Truyện ngắn: Niềm tin lấp lánh

GD&TĐ - Những đợt sóng đánh càng lúc càng dữ dội. Mùi dầu máy cứ xộc vào mũi. Dù cố gắng chịu đựng, cố tỏ ra gan lì nhưng cổ họng Tiên bắt đầu nhờn nhợn.

Minh họa: Vietpink
Minh họa: Vietpink

Sóng cứ táp thẳng vào mặt. Thân thuyền rung lắc làm Tiên phải bám chặt vào cột gỗ. Dù đã mặc áo mưa nhưng vẫn có những giọt nước biển bắn té vào mặt làm cô phải quệt mặt liên tục. Biển đang động dù trời không mưa. Giờ cô mới thấm thía hết câu nói của anh đồng nghiệp ban sáng: “Không mặc áo mưa đi thì biết”, khi cô hỏi trời nắng vầy mặc áo mưa để làm gì.

Đây là chuyến công tác đầu tiên trong đời phóng viên của cô. Nhớ hôm đầu tiên khi đem hồ sơ tới tòa soạn báo tỉnh nộp, sếp nhíu mày xem kỹ lẩm nhẩm: “Khoa báo chí đại học K à, ừ được đấy”. Rồi sếp nhìn cô, xoáy vào đôi mắt, để thẩm định, để đánh giá hay để xoáy sâu vào tâm can, trí não; cô chẳng biết được, chỉ biết sau đó sếp chốt:

- Rồi, thế này, mai em đến nhận việc nhé. Em sẽ làm bên mảng giáo dục.

Cô vui mừng cảm ơn sếp, lòng nô nức chờ đón buổi làm việc đầu tiên. Không để cô chờ lâu, sập tối đã có điện thoại của phó phòng gọi đến, thông báo ngắn gọn: “Ngày mai có anh Hải bên Ban Kinh tế xã hội ra đảo công tác, em đi cùng lấy thông tin viết bài về công tác ôn luyện thi, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Dĩ nhiên cử phóng viên cũ cũng được nhưng anh ưu tiên em, phóng viên mới cần đi thực tế xuống địa bàn nhiều để nắm bắt thông tin, cọ sát thực tế cho nhanh trưởng thành”.

Cô cảm ơn phó phòng, vội vơ vài bộ quần áo sắp xếp vào chiếc ba lô nhỏ mà hồi sinh viên thường dùng để đựng đồ đi dã ngoại. Cả đêm hôm đó cô trằn trọc mãi chẳng ngủ được, vui mừng và lo lắng đan xen.

Đúng 5 giờ sáng tàu khởi hành. Lẽ ra đi tàu cao tốc, nhưng do biển động tàu cao tốc hủy chuyến, đành phải đi ké tàu cá. Tàu đánh bắt xa bờ nên cũng lớn và chạy khá nhanh.

- Thấy nhanh vậy thôi chứ cũng tầm 8 tiếng, đó là biển êm, còn biển động thì phải 10 đến 12 tiếng. Mặc áo mưa vào đi, chuẩn bị tinh thần thưởng thức biển nhé.

Anh Hải ném cho cô chiếc áo mưa tiện dụng. Cô thắc mắc:

- Ơ, trời nắng mà anh.

- Tùy em thôi, không mặc xíu đừng hối hận nhen.

Mấy thuyền viên nhìn cô cười khúc khích. Tiên đỏ mặt mặc áo mưa vào. Đây là lần đầu tiên cô ra đảo mà lại đi trên tàu cá thế này. Mùi tanh từ đống lưới đánh cá xộc vào mũi, lẫn vào đó là mùi dầu máy. Tiên cố chịu đựng. Phóng viên thì phải lăn lộn, bụi đời chứ đừng có tiểu thư, lời nhỏ bạn chung phòng vang lên bên tai. Ừ, bụi chứ, tiểu thư hồi nào. Chỉ là đi tàu cá thôi mà. Tiên nhủ thầm trong bụng.

Ảnh minh họa: Minh Thịnh.

Ảnh minh họa: Minh Thịnh.

Ấy vậy mà giờ đây Tiên thấy hối hận vì việc mình đã đánh giá thấp chuyện ngồi trên tàu cá ra đảo. Đang mùa biển động, sóng dập tới tấp, tàu dù to đó mà vẫn tròng trành. Nước biển táp vào người hung hãn.

Nghe anh Hải nói chuyện với thuyền trưởng, cô biết được biển động vầy phải tầm 3 giờ chiều mới tới đảo. Thuyền cứ lao đi, sóng cứ táp, biển thì mênh mông vô tận nhìn bốn bề toàn nước khiến Tiên có cảm giác hoang mang. Lỡ mà hết dầu, hay lạc đường thì sao nhỉ? Lúc này cô mới hiểu hết những hiểm nguy mà dân vạn chài phải đối mặt hàng ngày. Lênh đênh trên biển cả tuần, có khi hàng tháng trời để đánh bắt cá, phải tinh thần thép cùng ý chí kiên cường, chịu đựng khó khăn vất vả mới có thể trụ được.

Những đợt sóng đánh càng lúc càng dữ dội. Mùi dầu máy cứ xộc vào mũi. Dù cố gắng chịu đựng, cố tỏ ra gan lì nhưng cổ họng Tiên bắt đầu nhờn nhợn. Cô lảo đảo bò ra mạn thuyền nôn thốc nôn tháo. Mấy tay thuyền viên trên tàu nhìn cô cười khúc khích. Anh Hải dìu cô lại vào bong, đưa dầu cho cô, ái ngại:

- Em ổn không? Mặt tái mét rồi. Thôi, ráng lên, nghề này là vậy đó. Này là mới ra huyện đảo thôi, chứ đi Trường Sa thì còn mệt gấp mấy lần như vầy nữa đó.

Tiên ráng nặn một nụ cười gượng gạo thay cho câu trả lời, thầm nghĩ trong bụng “còn bao lâu nữa mới tới đảo vậy trời đất ơi”…

Cuối cùng thì cũng thấy đảo. Đảo nằm chơi vơi giữa biển, uốn mình cong cong như một con cá thu. Hèn gì ngày xưa người ta gọi là Cù Lao Thu. Tiên phấn khởi:

- Vậy là tới đảo rồi héng anh.

- Chưa đâu, thấy gần vậy đó chớ phải tầm hơn tiếng nữa mới tới lận. Tàu phải đi theo con nước mà em, đâu phải chạy thẳng ót tới đâu.

À ra vậy, hèn gì cô cứ thấy tàu chạy cong cong mà hổng chịu chạy thẳng. Thì ra là theo con nước để tránh xoáy ngầm. Coi bộ đi biển chằng ăn dễ sợ.

Ảnh minh họa: Minh Thịnh.

Ảnh minh họa: Minh Thịnh.

Anh Hải phải dìu Tiên lên bờ, chân tay cô bủn rủn vì đói và mệt. Mười tiếng trên tàu toàn nôn ói, chẳng ăn được gì. Say sóng còn mệt hơn say xe nữa. Anh tới thuê xe máy, một chiếc thôi, rồi chở Tiên về khách sạn. Nhìn bộ dạng xơ xác của cô đồng nghiệp trẻ, anh động viên:

- Vào phòng tắm cho tỉnh người rồi anh dẫn đi ăn. Ăn xong là khỏe lại liền hà.

Quả thật sau khi tắm, đầu óc cô tỉnh táo ra hẳn. Nằm vật ra giường Tiên mới thấm thía câu nói của mấy thầy cô: Nghề báo là nghề lăn xả, không phải ngồi phòng máy lạnh đâu, các em đừng ảo tưởng kẻo ra trường bị sốc phản vệ.

* * *

Đảo nhỏ, đường nhỏ quanh co thoai thoải dốc, nhà thâm thấp, be bé, thưa thớt. Chỉ ở trục đường chính trung tâm huyện là có những khách sạn, quán xá, nhà cửa đông đúc, còn lại nhà cửa lưa thưa, vắng lặng.

Anh Hải vừa chở Tiên đi một vòng quanh đảo vừa giảng giải: Bây giờ là còn phát triển gấp mười lần hồi năm năm về trước đó. Giờ đảo đã có điện nhờ hệ thống điện gió, chứ hồi xưa thì bảy giờ tối là cúp điện à.

Nhờ du lịch giờ đảo phát triển thần kỳ hai ba năm đổ lại đây. Giờ khách sạn, quán xá nhiều chớ hồi đó tìm đỏ mắt mới có cái nhà nghỉ be bé thôi.

Tiên thầm nghĩ với điều kiện kinh tế thế này thì học hành ra sao nhỉ. Như đoán được ý nghĩ của cô, anh Hải nói tiếp: Hồi trước thi tốt nghiệp là các em phải đi tàu vào đất liền dự thi. Ăn ở cả nửa tháng trong đó vừa làm quen đường xá, môi trường vừa chuẩn bị tâm lí.

Vài năm gần đây thì đề thi và cán bộ coi thi được đưa từ đất liền ra, tổ chức thi tại đảo nên cũng đỡ vất vả, tốn kém cho các em học sinh. Em cứ tưởng tượng đi, hồi trước chưa có tàu cao tốc, học sinh phải đi trên tàu hàng hay tàu cá mà chúng ta mới đi đó. Vất vả vô cùng. Mà có phải một mình học sinh đi thi đâu, một em đi thì phải kèm theo ba hoặc mẹ, thuê nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt phí. Tốn kém ghê lắm. Anh thấy chính sách thi trên đảo là hợp lí nhất, vừa tiết kiệm chi phí vừa tiết kiệm sức lực cho thí sinh.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Ngày thứ 2 trên đảo, Tiên tự thuê xe máy hỏi đường tới trường THPT để lấy thông tin vì anh Hải phải đi lấy tin bên mảng kinh tế. Lòng vòng lạc đường, cuối cùng nhờ một người dân tận tình “tôi chạy trước, cô chạy theo sau cho chắc”.

Đang giờ học ôn, sân trường vắng lặng, chỉ mấy cây phượng vĩ là náo nhiệt không gian bằng sắc màu rực rỡ. Không khí ở đảo trong lành thật thích. Tiên gặp thầy hiệu trưởng đưa giấy giới thiệu để xin phép lấy số liệu và đi quanh chụp hình.

Giờ ra chơi, cô lân la làm quen với những cô cậu học trò cuối cấp. Khi biết Tiên là phóng viên của báo tỉnh, các bạn xúm xít vây quanh ngưỡng mộ. Bạn nào cũng thắc mắc rằng học báo chí có khó không chị, điểm đầu vào lấy cao không. Tiên cười hiền: Học báo chí thì không khó mà theo nghề báo mới khó, vì phải hăng hái xông pha và gan lì bám trụ thực địa. Tiên lại hỏi nguyện vọng đăng kí thi của các bạn là gì. Nào thì kinh tế tài chính, nào thì kế toán, nào thì sư phạm… nhưng cũng có nhiều bạn im lặng. Tiên thắc mắc:

- Còn mấy bạn này thì sao? Các em đăng ký ngành gì rồi?

Một cậu học trò có mái tóc hoe vàng, da rám nắng thở dài:

- Má em biểu lấy bằng 12 xong thì phụ đi ghe. Đi ghe có tiền chứ đi học tốn tiền lắm, lại phải vào trỏng học, xa nhà lắm.

- Ở đây chỉ có số ít bạn vào trỏng học thôi chị ơi, đi học vừa tốn kém mà ra trường tìm việc lại khó. – Cô học trò bên cạnh giải thích thêm.

- Chị thấy có nhiều ngành dễ xin việc mà. Như mình đi học cao đẳng nghề thì ra trường vào mấy khách sạn, resort làm nè. Ở đảo đang phát triển du lịch, mốt mình về sẽ dễ kiếm việc làm chứ.

- Nếu làm du lịch thì không cần phải tốn tiền đi học đâu chị ơi. Bạn em học tới lớp 9 à mà giờ nó đi làm hướng dẫn viên du lịch kìa. Chỉ cần dẫn khách tới địa điểm, rồi chịu khó chụp hình cho họ, có chăng kể đôi chút về địa điểm đó thôi. Mà tụi em lớn lên ở đây, chỗ nào ra sao ai mà chẳng biết. Cần gì phải đi học chi cho tốn công, tốn tiền chị ơi.

Tiên mỉm cười nhìn những đôi mắt ngây thơ. Thì ra ở đảo dù du lịch phát triển nhưng dịch vụ lại chưa bài bản. Tiên từng được đi nhiều nơi, có cả qua mấy nước lân cận du lịch nên hiểu rằng dịch vụ du lịch trong nước chưa thực sự chuyên nghiệp, thống nhất theo hệ thống. Mỗi nơi làm một kiểu, rồi loạn giá cả. Điều này khiến du lịch dù có phát triển theo từng năm nhưng nhìn tổng thể lại thiếu sót rất nhiều.

Hơn thế nữa, khách tới du lịch không phải chỉ là đi ngắm cảnh, chụp hình, ăn những món ăn đặc sản mà hơn hết là để tìm hiểu văn hóa địa phương. Mà văn hóa địa phương không phải cứ sinh ra ở đó là am hiểu, cần phải có những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp vào cuộc, nghiên cứu, lí giải, viết sách. Một hướng dẫn viên du lịch mà không am hiểu văn hóa, du khách hỏi tại sao đình này có kiến trúc thế này, núi này cấu trúc thế nào, lễ hội này bắt nguồn từ đâu… chỉ trả lời qua loa, đại khái thì không thể nào để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người ta được.

Tiên đem những thứ mình nghĩ, mình hiểu cắt nghĩa cho các em. Đó là lí do vì sao chúng ta phải học lên cao, tiếp thu những kiến thức mới, hoàn thiện những kỹ năng của bản thân. Bạn nào cũng gật gù, nhưng lại đồng tình với câu chốt hạ của một bạn nữ:

- Ai cũng biết những thứ chị nói là cần thiết. Nhưng em thấy ở đây họ làm du lịch đơn giản vậy mà khách vẫn tới ào ào, mùa này biển động ít khách chứ chị đi vào tầm sau Tết biển êm xem, đông nghịt ấy. Khách còn đông hơn dân trên đảo nữa.

Tiếng trống vào học vang lên. Các cô cậu học trò tíu tít tạm biệt chị nhà báo để vào học. Tiên thấy thương quá, suy nghĩ ngây thơ, trong sáng, giống như cô hồi còn mặc áo trắng ngồi ghế nhà trường.

Nhìn sơ số liệu báo cáo của thầy hiệu trưởng đưa, Tiên bần thần. Trong số các em sẽ được bao nhiêu vào đất liền tiếp tục con đường đi tìm con chữ? Chắc là rất ít. Đa số sẽ ở lại quê nhà mà nơi đây mới chỉ có trường cấp 3, chưa có trường dạy nghề nói gì đến cao đẳng, đại học. Vậy là hành trình tìm chữ khép lại để bước vào đời, lăn lộn cơm áo gạo tiền.

Nhưng điều đó cũng chưa làm Tiên buồn bằng việc đi lang thang các làng xóm, trò chuyện hỏi thăm người dân, biết được trẻ em ở đây rất nhiều em còn không học tới cấp 3. Hết cấp 2, thậm chí chưa học hết cấp 2 đã theo gia đình đi biển.

Kinh tế trên đảo mới khởi sắc một vài năm gần đây nhờ vào du lịch, hồi trước thì dân chủ yếu làm nông và đi biển thôi. Mà đảo khí hậu khắc nghiệt, làm nông chưa đủ cung cấp thực phẩm cho đảo nữa, còn phải nhập từ đất liền thì lấy đâu lời lãi nhiều. Chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ, tất cả dựa vào đánh bắt hải sản thôi. Nghe Tiên kể về những thông tin mình thu thập được và nỗi băn khoăn trong lòng, anh Hải cười buồn:

- Em đừng ngạc nhiên, ở đảo bây giờ là tốt hơn nhiều lắm rồi đó. Người dân giờ còn có ý thức cho con em đi học, chứ hồi đó khi còn phải vào đất liền đi thi tốt nghiệp á, được bao nhiêu em tốt nghiệp được cấp 3 đâu. Thấy vậy á, chứ chừng vài năm nữa em ra đảo sẽ khác nhiều, cứ tin anh đi.

Tiên tin chứ, tin rằng một ngày không xa huyện đảo sẽ vươn mình lớn mạnh. Tiên tin chứ, tin vào ngày đảo nhỏ thay da đổi thịt trở thành điểm sáng trên biển khơi như ngọn hải đăng trên núi kia vẫn cần mẫn đêm đêm soi đường cho tàu thuyền qua lại…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ukraine thay tướng nhưng không đổi vận

Ukraine thay tướng nhưng không đổi vận

GD&TĐ -Tổng thống Volodymyr Zelensky bày tỏ sự không hài lòng với công việc của Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine là Thượng tướng Oleksandr Syrskyi.

Một vụ thử hạt nhân tại Nevada của Mỹ.

Quốc gia nào vẫn đang thử hạt nhân?

GD&TĐ - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một dự luật từ bỏ Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) vào năm ngoái, với lý do Mỹ từ chối phê chuẩn.