sao đây?”…